Vì sao nhân viên y tế thôn bản chưa thực sự mặn mà?

Mạng lưới nhân viên y tế thôn bản được xem là cánh tay nối dài của ngành y tế, là nhân tố then chốt trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe...

Mạng lưới nhân viên y tế thôn bản được xem là cánh tay nối dài của ngành y tế, là nhân tố then chốt trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, giúp người dân ở những nơi này tiếp cận với quyền lợi được chăm sóc y tế. Nhưng đến nay, việc xây dựng đội ngũ này vẫn còn nhiều bất cập, hầu hết là những người kiêm nhiều nhiệm vụ, nhiều trường hợp không đảm bảo chuyên môn, năng lực công tác, mức phụ cấp chưa tương xứng… ghi nhận tại Quảng Nam.

Theo thống kê của tỉnh Quảng Nam, hiện nay toàn tỉnh có có 1.767 nhân viên y tế thôn bản được phân bố hoạt động trên khắp các thôn bản. Nhân viên y tế thôn bản đã và đang trở thành những nhân tố quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, đội ngũ này mặc dù rất đông đảo nhưng lại chưa phát huy được hết bởi, ngoài trình độ còn hạn chế thì mức phụ cấp với những đối tượng này cũng đang là vấn đề khiến cho nhiều người nhân viên không mặn mà. Theo thống kê của Sở Y tế trong tổng số 1.767 nhân viên y tế thôn bản hiện nay, thì có 1.383 người đã qua các lớp đào tạo y tế thôn bản, nhưng chỉ có 116 người có trình độ chuyên môn bậc trung cấp. Và hiện vẫn còn 260 nhân viên y tế thôn bản chưa được đào tạo chuyên môn.

Nhiều chức năng, công việc nhưng phụ cấp của nhân viên y tế thấp và cần được cải thiện.

Bên cạnh đó, mức thu nhập thấp cũng là một trong những lý do khiến cho nhiều nhân viên y tế “không mặn mà”. Bà Thân Thị Xuân Thông là người đã có 10 năm làm y tế của thôn Cao Duy Đông, xã Điện An, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam cho biết, từ khi Điện Bàn được nâng lên thành thị xã thì tiền phụ cấp hàng tháng của bà cũng giảm xuống còn 60 ngàn đồng/tháng. “Ít quá. Không đủ để đi chợ cho một bữa ăn của gia đình” - bà Thông nói. Cùng quan điểm trên, chị Hồ Thị Hiếu - Trạm trưởng Trạm y tế xã Trà Cang, huyện Nam Trà My cho biết, cán bộ y tế thôn bản ở đây vẫn duy trì nhưng hoạt động kém hiệu quả. “Do kinh phí hỗ trợ họ ít nên phần lớn không mấy mặn mà với công việc này. Chỉ mỗi lần hội họp thì họ vẫn tham gia, nhưng hoạt động cũng cầm chừng vậy à”- chị Hiếu cho biết. Tương tự, ông Chơrum Thanh Vòm - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nam Giang cho biết, huyện có 63 cán bộ y tế ở 63 thôn nhưng đã có đến 10 người xin nghỉ để làm việc khác. “Với những chương trình mục tiêu quốc gia về y tế hay tuyên truyền vận động người dân thì 90% công việc này là do cán bộ y tế thôn bản phụ trách. Bởi những y bác sĩ phải lo công tác khám chữa bệnh nên phần lớn công việc này đều giao cho họ. Tuy nhiên, với mức chi trả phụ cấp thấp như hiện tại thì rất khó khăn cho cán bộ y tế của thôn bản cũng như cho huyện trong việc tìm người thay mới”- ông Vòm chia sẻ.

Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, Quảng Nam, để y tế thôn bản mang lại hiệu quả thì cần phải giải quyết hai vấn đề cơ bản nhất: Tăng số tiền phụ cấp hàng tháng cho họ cũng như hỗ trợ họ trong việc đi lại tuyên truyền; Cần phải đào tạo lại trình độ cho những cán bộ này để họ có được những kiến thức cơ bản nhất trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hiệu quả mang lại cũng sẽ thiết thực hơn. Nếu có thể được thì nên giao Trạm y tế xã và Y tế thôn bản về cho huyện quản lý. Như vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý về con người cũng như các chế độ chính sách kịp thời hơn. Giờ trung bình cứ 3 - 6 tháng mới chi trả tiền phụ cấp cho họ thì tránh làm sao được việc họ chán nản, không tâm huyết với công việc. Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, Sở Y tế sẽ phối hợp với các địa phương để từng bước thực hiện việc lồng ghép nhân viên y tế thôn bản kiêm nhiệm thêm một số công việc tại thôn bản như: cô đỡ thôn bản, cộng tác viên dân số hoặc một số công việc ở ban dân chính thôn..., vừa tạo điều kiện để nhân viên y tế thôn bản có thêm thu nhập vừa hỗ trợ cho công tác.

Bài ảnh: Dương Thư

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/vi-sao-nhan-vien-y-te-thon-ban-chua-thuc-su-man-ma-n125483.html