Vì sao nhiều thành phố, thị trấn của Anh phá sản

Birmingham là một trong những nơi đầu tiên phá sản nhưng số phận của nó cũng đang chờ đợi nhiều thị trấn và thành phố khác của nước Anh, vì ngay cả những hội đồng được quản lý tốt nhất cũng có nguy cơ 'thất thủ'.

Trung tâm Birmingham tràn ngập những khu đất trống với các dự án xây dựng dang dở hoặc chưa khởi công. Ảnh: CNN

Thành phố "thụt lùi"

Năm 1890, một nhà báo người Mỹ tên là Julian Ralph đã đi từ New York đến Birmingham, một thành phố công nghiệp nằm ngay trung tâm nước Anh và đánh giá đây là “thành phố được quản lý tốt nhất trên thế giới”.

Với 12 trang báo trên Tạp chí Harper's, Ralph ca ngợi hội đồng thành phố vì đã cung cấp cho công dân của mình các viện bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật và thư viện miễn phí; phục vụ hồ bơi và phòng tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ; vì đã giữ cho đường phố “sạch sẽ một cách lạ thường”; vì quản lý nguồn cung cấp nước tốt; và sử dụng đèn khí đốt – cũng được phát minh ở thành phố này vài thập kỷ trước - để đường phố luôn sáng sủa.

Nhưng vào năm 2024, du khách đến Birmingham sẽ thấy một không gian công cộng rất khác. Hội đồng thành phố đang xem xét việc bán các phòng trưng bày nghệ thuật. Họ có kế hoạch đóng cửa 25 thư viện. Bể bơi miễn phí đã không còn. Việc thu gom rác thải chỉ diễn ra hai tuần một lần. Nước, giống như khí đốt, ban đầu được quốc hữu hóa, sau đó được tư nhân hóa. Và, trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm cắt giảm chi phí, thành phố đã giảm độ sáng của đèn đường.

Birmingham - thành phố lớn thứ hai ở Vương quốc Anh và là chính quyền địa phương lớn nhất ở châu Âu - đã xin phá sản vào tháng 9 năm ngoái. Không thể cân bằng ngân sách hàng năm, họ đã đưa ra thông báo “mục 114”: phiên bản phá sản của chính quyền địa phương. Để lấp đầy “lỗ đen” tài chính của mình, hội đồng thành phố phải cắt giảm dịch vụ, cắt giảm tài sản và tăng thuế, khiến hơn một triệu người phải trả nhiều tiền hơn để nhận lại ít hơn.

Hội đồng thành phố Birmingham đang cân nhắc bán các tài sản như thư viện (ảnh trái), đất và cổ phần ở sân bay thành phố. Trong ảnh phải, rác chất đống bên ngoài một nhà hàng vì chưa tới ngày thu gom. Ảnh: CNN

Một số tổn thương là do chính họ tự gây ra: hội đồng thành phố, do Công đảng đối lập chính kiểm soát, đã không trả lương bình đẳng cho phụ nữ và nam giới làm những công việc giống nhau, và giờ phải bồi thường. Cùng với việc triển khai hệ thống công nghệ thông tin không thành công, thành phố đã phải gánh khoản nợ khoảng 1 tỷ bảng Anh (1,25 tỷ USD).

Nhưng những vết thương khác đến từ bên ngoài: Nguồn tài trợ của Birmingham từ chính quyền trung ương của Đảng Bảo thủ đã bị cắt 1 tỷ bảng Anh do chương trình thắt lưng buộc bụng trong thập kỷ kể từ năm 2010.

