Vì sao ngày càng nhiều người đi làm thích 'cất xe riêng, đi xe buýt'?

Trước thông tin khách hàng sử dụng thẻ tháng của một đơn vị xe buýt điện có tỷ lệ người đi làm rất cao, một số chuyên gia cho rằng đây là xu hướng tất yếu.

Báo cáo mới nhất do Tập đoàn nghiên cứu thị trường IMARC công bố chỉ ra các xu hướng và cơ hội phát triển hiện tại trong lĩnh vực vận tải công toàn cầu với các dự báo cho giai đoạn 2023-2028. Nghiên cứu này cung cấp phân tích toàn diện về ngành, bao gồm thị phần, quy mô, xu hướng và dự báo tăng trưởng trên thị trường vận tải công cộng.

Theo đó, báo cáo cho rằng thị trường giao thông công cộng toàn cầu đã đạt giá trị 232,24 tỷ USD vào năm 2022. Tập đoàn IMARC ước tính rằng những con số này sẽ tiếp tục tăng, đạt hơn 339,41 tỷ USD vào năm 2028, thể hiện tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,44% trong giai đoạn 2023-2028.

Một chuyến tàu treo ngược độc đáo tại Nhật. (Ảnh: Reddit)

Một chuyến tàu treo ngược độc đáo tại Nhật. (Ảnh: Reddit)

Trong nhiều thập kỷ, quyền sở hữu ô tô tư nhân luôn được nhiều người dân tại các đô thị lớn, nhất là ở các nước phát triển ưu tiên. Sự tiện lợi và tự do của phương tiện cá nhân trước đây vượt xa những hạn chế của phương tiện giao thông công cộng.

Tuy nhiên, gió đang đổi chiều. Theo trang web Giá xăng dầu toàn cầu Globalpetrolprice, chi phí nhiên liệu tăng cao đã khiến giá xăng trung bình trên toàn cầu tăng hơn 30% chỉ trong năm qua. Cùng với tình trạng đường sá ngày càng tắc nghẽn, một nghiên cứu của Viện Vận tải A&M Texas cho thấy tắc nghẽn giao thông khiến người lái xe Mỹ trung bình phải trả 950 USD mỗi năm do lãng phí thời gian và nhiên liệu. Những yếu tố này đang làm cho việc sở hữu ô tô trở nên kém hấp dẫn hơn.

Giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt, là một giải pháp thay thế hấp dẫn. Mạng lưới xe buýt có thể rộng khắp, tiếp cận các khu vực thường không được phục vụ bởi các hình thức giao thông công cộng khác như tàu điện ngầm hoặc xe điện. Báo cáo năm 2023 của Hiệp hội Vận tải Công cộng Quốc tế cho thấy xe buýt chiếm hơn một nửa tổng số chuyến đi bằng phương tiện công cộng trên toàn cầu, nêu bật tính phổ biến và tầm quan trọng của chúng.

Điều này làm cho xe buýt trở thành một lựa chọn thuận tiện cho nhiều đối tượng lái xe hơn, từ sinh viên, người đi làm cho đến những người muốn thắt chặt hầu bao.

Cất xe riêng, đi làm bằng xe buýt

Vậy Việt Nam đang đứng đâu trong xu thế chung này của thế giới? Nhận định về thống kê gần đây của một hãng xe buýt điện tại Việt Nam về việc phần lớn khách hàng sử dụng thẻ tháng là người đi làm, nhiều chuyên gia tỏ ra không bất ngờ.

Xe buýt chiếm hơn một nửa tổng số chuyến đi bằng phương tiện công cộng trên toàn cầu. (Ảnh: Deviantart)

Xe buýt chiếm hơn một nửa tổng số chuyến đi bằng phương tiện công cộng trên toàn cầu. (Ảnh: Deviantart)

Theo Tiến sĩ Ngô Vĩnh Bạch Dương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Viện Nhà nước và Pháp luật, việc di chuyển bằng xe buýt ở các đô thị lớn tại Việt Nam hiện nay rất tiện lợi, nhất là trong trường hợp các tuyến xe buýt kết nối được những khu đô thị lớn ở ngoại ô tới những khoảng cách xa trong nội đô, thường xuyên căng thẳng với mật độ giao thông đông đúc.

