Vì sao Nga bắt giữ nhà báo Mỹ?

Evan Gershkovich là phóng viên của tờ báo Mỹ 'The Wall Street Journal' làm việc tại văn phòng Moscow. Vì bị tình nghi hoạt động gián điệp, ngày 29/3/2023, anh bị bắt và tạm giam tại nhà tù 'Lefortovo' đến ngày 30/1/2024. Các nhà điều tra cho biết, Evan Gershkovich bị bắt quả tang khi đang thu thập thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp quốc phòng ở vùng Ural.

Người đầu tiên kể từ năm 1986

Ngày 30/3/2023, Văn phòng Báo chí của Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo về việc đã ngăn chặn hoạt động bất hợp pháp của Evan Gershkovich, phóng viên tờ báo Mỹ “The Wall Street Journal”, làm việc tại văn phòng Moscow. Evan Gershkovich bị tình nghi hoạt động gián điệp vì lợi ích của chính phủ Mỹ.

Theo thông báo của FSB, “Đã xác minh được Evan Gershkovich thu thập thông tin thuộc bí mật nhà nước về hoạt động của một trong những doanh nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp quân sự Nga. Anh ta bị bắt ở thành phố Yekaterinburg khi đang tìm cách lấy thông tin mật”.

Các nhân chứng kể lại rằng một người giống Evan Gershkovich bị đưa ra khỏi nhà hàng “Bukowski Grill” ở trung tâm thành phố Yekaterinburg và đẩy lên một chiếc xe buýt mini vào khoảng 4 giờ chiều giờ địa phương, ngày 29/3.

Nhà hàng “Bukowski Grill”, nơi E. Gershkovich bị bắt.

Cục Điều tra của FSB đã khởi tố vụ án hình sự đối với Evan Gershkovich theo Điều 276 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga (tội gián điệp), dự kiến thời hạn tù từ 10 đến 20 năm. Vụ việc được xếp vào loại “tuyệt mật”. Nhà báo Evan Gershkovich được chuyển đến Moscow, nơi Tòa án quận Lefortovo quyết định tạm giam cho đến ngày 30/1/2024. Luật sư của Evan, Daniil Berman, nói với cơ quan này rằng người bào chữa sẽ kháng cáo quyết định của tòa án và yêu cầu cơ quan điều tra cho phép anh ta tìm hiểu hồ sơ vụ án.

Trong lịch sử nước Nga đương đại chưa từng có những trường hợp tương tự. Lần gần nhất, một nhà báo nước ngoài bị buộc tội làm gián điệp dưới thời Liên Xô: ngày 30/8/1986, tại Moscow, các nhân viên KGB đã bắt giữ Nicholas Daniloff, phóng viên của tạp chí Mỹ “U.S. News & World Report”. Nicholas Daniloff không thừa nhận tội lỗi của mình. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan gọi đây là sự trả đũa cho việc bắt giữ Gennady Zakharov, nhân viên của Phái bộ Liên Xô tại Liên hợp quốc ở New York. Anh ta cũng bị buộc tội làm gián điệp, và tại phiên tòa, đã thừa nhận tội lỗi của mình. Ngày 23/9/1986, Nicholas Daniloff và người sáng lập Tổ chức nhân quyền “Moscow Helsinki Group”, Yury Orlov, được trả tự do và trục xuất khỏi Liên Xô để trao đổi với Gennady Zakharov.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi các công dân Mỹ đang sinh sống hoặc đến thăm Nga “rời khỏi nước này ngay lập tức”. Theo ông, Mỹ “quan ngại sâu sắc” về việc bắt giữ Evan Gershkovich. Các nhân viên của Đại sứ quán Mỹ tại Liên bang Nga yêu cầu phía Nga cho tiếp xúc với nhà báo. Bộ Ngoại giao Mỹ liên lạc với gia đình ông và tòa soạn báo. Bộ Chính sách đối ngoại Mỹ tuyên bố: “Việc chính phủ Nga truy nã công dân Mỹ là không thể chấp nhận được”.

Phóng viên Mỹ Evan Gershkovich.

Ban biên tập báo “The Wall Street Journal” kiên quyết bác bỏ quyết định của FSB, và yêu cầu thả nhân viên của họ ngay lập tức. Báo này nhận xét Evan Gershkovich là “nhà báo đáng tin cậy và trung thực”.

