Vì sao người Việt kiêng gọi tên tổ tiên?

Người Việt kiêng không nói đến tên ông bà cha mẹ, đặc biệt người đã mất. Nếu trong đời sống có những tiếng trùng với tên của các bậc này, họ sẽ gọi tránh.

ĐỒ LỄ CÚNG GIA TIÊN

Những đồ lễ dâng cúng gia tiên bao giờ cũng phải thanh khiết và phải dành riêng. Không con cháu nào được đụng tới. Cỗ bàn nấu xong, phải cúng gia tiên trước thì con cháu mới được ăn sau. Có những trường hợp, người gia trưởng chưa kịp làm lễ cúng, vì nhiều món ăn chưa sửa soạn xong, thì những món ăn đã nấu xong rồi phải múc để riêng dành cho vào việc cúng lễ.

Cũng như khi ông bà cha mẹ còn sống, ông bà cha mẹ chưa ăn, con cháu chưa được ăn. Trong việc cúng lễ tổ tiên, sự thành kính phải đặt hàng đầu. “Tâm động quỷ thần tri”, trong lòng nghĩ thế nào quỷ thần đều thấy rõ. Việc cúng bái tổ tiên thiếu thành kính tức là thiếu hiếu thảo, tổ tiên nào chứng giám cho những con cháu có cúng mà không có kính.

DÂU RỂ LỄ GIA TIÊN

Mọi biến cố trong gia đình, con cháu đều cáo gia tiên, từ việc hiếu đến việc hỷ.

Trong việc vui mừng, về lễ thành hôn của các con cháu, ngoài người gia trưởng phải khấn vái tổ tiên, chính các đương sự cũng cúng lễ tổ tiên.

Trước khi đi đón dâu, người con trai phải làm lễ ở bàn thờ nhà mình, rồi đến khi tới nhà vợ, phải lễ tổ tiên nhà vợ tại chính nhà bố mẹ vợ và còn tại các nhà thờ họ nhà vợ nữa. Cô gái cũng vậy, ngày vu quy, trước khi rời khỏi nhà mình phải làm lễ trước bàn thờ gia tiên, và khi tới nhà chồng, việc đầu tiên là phải lễ trước bàn thờ nhà chồng. Sau đó họ nhà chồng cũng đưa cô dâu đi lễ nhà thờ trong hai họ nội ngoại.

Việc làm lễ trước bàn thờ nhà chồng hoặc nhà vợ, chính là để cô dâu chú rể trình diện với tổ tiên, nhận tổ tiên như tổ tiên nhà mình. Và cũng là dịp để tổ tiên nhận diện một chàng rể hoặc một cô dâu mới.

Ảnh minh họa: huongtram.

KIÊNG TÊN

Con cháu kiêng không nói đến tên ông bà cha mẹ. Nếu trong đời sống hàng ngày có những tiếng trùng với tên của các bậc này, con cháu sẽ gọi trạnh đi, hoặc tìm một tiếng đồng nghĩa để thay vào, thí dụ Hà Đông gọi là Hà Đương, thịt đông gọi là thịt đặc, hoa gọi là bông, quả bưởi gọi là quả bồng, trái banh gọi là trái bóng v.v...

Đối với tổ tiên là các vị đã khuất, sự kiêng tên lại được giữ gìn hơn. Khi con cháu làm một điều gì không phải, bị người khác gọi tên ông bà cha mẹ đã khuất núi ra mà réo, mà chửi là một điều tủi hổ lớn lao, có thể gây nên thù oán sâu đậm được. Chính để tránh cho người khác khỏi xúc phạm đến tổ tiên mình mà mọi người giữ gìn trong điều ăn nếp ở, cố làm sao không gây bất cứ đụng chạm nào.

Trong lúc cúng tổ tiên phải khấn đến tên tổ tiên thì người gia trưởng cũng lâm râm khấn rất khẽ, e khấn to có người nghe tiếng là phạm tội bất kính.

Các con cháu nhỏ không được biết đến tên tổ tiên, e chúng nhắc bậy bạ phạm tới các người, gây điều bất hiếu cho cha mẹ.

Trước khi đặt tên cho các con, bố mẹ phải kiêng không được đặt những tên của tổ tiên.

Việc kiêng tên ngày nay không còn thấy ở các đô thị, nhưng tục quê nhiều vùng vẫn giữ.

Toan Ánh/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-nguoi-viet-kieng-goi-ten-to-tien-post1458283.html