Tuy nhiên, ông Dương cũng nhấn mạnh rằng thống kê trên được lấy từ một hãng xe buýt chứ không phải toàn bộ ngành vận tải bằng xe buýt tuyến cố định trong toàn thành phố, và cũng không chỉ ra tỷ lệ những người đi làm, mua vé tháng của nhưng không sống tại các khu đô thị trên tuyến là bao nhiêu.

Do vậy, thông tin này rất tích cực nhưng không đại diện cho toàn bộ ngành buýt công cộng, cũng không phản ánh toàn bộ số người trong thành phố đi làm hàng ngày dùng phương tiện gì. Có điều, xu thế "cất xe riêng để đi làm bằng buýt" là có thật.

PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô tại Đại học Bách khoa Hà Nội cũng chia sẻ rằng bản thân là người thường xuyên sử dụng dịch vụ xe buýt xanh, nên có thể cảm nhận được không có gì bất ngờ khi ngày càng nhiều người đi làm trong nội đô chọn sử dụng phương tiện này.

Theo một khảo sát của báo Giao Thông năm 2016, đa số khách hàng lúc đó của xe buýt là sinh viên, người cao tuổi và người lao động tại các khu vực lân cận vào nội thành buôn bán. Tuy nhiên, xu hướng này đã và đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng và hướng dần đến người đi làm - đối tượng thường đề cao sự tự do của phương tiện công cộng.

Người dân trên một chuyến tàu điện ngầm ở Osaka, Nhật Bản. Được biết, trong năm tài chính 2022, mỗi ngày các tuyến điện ngầm ở Osaka phục vụ gần 2,8 triệu lượt hành khách. (Ảnh: Vecteezy)

Người dân trên một chuyến tàu điện ngầm ở Osaka, Nhật Bản. Được biết, trong năm tài chính 2022, mỗi ngày các tuyến điện ngầm ở Osaka phục vụ gần 2,8 triệu lượt hành khách. (Ảnh: Vecteezy)

"Chính tôi cũng đi làm bằng buýt. Gần 1/2 đồng nghiệp trong cơ quan tôi cũng sử dụng buýt và đi bộ. Bạn bè tôi cũng nhiều người như vậy. Vì vậy, tôi không nghĩ xe buýt chỉ dành cho người cao tuổi và sinh viên, dù thành phần này rất đông. Tiện lợi, phù hợp lộ trình thì người ta đi thôi", ông Dương cho ý kiến về lý do chính dẫn đến sự chuyển dịch về khách hàng của loại hình vận tải này.

Tuy nhiên, tiện lợi về lộ trình không phải là lý do duy nhất khiến xe buýt, đặc biệt là xe buýt điện hay các phương tiện công cộng khác thu hút người lao động lựa chọn. Theo ông Dương, sự tiện lợi, tính sẵn có, độ bao phủ, phù hợp lộ trình, thời gian di chuyển không quá lâu, giá cả phải chăng, là những thứ có thể hoàn toàn xứng đáng để thay thế những căng thẳng không cần thiết khi điều khiển phương tiện cá nhân.

Còn với ông Phúc, đặc điểm vô cùng ăn khách của xe buýt điện nữa đó là điều kiện vận hành tốt, êm ái, tạo trải nghiệm tốt cho hành khách. Đó là chưa kể hành khách trên các tuyến xe buýt điện thường có hành xử văn minh, tạo ra môi trường lành mạnh, dễ chịu.