Evan Gershkovich sinh năm 1991 tại New York. Bố mẹ di cư từ Liên Xô sang Mỹ vào năm 1979. Anh tốt nghiệp trường Trung học Princeton và Cao đẳng Bowdoin với bằng cử nhân nghệ thuật. Sau đó, anh học triết học và tiếng Anh. Đã làm việc cho các báo “Agence France-Presse”, “The Moscow Times”, “The New York Times”. Evan đã công bố các bài viết trên “The Economist”, “MIT Technology Review”, “Foreign Policy” và “Politico Europe”. Từ năm 2017, anh sống và làm việc tại Moscow. Từ tháng 1/2022, anh làm việc cho “The Wall Street Journal”. Trong thời gian làm việc tại báo này, Evan Gershkovich đã công bố 114 bài báo - từ những phóng sự dài và các bài báo phân tích viết chung với các đồng nghiệp đến các bản tin. Bài báo cuối cùng anh viết về sự khủng hoảng của kinh tế Nga do bị cấm vận, được công bố ngày 28/3/2023 trên “The Wall Street Journal”.

Thường xuyên bị theo dõi

Đại biểu Hội đồng Lập pháp tỉnh Sverdlovsk Vyacheslav Vegner, người được Evan Gershkovich phỏng vấn, nói với phóng viên TASS rằng nhà báo này quan tâm đến các doanh nghiệp quốc phòng ở địa phương.

Anh ta “đặt các câu hỏi liên quan đến tổ hợp quân sự - công nghiệp ở thành phố Yekaterinburg, gọi một trong những xí nghiệp như vậy là “Novator”, - Vyacheslav Vegner nói. Ngoài ra, Evan Gershkovich còn quan tâm đến mối quan hệ của đại biểu này với người sáng lập tập đoàn đánh thuê “Wagner”, Yevgeny Prigozhin.

Phóng viên tờ “Kommersant” trao đổi với Yaroslav Shirshikov, một cán bộ khác đã tiếp xúc với Evan Gershkovich ở Yekaterinburg.

“Tôi đã đi cùng Evan hai ngày. Nhiệm vụ chính trong chuyến khảo sát của anh ta là tìm hiểu thái độ của các tầng lớp xã hội khác nhau đối với nhân vật Prigozhin. Anh ấy muốn biết liệu sự ủng hộ dành cho chiến dịch quân sự đặc biệt trong xã hội đang tăng hay giảm” - Yaroslav Shirshikov nói.

Nicholas Daniloff, phóng viên Mỹ bị Liên Xô bắt vì hoạt động gián điệp.

Dmitry Kolezev, cựu nhà báo ở Yekaterinburg, kể lại rằng anh đã nói chuyện với Evan Gershkovich trước chuyến đi tới vùng Ural. Trên kênh Telegram của mình, Dmitry Kolezev viết: “Evan Gorshkovich chuẩn bị thực hiện một công việc báo chí bình thường, mặc dù khá nguy hiểm trong điều kiện hiện tại. Cụ thể, anh ta nhờ tôi liên hệ với các nhà báo địa phương, liên hệ với ban quản lý “Trung tâm Yeltsin” để phỏng vấn với thư ký báo chí của công ty “Sima Land”, nổi tiếng với những hành động yêu nước. Evan quan tâm đến mọi thứ liên quan đến tập đoàn “Wagner”, vì vậy anh ta tìm kiếm số điện thoại của các chính trị gia và chuyên gia ở địa phương…”.

Theo Dmitry Kolezev, nhà báo Mỹ muốn phỏng vấn một nhân viên nào đó của các xí nghiệp quốc phòng về thái độ của họ đối với cuộc chiến tranh ở Ukraine.

“Tôi đã cảnh báo Evan rằng anh ta bị theo dõi ngay từ khi đến Yekaterinburg, anh ta hiểu rõ điều đó, nhưng tin rằng vì mình không làm điều gì bất hợp pháp nên chắc chỉ bị theo dõi thông thường thôi. Hóa ra, mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn nhiều” - Dmitry Kolezev viết. Theo ông, Evan bị bắt để trao đổi với ai đó trong số các công dân Nga bị giam giữ ở nước ngoài.

Nhà báo Roman Super, người dẫn chương trình truyền hình kiêm đạo diễn, viết trên kênh Telegram của mình: “Trong những năm làm việc ở Nga vừa qua, chuyến công tác nào của Evan Gershkovich cũng có các nhân viên FSB tháp tùng”. “Không ai trốn tránh ai cả. Đó là chuyện bình thường: Gershkovich lên taxi để phỏng vấn nhân vật - sau xe anh ta là xe của nhân viên FSB; Gershkovich đến quán cà phê - sau xe anh ta cũng xe của nhân viên FSB; Gershkovich về khách sạn ngủ - có người theo dõi anh. Điều này từ lâu đã trở thành thông lệ. Cũng giống như lần nào bay đến Nga, điện thoại của anh ta cũng bị kiểm tra”, - Roman Super cũng tin rằng Evan Gershkovich đã bị bắt “để mặc cả”.

