Vì sao Nga cáo buộc phương Tây gây ra 'vỡ nợ nhân tạo'?

Tình hình của Nga rất khác so với các nước trên thế giới đã tuyên bố vỡ nợ, bởi giới chức Nga khẳng định 'có đủ tiền và thiện chí chi trả' song vấp phải các lệnh trừng phạt.

Kết thúc hôm 26/6 - cũng là thời hạn chót để thanh toán khoản nợ Nga phải trả khoản lãi suất trái phiếu Eurobonds trị giá khoảng 100 triệu USD, lần đầu tiên trong lịch sử từ năm 1918, Nga bị coi là "vỡ nợ về mặt kỹ thuật", Bloomberg đưa tin.

Eurobonds là thuật ngữ dùng cho các loại trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ. Moscow đang nợ khoảng 40 tỷ USD liên quan đến loại trái phiếu này. Trước khi xung đột Ukraine xảy ra, Nga có khoảng 640 tỷ USD dự trữ ngoại tệ và vàng, hầu hết được đặt ở các ngân hàng nước ngoài.

Không như các quốc gia vỡ nợ khác trên thế giới, việc không thể thanh toán khoản nợ của Nga không phải xuất phát từ việc không đủ tiền. Nguyên nhân do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Từ khi chiến sự xảy ra tại Ukraine, các tài khoản ngoại tệ của Nga ở nước ngoài đã bị Mỹ và nhiều nước châu Âu phong tỏa. Tuy nhiên, ngày 2/3, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ cấp giấy phép chung tạm thời 9A, cho phép Moscow sử dụng ngoại tệ để thanh toán các khoản nợ nước ngoài. Ngày 25/5, Bộ Tài chính Mỹ cho biết giấy phép này sẽ không được gia hạn, tức thời gian của lệnh miễn trừ với Nga hết hiệu lực.

Nước Nga bị coi là "vỡ nợ" nước ngoài sau hơn một thế kỷ. Ảnh: Reuters.

Bản chất thông tin "vỡ nợ"

Thông thường, thông báo vỡ nợ chính thức do các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đưa ra. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt từ phương Tây khiến các công ty này không thể tiếp cận và xếp hạng Nga.

Hồi đầu tháng 6, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov - tuyên bố: “Tôi gọi là nhân tạo, bởi đây là tình huống do phương Tây tạo ra chứ không hề có cơ sở thực tế nào về vỡ nợ của Nga”, theo Tass.

Giáo sư Yuri Yudenkov (Học viện Hành chính công và Kinh tế quốc dân Nga) giải thích trên Sputnik: "Trước đây, Nga có thể thanh toán lãi suất của các khoản nợ bằng đồng USD mà không bị Mỹ ngăn cản".

Nhưng ông nhấn mạnh giờ đây Nga không thể thanh toán được bằng đồng USD được nữa, do đó, những gì đang xảy ra không phải là một cuộc vỡ nợ theo nghĩa trực tiếp nhất của từ này.

Một cách khác để xác định quốc gia vỡ nợ là khi 25% chủ nợ tuyên bố rằng họ không nhận được tiền và yêu cầu tuyên bố vỡ nợ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ tài chính Nga Anton Siluanov hôm 27/6, việc các chủ nợ yêu cầu tuyên bố vỡ nợ thông qua các tòa án là không hợp lý. Ông Siluanov nhấn mạnh: "Nga không từ bỏ quyền miễn trừ quốc gia và sẽ không có tòa án nước ngoài nào có thẩm quyền xét xử", Bloomberg đưa tin.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov gọi tình hình hiện tại là "trò hề". Ảnh: Sputnik.

Tương tự, theo ông Vladimir Vasiliev - trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Mỹ và Canada (thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga) chỉ ra vấn đề thừa nhận vỡ nợ chỉ quan trọng nếu nhìn từ quan điểm của đầu tư quốc tế. Ông khẳng định: "Nếu một quốc gia vỡ nợ thì sức hấp dẫn đầu tư của quốc gia đó bằng 0", theo Sputnik.

Cuộc sống người Nga không bị ảnh hưởng

Bộ trưởng Tài chính Nga vào tháng 5 đã khẳng định Điện Kremlin “có tiền và luôn sẵn sàng chi trả" và đảm bảo "sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến chất lượng cuộc sống của người Nga", theo Washington Post.

Ông Siluanov nhấn mạnh ngân hàng Nga vẫn được rót hàng tỷ USD mỗi tuần từ việc xuất khẩu năng lượng, bất chấp cuộc xung đột gay gắt ở miền Đông Ukraine. Do đó, nước Nga có đủ tiền và thiện chí để thanh toán khoản nợ.

Bà Agathe Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu thuộc Tổ chức Economist Intelligence Unit (Anh) nhận định với CNBC rằng vì nợ của Nga ở mức thấp, thậm chí đang trên đà giảm ngay trước cuộc chiến tại Ukraine, nên "vỡ nợ về mặt kỹ thuật có thể không đặt ra vấn đề lớn đối với Nga".

Phía Mỹ cũng thừa nhận việc Nga "vỡ nợ kỹ thuật" chỉ mang tính biểu tượng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 18/5 cho rằng vụ vỡ nợ này sẽ không thay đổi đáng kể tình hình của Nga bởi nước này trước đó cũng đã bị cắt khỏi thị trường vốn toàn cầu, theo Wall Street Journal.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh nhằm thiết lập các thủ tục tạm thời để trả các khoản nợ nước ngoài bằng đồng ruble. Ảnh: CNBC.

Đối với các nhà đầu tư, ý kiến từ Bloomberg cho rằng họ có thể theo dõi diễn biến từ cuộc xung đột Ukraine và chờ đợi nhưng thông báo về dỡ bỏ lệnh cấm vận thay vì hành động ngay lập tức. “Hầu hết người mua trái phiếu sẽ tiếp tục chờ đợi”, nhà kinh tế Takahide Kiuchi tại Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) cũng nhận định tương tự.

Theo Wall Street Journal, vào tuần trước, Moscow thông báo sẽ chỉ trả khoản nợ trái phiếu 40 tỷ USD bằng đồng ruble vì "lý do “bất khả kháng. Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh hôm 22/6 nhằm thiết lập các thủ tục tạm thời để thực hiện các nghĩa vụ nợ nước ngoài.

Theo đó, trong vòng 10 ngày, Nga sẽ chọn ra các ngân hàng có khả năng xử lý các khoản thanh toán liên quan trái phiếu, tương tự cơ chế Moscow áp dụng để xử lý các khoản thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.

Nga tung video tên lửa chống tăng Kornet tấn công mục tiêu ở Ukraine Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/6 tung video lính dù nước này dùng tên lửa chống tăng Kornet tấn công vị trí quân đội Ukraine tại một nhà máy bỏ hoang.

Lan Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-nga-cao-buoc-phuong-tay-gay-ra-vo-no-nhan-tao-post1330238.html