Bảo vệ môi trường - yếu tố phụ

Trước ý kiến cho rằng việc di chuyển bằng phương tiện công cộng, đặc biệt là xe buýt điện có thể giúp giảm phát thải hay tác động xấu lên môi trường, từ đó thúc đẩy người dân lựa chọn, tiến sĩ Phúc nhận định rằng dù là xe buýt điện hay xe buýt thường thì cũng có thể là lựa chọn tốt hơn so với phương tiện cá nhân về các mặt này.

Tuy nhiên, lý do chính khiến người dân dần chuyển sang xe buýt là sự văn minh và tiện dụng, còn bảo vệ môi trường không phải yếu tố quyết định.

Cảnh tượng trên một chuyến MRT ở Singapore. Đảo quốc sư tử tự hào có một trong những hệ thống giao thông công cộng tốt nhất thế giới. (Ảnh: Singapore Malls)

Cảnh tượng trên một chuyến MRT ở Singapore. Đảo quốc sư tử tự hào có một trong những hệ thống giao thông công cộng tốt nhất thế giới. (Ảnh: Singapore Malls)

Trong khi đó, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương nhận định cần thận trọng hơn khi đánh giá về các tác động môi trường. "Đánh giá về bảo vệ môi trường cũng như phát thải cần đánh giá toàn diện hơn bởi môi trường là câu chuyện không có lãnh thổ. Không tổn hại đến môi trường ở vùng A, không có nghĩa rằng một hoạt động không gây tác động tiêu cực nào đối với vùng B. Thực ra, tôi chưa nghĩ gì nhiều về điều này khi quyết định đi buýt hay phương tiện khác. Cần đi thì phải đi, và đi bằng cái gì thì cân nhắc cái nào tiện hơn. Có lẽ nhiều người khác cũng vậy", ông chia sẻ.

Viện Tài nguyên Thế giới WRI ước tính ngành giao thông vận tải chịu trách nhiệm cho gần 1/4 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Còn theo Cơ quan Giao thông Vận tải Kansas, giao thông công cộng của Hoa Kỳ giúp giảm được 37 triệu tấn carbon dioxide hàng năm, tương đương với lượng khí thải do điện tạo ra để sử dụng cho 4,9 triệu hộ gia đình, tức tổng số hộ gia đình ở Washington DC, New York, Atlanta, Denver và Los Angeles cộng lại.

Giảm căng thẳng đáng kể

Xu hướng chuyển sang giao thông công cộng trên thế giới không chỉ liên quan đến lý do tiện lợi hay chi phí, môi trường mà còn do sức khỏe tinh thần. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đi lại bằng ô tô có thể là nguyên nhân gây căng thẳng đáng kể, trong khi phương tiện giao thông công cộng có thể mang lại trải nghiệm đi lại thoải mái hơn.

Một nghiên cứu năm 2020 của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) cho thấy tắc nghẽn giao thông là nguyên nhân gây căng thẳng lớn cho người thường xuyên di chuyển. Phương tiện giao thông công cộng giúp loại bỏ việc phải điều khiển xe khi ùn tắc giao thông, giảm bớt cảm giác khó chịu.

Tàu điện Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Viên Minh)

Tàu điện Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Viên Minh)

Nhờ không phải lái xe, hành khách cũng được giải phóng thời gian cho thư giãn - đọc sách, nghe nhạc hoặc đơn giản là nghỉ ngơi. Một nghiên cứu năm 2019 của Đại học Leeds cho thấy ngay cả việc thực hành chánh niệm trong thời gian ngắn khi đi làm cũng có thể làm giảm đáng kể mức độ căng thẳng.

Ngoài ra, giao thông công cộng có thể nuôi dưỡng ý thức cộng đồng, đặc biệt là trên các tuyến đông người. Trong khi một số người không thích việc này, thì một nghiên cứu năm 2018 của Đại học McGill cho thấy rằng tương tác xã hội, dù chỉ trong thời gian ngắn, cũng có thể có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần.