Các luật sư Evgeny Smirnov và Ivan Pavlov cũng cho rằng Evan Gershkovich bị bắt để trao đổi với những người Nga bị bắt giữ.

Vyacheslav Vagner, đại biểu Quốc hội Lập pháp tỉnh Sverdlovsk.

Trao đổi với ai?

Nhà hoạt động nhân quyền Ivan Melnikov, người chuyên đưa công dân Nga trở về tổ quốc, nói với phóng viên báo “Kommersant”: “Ở Mỹ có rất nhiều người Nga bị bắt cóc và bị đưa đến bất hợp pháp từ các quốc gia khác nhau”. Tuy nhiên, tất cả họ đều bị cáo buộc là tội phạm mạng hoặc gian lận tài chính. Không một công dân Nga nào bị nghi ngờ làm gián điệp ở Mỹ”. Theo Ivan Melnikov, nếu chính quyền Mỹ muốn trao đổi với Evan Gershkovich, phía Nga có thể yêu cầu trả tự do cho một số công dân Nga, chẳng hạn như Aleksandr Vinnik, Dmitry Ukrainsky, Roman Seleznev, Vladislav Klyushin.

Đồng thời, trong những tháng gần đây, các phương tiện truyền thông phương Tây nhiều lần đưa tin về việc "gián điệp Nga" bị phát hiện ở nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có sự phát hiện của các cơ quan tình báo Mỹ.

Chẳng hạn, một vụ bê bối lớn đã diễn ra vào cuối tháng 3, khi chính quyền Mỹ cáo buộc công dân Nga Sergey Cherkasov làm việc cho tình báo Liên bang Nga. Sergey Cherkasov nhiều năm sống dưới tên công dân Brazil Victor Muller Ferreira.

Theo giả thuyết của Bộ Tư pháp Mỹ, câu chuyện về “điệp viên Nga” bắt đầu hơn chục năm trước ở Brazil. Sử dụng giấy khai sinh giả, Sergey Cherkasov nhận được hộ chiếu Brazil và chuyển đến Mỹ vào năm 2018. Ở đó, như tờ “The Guardian” viết, Victor Muller Ferreira tốt nghiệp chương trình thạc sĩ của Đại học Johns Hopkins và nhận được cơ hội thực tập tại Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ở The Hague.

Tuy nhiên, tháng 4/2022, khi đến Amsterdam, anh ta đã bị bắt giữ và trục xuất về Brazil. Chính quyền Hà Lan thông báo rằng các cơ quan tình báo Hà Lan đã ngăn chặn được âm mưu của Liên bang Nga nhằm “cài cắm điệp viên” vào ICC. Đồng thời, họ cũng lưu ý rằng Ferreira-Cherkasov “đã sử dụng vỏ bọc tốt, che giấu mọi mối liên hệ với Nga”. Tại Brazil, vào tháng 7/2022, anh ta bị kết án 15 năm tù vì tội nhận và sử dụng giấy tờ giả của nước này.

Nhân tiện xin nói, Liên bang Nga công nhận Victor Muller Ferreira là công dân của mình và yêu cầu dẫn độ anh ta về nước. Moscow cam đoan rằng Sergey Cherkasov không liên quan gì đến hoạt động tình báo, mà bị nghi ngờ buôn bán ma túy ở Nga. Liên bang Nga cho rằng Sergey Cherkasov sử dụng giấy tờ giả của Brazil để tìm cách trốn tránh pháp luật ở Nga. “The Guardian” nhận xét rằng việc Bộ Tư pháp Mỹ công bố lời buộc tội vào cuối tháng 3 rất có thể là một toan tính nhằm ngăn chặn việc dẫn độ Sergey Cherkasov về Nga.

Trong một cuộc họp báo gần đây, khi được hỏi liệu có phải việc bắt giữ Evan Gershkovich nhằm đáp lại việc bắt giữ Sergey Cherkasov không và là lý do cho các cuộc đàm phán về trao đổi tù nhân không, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov đã trả lời: “Tôi không có thông tin như vậy, tôi không thể nói gì về chủ đề này”.

Đến lượt mình, Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Ryabkov cũng nói với các phóng viên rằng câu hỏi về khả năng trao đổi Evan Gershkovich hiện vẫn chưa được đặt ra.

Anh Duy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/vi-sao-nga-bat-giu-nha-bao-my--i721194/