Vì sao nhiều nước cấm, hạn chế thuốc lá điện tử?

Từng được quảng cáo là một cách lành mạnh để từ bỏ hút thuốc, thuốc lá điện tử hiện bị cấm ở nhiều quốc gia vì lo ngại 'không khác gì thuốc lá'.

WHO kêu gọi các nước có quy định chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát các loại thuốc lá điện tử (Ảnh: Getty)

Nhắm đến trẻ em với 16.000 hương vị khác nhau

Theo báo cáo mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tháng 12/2023, 34 quốc gia trên thế giới đã cấm bán thuốc lá điện tử (vape) trước tháng 7/2023. Trong khi đó, 87 quốc gia – chủ yếu ở phương Tây – đã áp đặt các hạn chế đối với việc bán thuốc lá điện tử, chẳng hạn như cấm một số hương vị nhất định và bán hàng trực tuyến.

WHO kêu gọi cấm tất cả các loại thuốc lá điện tử có hương vị, nói rằng thế giới cần có hành động “khẩn cấp” hơn để hạn chế việc sử dụng các thiết bị này. Tổ chức này lưu ý rằng vẫn còn 74 quốc gia không có bất kỳ quy định nào về việc sử dụng và bán thuốc lá điện tử.

Nhưng ngay cả ở những khu vực có lệnh cấm, thuốc lá điện tử - với các loại hương vị trái cây - vẫn sẵn có do việc thực thi quy định chưa hiệu quả.

Theo thống kê, khoảng 1/20 người trưởng thành – tương đương 11 triệu người - sử dụng thuốc lá điện tử ở Mỹ. Trong nhóm thanh thiếu niên, tỷ lệ sử dụng lại cao hơn, lên tới 1/4 ở một số nhóm tuổi nhất định.

Các công ty thuốc lá tuyên bố thuốc lá điện tử an toàn hơn thuốc lá truyền thống và gây ra ít rủi ro hơn nhiều đối với sức khỏe. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các thiết bị này tạo ra những chất nguy hiểm gây hại cho phổi và làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim và phổi.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Trẻ em đang bị bẫy ngay từ khi còn nhỏ để sử dụng thuốc lá điện tử và có thể bị nghiện nicotine. Tôi kêu gọi các nước thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự sử dụng nhằm bảo vệ công dân của họ, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên”.

Thuốc lá điện tử dùng một lần được bán tại một cửa hàng ở Ashford, Vương quốc Anh (Ảnh: Getty)

Giám đốc phụ trách nâng cao sức khỏe của WHO, TS Ruediger Krech, nói thêm: “Thuốc lá điện tử nhắm đến trẻ em thông qua mạng xã hội và những người có ảnh hưởng, với ít nhất 16.000 hương vị khác nhau. Một số sản phẩm này thậm chí còn sử dụng các nhân vật hoạt hình và thiết kế đẹp mắt để thu hút giới trẻ”.

WHO nhận định dù chưa có thông tin chi tiết về rủi ro sức khỏe lâu dài, nhưng thuốc lá điện tử vẫn tạo ra một số chất có thể gây ung thư, có hại cho tim phổi và ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của giới trẻ.

Nhiều quốc gia hạn chế hoặc cấm thuốc lá điện tử

Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang nỗ lực tìm ra cách tốt nhất để quản lý thuốc lá điện tử trong bối cảnh mức độ phổ biến của chúng ngày càng tăng, kéo theo lo ngại về tác động xấu đối với sức khỏe.

Nhiều quốc gia đã hoặc có kế hoạch áp đặt các lệnh cấm/hạn chế, nhưng việc thực thi yếu kém khiến cho các biện pháp này phần lớn không hiệu quả ở một số khu vực.

Trong 3 năm qua, đã có 6 quốc gia áp dụng lệnh cấm hoàn toàn việc bán thuốc lá điện tử – Cabo Verde, Lào, Nicaragua, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ và Vanuatu.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm nhập khẩu thuốc lá điện tử cũng như việc bán và phân phối chúng. Tổng thống nước này, ông Recep Tayyip Erdogan, trước đây từng nói về các công ty thuốc lá điện tử: “Họ làm giàu bằng cách đầu độc người dân của chúng tôi, chúng tôi sẽ không cho phép điều đó”.

Đầu năm nay, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố rằng thuốc lá điện tử dùng một lần sẽ bị cấm ở Anh nhằm hạn chế giới trẻ hút thuốc.

“Tác động lâu dài của thuốc lá điện tử vẫn chưa được làm rõ và chất nicotin trong chúng có thể gây nghiện cao, vì vậy mặc dù chúng có thể là một công cụ hữu ích để giúp người dân bỏ thuốc lá, nhưng việc tiếp thị thuốc lá điện tử cho trẻ em là không thể chấp nhận được”, ông Sunak tuyên bố.

Theo chính phủ Anh, việc thực hiện các quy định mới sẽ hạn chế sự đa dạng của các hương vị thuốc lá điện tử, đóng gói đơn giản hơn và thay đổi cách trưng bày vape tại các cửa hàng để giảm bớt sự hấp dẫn của chúng đối với trẻ em.

“Những thay đổi này sẽ để lại di sản lâu dài, bằng cách bảo vệ sức khỏe trẻ em của chúng ta về lâu dài”, ông Sunak nói thêm, bởi bộ luật mới sẽ coi việc bán sản phẩm thuốc lá cho thanh thiếu niên dưới 15 tuổi là bất hợp pháp.