Làn sóng phá sản

Birmingham là một trong những nơi đầu tiên phá sản nhưng số phận của nó cũng đang chờ đợi nhiều thị trấn và thành phố khác của nước Anh, vì ngay cả những hội đồng được quản lý tốt nhất cũng có nguy cơ “thất thủ”. Từ năm 1988 đến năm 2018, chỉ có hai hội đồng bị phá sản. Kể từ năm 2018, 8 hội đồng thành phố đã chung số phận. Và sẽ còn nhiều vụ phá sản tương tự nữa xảy ra khi gần 1/10 hội đồng thành phố/thị trấn ở Anh nói rằng họ có thể sẽ tuyên bố phá sản trong năm tài chính này. Một nửa cho biết có thể sẽ làm vậy trong 5 năm tới.

Ngày 2/5, người Anh ở nhiều khu vực sẽ đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương. Hay đúng hơn là chỉ một số sẽ làm như vậy. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong lần bầu cử gần nhất vào năm 2021 rất thấp: chỉ chiếm 35% cử tri. Các cuộc thăm dò cho thấy cử tri sẽ giáng một đòn nặng nề vào Đảng Bảo thủ cầm quyền, sau đó đảng này sẽ hứng chịu thất bại thậm chí còn gay gắt hơn trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, dự kiến được tổ chức trước tháng 1/2025. Chính phủ tiếp theo sẽ phải đối mặt với một tình thế nghiệt ngã thực tế: từng thị trấn và thành phố của Anh lần lượt có nguy cơ bị phá sản, khi các cuộc khủng hoảng địa phương trở thành thảm họa quốc gia.

Tranh khảm trang trí ở khu Horse Fair bị bong tróc mà không có kinh phí để sửa chữa. Ảnh: CNN

Những chiến dịch phản đối

Học viện Birmingham và Midland, một tòa nhà gạch đỏ ở trung tâm thành phố, từng được nhà báo Ralph ca ngợi là “nền tảng giáo dục tuyệt vời”. Được thành lập vào giữa thời kỳ Nữ hoàngVictoria, Học viện cung cấp các lớp học ngôn ngữ, văn học và khoa học buổi tối cho "Brummies", tên thân mật chỉ cư dân của Birmingham.

Vào một buổi sáng xám xịt cuối tháng 4, hàng chục công dân đã tập trung tại Học viện, không phải để đến lớp mà để phản đối việc cắt giảm mạnh các dịch vụ công của Birmingham. Hội đồng thành phố hồi tháng 2 đã công bố kế hoạch thoát khỏi tình trạng phá sản: trong hai năm tới, các dịch vụ sẽ bị cắt giảm 300 triệu bảng, hơn 1 tỷ bảng tài sản sẽ được bán và thuế hội đồng – được đánh vào các hộ gia đình - sẽ tăng 21%.

Kate Taylor nói với CNN: “Những đợt cắt giảm này không chỉ gây khó khăn mà còn tàn phá thành phố”. Ban ngày là giáo viên, ban đêm bà Taylor đã tập hợp những người bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm - thanh niên và nhân viên xã hội, nhạc sĩ, đoàn viên công đoàn và nhiều người khác - vào nhóm chiến dịch “Brum, Rise Up!” (Công dân Birmingham, hãy đứng lên!”

Nhóm chiến dịch “Brum, hãy trỗi dậy!” họp tại Viện Birmingham và Midland. Ảnh: CNN

Tại cuộc họp của nhóm chiến dịch vào tháng 4, hết diễn giả này đến diễn giả khác đã trình bày chi tiết về những ảnh hưởng từ việc cắt giảm chi tiêu công cộng.

Nina Barbosa, một nhân viên sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên, cho biết kế hoạch cắt giảm các dịch vụ thanh thiếu niên sẽ đặc biệt gây khó khăn. Mặc dù nhận được 80 lượt giới thiệu mỗi ngày, cô cho biết chỉ có 2-3 thanh niên tiếp tục được điều trị sức khỏe tâm thần; đơn giản là họ không có kinh phí.

