Vì sao người dân ngại... nhà tái định cư?

Nhiều tòa nhà tái định cư bị xuống cấp nhưng không có kinh phí bảo dưỡng; không ít tòa nhà được xây dựng hoàn thiện hàng chục năm vẫn bị bỏ hoang chưa có người đến ở, trong khi cơ chế vẫn còn nhiều vướng mắc.

Đây là thực trạng của vấn đề quản lý, sử dụng nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội những năm gần đây.

Nhiều bất cập

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội khi hàng loạt tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng sau một thời gian sử dụng, nhưng không được bảo trì, sửa chữa kịp thời. Có thể kể đến như tòa chung cư tái định cư tại Khu đô thị Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), với 10 tòa nhà được đưa vào sử dụng từ năm 2006.

Nhà tái định cư tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai xây dựng xong nhưng bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Công Hùng

Theo quan sát thực tế, rất nhiều hạng mục phụ trợ ở một số tòa nhà đã bị xuống cấp nghiêm trọng, bậc cầu thang bị nứt gãy, nhiều mảng tường nhà bong tróc, xuất hiện những vết nứt kéo dài. Đường ống dẫn nước thải nhiều khi bị tắc nghẽn khiến nước thải tràn ra sàn nhà, hệ thống thang máy thường xuyên gặp sự cố..., ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân.

“Cư dân chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị lên đơn vị chủ quản về tình hình xuống cấp của một số hạ tầng của tòa nhà. Theo quy định, những hạng mục liên quan đến tòa nhà khi cần sửa chữa thì chúng tôi phải xin phép đơn vị quản lý, nhưng mỗi khi gặp sự cố nào đó liên quan phải rất lâu mới được xử lý. Đối với phần kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa, cư dân đều sẵn sàng đóng góp khi cần, nhưng để thực hiện thì cần quá nhiều quy trình, thủ tục gây khó cho người dân” – anh Nguyễn Minh, trú tại tòa nhà N10, Khu đô thị Đồng Tàu chia sẻ.

Cũng nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai là Khu tái định cư Đền Lừ III, thuộc địa bàn các phường Tân Mai, Hoàng Văn Thụ, 3 tòa chung cư với hàng trăm căn hộ nhà ở tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng khu di dân Đền Lừ III, đã hoàn thành xây dựng từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn trong tình trạng bỏ hoang.

Đáng nói, khu nhà tái định cư này lại tọa lạc ở một vị trí vô cùng đắc địa, mặt tiền là đường Tân Mai rộng trên 50m, liền trước đó là hồ Đền Lừ. Khu nhà tái định cư này chưa thể đưa vào sử dụng do vẫn còn một số tồn tại phải khắc phục liên quan đến xử lý nước thải, phòng cháy, chữa cháy. Trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, khu tái định cư này được sử dụng làm nơi thu dung, điều trị, cách ly của bệnh nhân, nhưng đến nay lại rơi vào tình trạng bỏ không.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều dự án nhà ở tái định cư xảy ra bất cập về tình trạng quản lý, sử dụng. Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, toàn TP hiện có 199 tòa nhà chung cư tái định cư với 17.957 căn hộ (do Nhà nước đầu tư xây dựng) đã bàn giao và đưa vào sử dụng, nhưng còn 103 tòa nhà không có nhà sinh hoạt cộng đồng; 54 tòa nhà không có diện tích kinh doanh dịch vụ, theo thiết kế là chỗ để xe, phòng kỹ thuật; số ban quản trị được thành lập còn rất ít.

“Hiện nay, mức phí để quản lý, vận hành các tòa nhà chung cư tái định cư thu theo quy định của TP rất thấp, không đủ để bù chi phí bảo trì, sửa chữa. Mức thu phí để vận hành cơ bản phải từ 4.000 - 5.000 đồng/m2/tháng nhưng hiện vẫn thu mức 500 đồng/m2/tháng (khoảng 30.000 đồng/hộ/tháng). Với mức thu như vậy thì công tác bảo trì gặp nhiều khó khăn, do cần phải có nguồn kinh phí lớn” - đại diện Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội thông tin.