Mặc dù cần nghiên cứu sâu hơn để hiểu đầy đủ về mối liên hệ giữa việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng và giảm căng thẳng, nhưng bằng chứng sẵn có cho thấy lợi ích rõ ràng.

Điều quan trọng cần lưu ý: là trải nghiệm sử dụng phương tiện giao thông công cộng có thể khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như lượng người tham gia, sự đúng giờ và độ an toàn. Các thành phố có hệ thống giao thông công cộng được bảo trì tốt và hiệu quả có thể sẽ có tác động tích cực hơn đến mức độ căng thẳng của người đi lại.

Xu hướng trong tương lai?

Với người dân ở các nước phát triển, việc sở hữu và bảo dưỡng một chiếc ô tô có thể là một gánh nặng tài chính đáng kể. Giao thông công cộng cung cấp một giải pháp thay thế hợp lý hơn, có khả năng giảm bớt căng thẳng tài chính cho người đi xe.

Một ví dụ tiêu biểu là tại Singapore. Chính phủ Singapore không khuyến khích việc sở hữu ô tô thông qua một hệ thống thuế và hạn ngạch phức tạp được gọi là Giấy chứng nhận quyền sở hữu (COE). Hệ thống này hạn chế số lượng ô tô mới trên đường, giữ giá ô tô ở mức rất cao. Theo báo cáo năm 2023 của Hiệp hội Ô tô Singapore (SAA), giá COE trung bình có thể dao động quanh mức 70.000 đô la Singapore (51.800 USD), làm tăng đáng kể tổng chi phí sở hữu ô tô.

Trong khi đó, nước này lại có hệ thống giao thông công cộng rất phát triển. Singapore tự hào có hệ thống Vận tải Nhanh (MRT) đẳng cấp thế giới, được hỗ trợ bởi mạng lưới xe buýt rộng khắp. Cơ quan Giao thông Đường bộ (LTA) báo cáo rằng lượng hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng đạt mức cao kỷ lục 8,3 triệu lượt đi hàng ngày vào năm 2019. Mạng lưới rộng khắp này đảm bảo việc tiếp cận thuận tiện tới hầu hết các khu vực của quốc đảo.

Tuyến bus nhanh BRT Hà Nội. (Ảnh: VOV Giao Thông)

Tuyến bus nhanh BRT Hà Nội. (Ảnh: VOV Giao Thông)

Nhận định về xu hướng của phương tiện công cộng trong tương lai tại Việt Nam, ông Dương cho biết: "Chắc chắn sẽ phát triển bởi một vài lý do: Phương tiện ngày một tốt hơn, độ bao phủ rộng khắp hơn và vì thế hấp dẫn hơn. Ở chiều ngược lại, sở hữu phương tiện riêng đã và đang là một giá trị, theo thời gian, giá trị sẽ thay đổi, xe riêng không còn là một thứ để ao ước nữa mà là những giá trị khác cao hơn.

Thêm vào đó, cuộc sống bận rộn, nhiều áp lực hơn, người ta sẽ đến cái lúc phải cắt bỏ những căng thẳng không cần thiết vì sở thích đi xe cá nhân trong những lộ trình đông đúc cũng như chi phí thời gian cùng tiền bạc để tìm chỗ đậu xe. Điều này đã được chứng minh ở các nước phát triển".

Đồng ý kiến, ông Phúc cho rằng nếu các phương tiện công cộng đạt được sự kết nối, đồng bộ tốt như nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự tiện lợi cho người dân thì mọi người sẵn sàng chuyển sang phương tiện công cộng, đặc biệt là phương tiện điện vì sự êm ái.

"Cản trở lớn nhất hiện nay là sự kết nối của các tuyến chưa đầy đủ để phục vụ toàn bộ nhu cầu của người sử dụng", ông Phúc kết luận.

Thạch Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-sao-ngay-cang-nhieu-nguoi-di-lam-thich-cat-xe-rieng-di-xe-buyt-ar867311.html