Vì sao người dân ở TP.HCM 'ngó lơ' cầu bộ hành?

Một số cầu bộ hành ở TP.HCM xây dựng ở nơi có nhu cầu đi bộ lớn. Khi đó người dân sẽ có tâm lý chọn đi đường tắt, đi luôn trên mặt đất vì nhanh và thuận tiện hơn.

Giờ cao điểm, lưu lượng giao thông tại khu vực gần ngã tư Hàng Xanh lên cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh) trở nên dày đặc. Tuy vậy, rất đông người đi bộ từ cổng Đại học Công nghệ TP.HCM, vượt dải phân cách để băng ngang đường Điện Biên Phủ. Việc này gây nguy hiểm cho người đi đường lẫn chủ phương tiện lái xe qua con đường có tới 8 làn chạy tốc độ cao.

Đây không phải là cách duy nhất để có thể qua đường. Cách đó khoảng 500 m, đoạn đường có cầu bộ hành Văn Thánh được xây để dành riêng cho người đi bộ, song trái với kỳ vọng, nơi đây chỉ lác đác người qua lại.

Không riêng cầu bộ hành Văn Thánh, nhiều cầu vượt bộ hành khác tại TP.HCM được xây dựng tại các nút giao thông, đại lộ đông đúc nhưng vẫn vắng người qua lại. Những cây cầu dần trở thành chỗ nghỉ của người vô gia cư, hay để người dân tận dụng tập thể dục. Thậm chí, một số nơi xuất hiện nhiều kim tiêm bị vứt lại, có nguy cơ trở thành tụ điểm của những tệ nạn xã hội.

"Vừa cao vừa xa"

Ghi nhận của Zing, cầu thang lên cầu bộ hành Văn Thánh bị gỉ sét, hoại mục, lối đi trên cầu cũng không có mái che. Đáng ngại hơn, trên cầu này xuất hiện bơm kim tiêm khiến nhiều người "ớn lạnh" khi phải di chuyển qua đây.

Thanh Thương (20 tuổi, sinh viên ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết mỗi ngày đều phải qua đường để đón xe buýt từ trường về nhà. Tuy nhiên, cầu vượt lại cách xa trường, di chuyển mất 10-15 phút, trong khi trạm xe buýt nằm ngay đối diện trường, chỉ cần 2-3 phút đã có thể đón xe.

"Qua đường bằng cầu vượt phải đi thêm một đoạn dài hơn 1 km, rồi trèo lên 40 bậc thang. Tôi mà lựa chọn cầu bộ hành thì đến đó vừa cao vừa xa. Tôi nghĩ nếu cầu xây gần trường hơn thì sẽ được nhiều sinh viên lựa chọn", Thanh Thương nói.

Nhiều người dân ái ngại chọn cầu bộ hành vì cầu vừa cao, vừa xa khu vực cần di chuyển. Ảnh: Chí Hùng.

Là đại lộ đẹp bậc nhất TP.HCM, đường Phạm Văn Đồng có tới 5 cầu vượt bộ hành, tuy nhiên hầu hết rơi vào tình trạng "ế" khách. Cầu vượt trên đại lộ Võ Văn Kiệt cũng diễn ra cảnh tương tự.

Cần xây cầu bộ hành ở địa điểm có lưu lượng người đi bộ không lớn, trong khi lượng phương tiện giao thông nhiều, di chuyển tốc độ cao.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn

Ngoài lý do đi bộ xa, lối lên dốc cũng khiến nhiều người e ngại cầu bộ hành. Theo quy định, cầu vượt bộ hành phải đảm bảo độ cao 4,75 m. Song, thực tế cầu thang nối lên hai đầu cầu đều khá dốc, có nhiều bậc nhỏ, gây bất tiện cho người lớn tuổi và trẻ em.

Ông Trần Minh Long (65 tuổi, TP Thủ Đức) chia sẻ mỗi ngày đều tập thể dục trên cầu bộ hành ở đại lộ Võ Văn Kiệt. Người đàn ông tận dụng không gian nơi đây vì vắng người.

"Cầu dốc nên người lớn tuổi, xương khớp yếu khó có thể di chuyển, ít ai đi. Chủ yếu người dân xung quanh tới đây dạo mát và đi bộ vào ban ngày, còn ban đêm thì người vô gia cư tới ở", ông Long nói.

Bất cập

Trao đổi với Zing, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, cho biết mục tiêu của cầu bộ hành là nâng cao an toàn giao thông cho người đi bộ. Đặc biệt ở những tuyến đường có xe chạy tốc độ cao, người đi bộ băng qua đường sẽ rất nguy hiểm.

Ông Tuấn nhìn nhận một số cầu bộ hành ở TP.HCM đang đi ngược với xu thế thiết kế trên thế giới.

Chuyên gia lý giải thông thường, nơi nào có nhu cầu đi bộ lớn, thường xuyên thì sẽ thiết kế giao thông ưu tiên cho người đi bộ trên mặt đất. Còn ở chỗ nào lưu lượng người đi bộ không lớn, lượng phương tiện giao thông nhiều, di chuyển tốc độ cao thì mới cần xây cầu bộ hành.

Ở TP.HCM, một số cầu bộ hành lại đặt ở nơi có nhu cầu đi bộ lớn. Khi đó, người dân sẽ có tâm lý chọn đi đường tắt, đi luôn trên mặt đất vì nhanh và thuận tiện hơn.

Theo chuyên gia, cầu bộ hành nên được xây dựng ở nơi có lưu lượng người đi bộ không lớn, mật độ giao thông cao. Ảnh: Chí Hùng.

Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng câu chuyện cầu bộ hành bị "ngó lơ" diễn ra ở nhiều nước khác, không chỉ ở Việt Nam. Theo ông Sơn, đa số cầu bộ hành tại TP.HCM là do Sở Giao thông Vận tải thực hiện, thiếu yếu tố thuận tiện về mặt quy hoạch.

Cầu đi bộ phải là thành phần kết nối cụm công trình giữa đường bên này và đường bên kia.

KTS Ngô Viết Nam Sơn

"Vị trí, thiết kế... phải có sự khảo sát và nghiên cứu để hấp dẫn người dân. Việc thiết kế cầu nên có sự phối hợp giữa Sở GTVT và Sở Quy hoạch - Kiến trúc để đưa ra phương án phù hợp, chứ không nên duy ý chí, mạnh ai nấy làm, không quan tâm nhu cầu của người dân", chuyên gia nhấn mạnh.

Vị KTS nhìn nhận không nên nơi nào cũng xây cầu bộ hành vì có thể ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan. Ông Sơn lấy dẫn chứng bài học từ cầu bộ hành đầu tiên được xây ở TP.HCM, nối từ chợ Bến Thành đến bùng binh Quách Thị Trang. Tuy nhiên, khu vực này có ít người sử dụng, đặt cầu vào trông không đẹp mắt, dẫn đến việc phải dỡ bỏ.

"Cầu đi bộ không đơn giản là chỗ băng qua đường, mà phải là thành phần kết nối cụm công trình giữa đường bên này và đường bên kia", ông Sơn nói, đồng thời chỉ ra nên tích hợp cầu bộ hành với công trình ở hai bên để nâng cao tính hiệu quả, thu hút nhiều người dân sử dụng hơn.

Vân Trang - Anh Nhàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-nguoi-dan-o-tphcm-ngo-lo-cau-bo-hanh-post1421319.html