Linh hoạt theo tình hình thực tế

Cũng theo báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, trong giai đoạn 2021 – 2030, trên địa bàn TP sẽ xây dựng nhiều công trình trọng điểm, nên nhu cầu về nhà ở tái định cư lên đến 16.000 căn hộ. Hiện tại, quỹ nhà ở tái định cư còn bỏ trống khoảng trên 400 căn; Quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên thuộc các dự án: Khu nhà ở xã hội CT19A Việt Hưng (quận Long Biên), Khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II (quận Nam Từ Liêm), Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) còn khoảng 7.400 căn bỏ trống. Sở Xây dựng đã có văn bản đôn đốc chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án, bảo đảm chất lượng công trình, để sớm đưa vào sử dụng và tập trung tuyên truyền, động viên, vận động người dân đồng thuận với chủ trương của TP trong việc tái định cư, giao đất để TP triển khai đầu tư các công trình công cộng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý. Đơn cử như đề xuất chuyển các khu nhà ở sinh viên thành nhà ở xã hội hay việc quản lý, sử dụng diện tích dịch vụ ở các tòa nhà tái định cư để bán, đấu giá cho người dân hay kinh phí bảo trì... nhưng đến nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể hay cho phép thực hiện, mặc dù Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng dự thảo lấy ý kiến từ các địa phương, song vẫn đang trong quá trình xây dựng. Chúng tôi đã có văn bản đề xuất, tham mưu, tuy vậy vẫn phải chờ có văn bản quy định cụ thể” – Giám đốc Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở (Sở Xây dựng Hà Nội) Phạm Hữu Tiến cho hay.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ Tài chính, bắt đầu từ năm 2020 diện tích kinh doanh thương mại ở các tòa nhà tái định cư không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Thông tư số 124/2016/TT-BTC nên không còn nguồn thu thực hiện công tác bảo trì nhà tái định cư.

Vì vậy, vừa qua, Sở Xây dựng đã có văn bản yêu cầu đơn vị được giao quản lý nhà tái định cư rà soát, phân loại chất lượng cụ thể các hạng mục hạ tầng tại nhà tái định cư, có văn bản gửi Sở Tài chính, đề nghị thẩm định, trình UBND TP phê duyệt dự toán thu - chi với hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa nhà tái định cư. Mặt khác, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm cuộc sống cho cư dân, Sở Xây dựng yêu cầu đơn vị quản lý nhà tái định cư hướng dẫn đơn vị quản lý vận hành, ban quản trị nhà tái định cư phối hợp với đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai công tác bảo trì, sửa chữa phần sở hữu chung.

Liên quan đến vấn đề này, theo chuyên gia về quy hoạch – quản lý đô thị Thạc sĩ - kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Anh Tuấn, thời gian qua xảy ra rất nhiều tranh cãi về quỹ bảo trì nhà chung cư thương mại (2%), do chủ đầu tư truy thu ngay từ thời điểm bán nhà mà sử dụng sai mục đích. Nhưng đối với quỹ nhà tái định cư thì câu chuyện lại khác, phần lớn đã được vận hành, sử dụng trên dưới 10 năm, việc xuống cấp là lẽ đương nhiên.

“Vậy tại sao các đơn vị quản lý nhà tái định cư không thực hiện, hay còn có văn bản nào không cho phép được thu quỹ bảo trì đối với nhà tái định cư? Tôi cho rằng, nếu bây giờ thu tiền phí bảo trì ở các dự án nhà tái định cư thì chắc chắn người dân sẽ đồng thuận, vì nó gắn liền với lợi ích thực tế của họ” – Thạc sĩ, KTS Nguyễn Anh Tuấn phân tích.

Đồng thời cho rằng, phía các đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư cần phải có cách làm linh hoạt, gắn với thực tế chứ không nên quá gò bó theo quy trình, quy định; cần tham mưu với TP cho phép hoặc kiến nghị Chính phủ cho thực hiện một số cơ chế đặc thù về vốn phục vụ công tác bảo trì hay việc chuyển đổi công năng sử dụng cho phù hợp với thực tế.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ - kiến trúc sư TS Trần Tuấn Anh – chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng, các bộ, ngành chuyên môn có chức năng cần nghiên cứu đề xuất của TP Hà Nội và kiến nghị, Chính phủ cho phép thực hiện một cơ chế đặc thù riêng liên quan đến kinh phí bảo trì chung cư tái định cư và việc chuyển đổi công năng sử dụng các tòa nhà bỏ trống phục vụ nhu cầu tái định cư trong thời gian tới.

Chủ trương về tái định cư là hoàn toàn đúng, song việc thực hiện lại có nhiều vấn đề. Bên cạnh chất lượng nhà kém, một nguyên nhân cơ bản khiến người dân không mặn mà với nhà tái định cư là do không đáp ứng được nguyện vọng của họ. Vì vậy, cần phải có cách thức phù hợp trong quá trình quản lý, vận hành; đồng thời việc nghiên cứu xây dựng mới cần phải bám sát với thực tế của người dân đó là gắn với việc mưu sinh, phát triển kinh tế hộ gia đình.
GS. TSKH Đặng Hùng Võ

Mai Vân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vi-sao-nguoi-dan-ngai-nha-tai-dinh-cu.html