“Tôi cảm thấy như một trò đùa vậy. Cảm giác như chúng ta đang sống trong một tập phim 'Black Mirror'. Đây là quốc gia giàu thứ sáu trên thế giới, và tại thành phố này, 50% trẻ em sống dưới mức nghèo khổ. Và chúng ta đang nghiêm túc xem xét việc tước hơn 50% ngân sách cho lao động tuổi thanh niên? Điều này thật điên rồ”, Barbosa nói với CNN.

"Cái khó bó cái khôn"

Xét theo tiêu chuẩn quốc tế, nguồn thu của chính quyền địa phương ở Anh rất “hẻo”. Ở Anh, chưa đến 5% thuế được thu tại địa phương. Các quốc gia khác trao cho chính quyền địa phương nhiều quyền tăng doanh thu hơn: ở Pháp, 14% thuế được thu tại địa phương; ở Đức là 25%; ở Thụy Điển là 35%.

Không thể tự huy động được nhiều doanh thu, các hội đồng ở Anh thường phải nhận các khoản tài trợ từ chính quyền trung ương. Nhưng những khoản trợ cấp đó đã giảm 40% theo giá trị thực tế trong khoảng thời gian từ năm 2009-2010 đến năm 2019-20. Chính phủ trung ương đã bơm thêm kinh phí trong đại dịch Covid-19, có nghĩa là mức giảm thu nhập từ trợ cấp theo giá trị thực tế vào năm 2021-2022 là 21%.

Khẩu hiệu "Brum, Rise up" được treo trên cửa. Ảnh: CNN

Trong khi nguồn tài trợ bị cắt giảm, nhu cầu về dịch vụ ở địa phương vẫn tăng lên. Nhiều người sống thọ hơn, thường xuyên ốm đau hơn, cuộc sống tiêu tốn ngày càng nhiều ngân sách của các hội đồng. Một thập kỷ trước, khoảng 52% ngân sách hội đồng được chi cho chăm sóc xã hội. Năm ngoái, tỷ lệ này đã tăng lên 61%. Để bảo đảm tỷ lệ đó thì lĩnh vực khác phải cắt giảm. Với phần lớn ngân sách rơi vào tay một phần nhỏ dân số, hầu hết người Anh đều băn khoăn không biết họ đang trả tiền thuế cho cái gì: hóa đơn của họ ngày càng tăng trong khi đường phố ngày càng bẩn hơn và dịch vụ suy giảm.

Hội đồng thành phố đang đứng trước những lựa chọn khó khăn, trong đó có việc bán các tài sản, bao gồm từ thư viện, các khu đất, cổ phần trong sân bay thành phố. Hội đồng Birmingham sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 2,4 tỷ bảng Anh. Một nửa giá trị này sẽ phải được thu hồi lại để cân bằng sổ sách trong hai năm tới.

Các thư viện đang gặp rủi ro đặc biệt: vận hành một dịch vụ tốn kém, bảo trì trong các tòa nhà đắt tiền. Emma Lochery, một bà mẹ hai con, tỏ ra phẫn nộ trước kế hoạch đóng cửa thư viện địa phương của mình ở vùng ngoại ô King’s Heath. Hội đồng hiện đang “tư vấn” cho cư dân; một lựa chọn được đưa ra là các thư viện có thể tiếp tục mở nếu các tình nguyện viên công cộng điều hành chúng.

“Đây là thư viện của chúng tôi. Làm sao họ dám đóng chúng? Sao họ dám thu thuế của chúng tôi rồi yêu cầu chúng tôi tự điều hành thư viện của mình?”, Lochery nói.

Còn Tony Travers, một chuyên gia về chính quyền địa phương tại Trường Kinh tế London, nói với CNN rằng việc bán tài sản là một hành vi tệ. “Nếu bạn bị buộc phải đến tiệm cầm đồ thì đó không phải là một dấu hiệu tốt và thực tế là họ đang ở tiệm cầm đồ.”

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/vi-sao-nhieu-thanh-pho-thi-tran-cua-anh-pha-san-20240503174952156.htm