Một loại thuốc lá điện tử.

Đức cũng có ý định đưa ra biện pháp chống lại thuốc lá điện tử dùng một lần. Một số nhà sinh thái học - bao gồm Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke – thậm chí còn muốn loại bỏ hoàn toàn thuốc lá điện tử khỏi Liên minh châu Âu (EU).

“Thuốc lá điện tử dùng một lần xả rác ra môi trường và thường trở thành rác thải sinh hoạt thay vì được xử lý đúng cách như các thiết bị điện”, Bà Lemke nói với tờ Mitteldeutsche Zeitung của Đức. “Chúng cũng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng ở các cơ sở xử lý do hỏa hoạn”.

Ngay cả Pháp, quốc gia vốn có quan điểm cởi mở với thuốc lá, cũng đã tuyên bố hạn chế thuốc lá điện tử, trong khi Bỉ đang chờ EU “bật đèn xanh” để cấm chúng.

Vì sao một số nước nới lỏng?

Ở Na Uy, chính quyền trước đây đã ban hành lệnh cấm tất cả các sản phẩm chứa nicotin mới vào thị trường nội địa, nhưng hiện nay đang có kế hoạch nới lỏng dần.

Bộ Y tế nước này đưa ra quan điểm rằng, thuốc lá điện tử nên được cung cấp để giúp mọi người bỏ thuốc lá truyền thống, nhưng vẫn sẽ cấm bán các loại thuốc lá điện tử có hương vị trái cây và quả mọng được cho là khiến nhiều người khó bỏ thuốc.

Một số quốc gia nới lỏng lệnh cấm thuốc lá điện tử với lý do giúp người dân cai thuốc lá truyền thống (Ảnh: Getty)

4 quốc gia lại đi theo con đường khác và dỡ bỏ các hạn chế đối với thuốc lá điện tử, gồm: Ai Cập, Kuwait, Bahrain và các vùng lãnh thổ Palestine.

Đối với Ai Cập, nơi có khoảng 1/5 người lớn hút thuốc lá truyền thống và là quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc nhiều nhất ở Trung Đông, lệnh cấm đã được dỡ bỏ vào năm 2022 để cung cấp thuốc lá điện tử, giúp người dân bỏ thuốc lá truyền thống.

Cần nhiều nỗ lực hạn chế trẻ em sử dụng

Ở Mỹ, các nhà hoạch định chính sách chịu áp lực phải điều chỉnh hoạt động bán thuốc lá điện tử trong nước và giảm sự sẵn có của chúng đối với trẻ em.

Tất cả các công ty thuốc lá điện tử ở nước này đều phải nộp đơn lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) để được phê duyệt trước khi bán sản phẩm của họ. Nhưng việc thực thi chính sách này lại không đồng đều, trong đó các loại thuốc lá điện tử có hương vị được bán rộng rãi mặc dù chưa được FDA phê duyệt.

Có 5 tiểu bang ở Mỹ đã cấm bán thuốc lá điện tử có hương vị – California, Massachusetts, New Jersey, New York và Rhode Island – cùng một số thành phố khác.

Lệnh cấm nghiêm ngặt nhất được áp dụng ở San Francisco, nơi cấm bán tất cả các thiết bị thuốc lá điện tử từ năm 2019 nhằm hạn chế việc sử dụng chúng trong thành phố. 8 tiểu bang khác – Arkansas, Georgia, Hawaii, Maine, Oregon, South Dakota, Utah và Vermont – cấm bán thuốc lá điện tử trực tuyến.

Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có nhiều hành động hơn nữa để khuyến khích giới trẻ từ bỏ thói quen sử dụng thuốc lá điện tử.

Số liệu thống kê được công bố cuối năm ngoái tại Mỹ cho thấy gần 8% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông sử dụng thuốc lá điện tử, tương đương 2,1 triệu người. Nhóm này chủ yếu sử dụng thuốc lá điện tử có hương vị. Khoảng 1/4 học sinh lớp 12 thừa nhận đã sử dụng thiết bị này ít nhất một lần trong năm 2023.

Thuốc lá điện tử là gì?

Thuốc lá điện tử là thiết bị cho phép người dùng hít nicotin ở dạng hơi thay vì khói. Chúng không cần phải đốt hay tạo ra hắc ín và carbon monoxide – hai trong số những thành phần có hại nhất của khói thuốc lá truyền thống.

Các thiết bị này hoạt động bằng cách làm nóng chất lỏng có chứa nicotine cùng với hương liệu. Chúng có thể ở dạng vape - có hình dạng giống như một cây bút hoặc ống nhỏ có bình chứa chất lỏng điện tử và pin - hoặc dạng pod có thể sạc lại và thường có hình dạng giống như thanh USB.

Chúng có nguy hiểm không?

Chất lỏng và hơi của nó có chứa các hóa chất độc hại cũng được tìm thấy trong thuốc lá truyền thống, nhưng ở mức độ thấp hơn. Những hóa chất này có liên quan đến viêm phổi, ho mãn tính, khó thở và bệnh phổi. Một số người sử dụng thuốc lá điện tử lâu năm đã bị tắc nghẽn trong đường dẫn khí của phổi khiến họ phải chịu các triệu chứng “giống như hen suyễn”.

Cũng có nhiều trường hợp được ghi nhận về việc thuốc lá điện tử phát nổ hay bắt lửa.

Theo Euronews, DailyMail

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/vi-sao-nhieu-nuoc-cam-han-che-thuoc-la-dien-tu-post174774.html