Vì sao người xưa quan niệm hoàng đế là hóa thân của Rồng?

Ở Trung Quốc thời phong kiến, rồng là biểu tượng của hoàng đế. Còn được gọi là 'Thiên tử', hoàng đế nắm giữ trong tay cả thiên hạ. Do đó, chỉ mình nhà vua sử dụng họa tiết hình rồng.

Cách đây hàng ngàn năm, rồng đã trở thành biểu tượng của hoàng đế Trung Quốc. Nó được coi là biểu tượng của uy lực, sức mạnh, sự giàu sang và thịnh vượng.

Hoàng đế còn được gọi là "Thiên tử" (tức con Trời) nắm giữ trong tay cả thiên hạ. Mỗi quyết định của nhà vua sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của người dân, bao gồm sự sống - chết của mỗi cá nhân.

Thêm nữa, người Trung Quốc thời xưa quan niệm rồng là hiện thân của sức mạnh, lòng dũng cảm, sự xuất sắc, quyết tâm, phẩm giá. Họ cho rằng, hoàng đế là hóa thân của những con rồng.

Hoàng đế Trung Quốc coi bản thân thực sự là "con Trời", được các vị thần cử xuống cai trị thần dân trên mặt đất.

Ngoài ra, người xưa thường gọi hoàng đế là "chân long thiên tử, cửu ngũ chí tôn". Gọi nhà vua là "cửu ngũ" xuất phát từ việc trong số học thời xưa phân làm số âm và số dương. Trong đó, chẵn là âm, lẻ là dương.

Trong số dương thì số 9 là lớn nhất, số 5 ở giữa. Chữ "cửu" (số 9) hài âm với chữ "cửu" (lâu dài), mang ý nghĩa trường trường cửu cửu, vạn thế vạn đại. Do vậy, người xưa dùng từ "cửu ngũ" để chỉ sự chí cao vô thượng của hoàng đế, thiên tử chính chống, vạn thọ vô cương.

Tiếp đến, số 9 liên quan đến một truyền thuyết kể về Ngọc Hoàng Thượng Đế sinh vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch. Hoàng đế Trung Quốc thời phong kiến đều xem mình là Thiên tử nên dùng số 9 - con số gắn liền với Ngọc Hoàng Thượng Đế trên Thiên đình.

Xuất phát từ những điều này, hoàng đế sử dụng rộng rãi họa tiết hình rồng trong đời sống hàng ngày như long bào, ghế rồng, long sàng và trang trí trên nhiều đồ vật trong hoàng cung.

Ngoài hoàng đế, bất cứ người nào sử dụng biểu tượng rồng quyền lực đều bị trừng trị nghiêm khắc. Thậm chí, một số triều đại phong kiến ở Trung Quốc còn cấm người dân vẽ hình rồng. Nếu người nào vi phạm thì sẽ phải trả giá bằng cả tính mạng, thậm chí liên lụy đến gia đình và gia tộc.

Mời độc giả xem video: Bí quyết khiến Hoàng đế dù ăn sơn hào hải vị cũng không béo phì.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/vi-sao-nguoi-xua-quan-niem-hoang-de-la-hoa-than-cua-rong-1948384.html