Vì sao loạt dự án giao thông trọng điểm ở Quảng Ninh chậm tiến độ?

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nhiều dự án giao thông trọng điểm đang bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Điểm danh những dự án giao thông "giậm chân tại chỗ"

Dự án mở rộng tỉnh lộ 334 ở huyện Vân Đồn được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt ngày 2/12/2020, là công trình giao thông cấp II với vận tốc thiết kế 50 km/h, có tổng chiều dài 9,506km, nền đường rộng từ 24-44m, thiết kế 6 làn xe.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, được triển khai giai đoạn 2021-2024 từ nguồn ngân sách tỉnh, do Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành giữa năm 2023.

Thiếu mặt bằng thi công, dự án tỉnh lộ 334 ở huyện đảo Vân Đồn liên tiếp phải gia hạn.

Tuy nhiên, đến hết năm 2023, dù đã gần ba năm thi công, dự án mới chỉ đạt khoảng 55% khối lượng. Trong đó, cơ bản hoàn thành hai cầu trên tuyến, hạng mục đường đã thực hiện thảm nhựa gần 2,7km đoạn từ Khu đô thị Sonasea Vân Đồn Harbor City đến chùa Cái Bầu.

Để thực hiện dự án này, huyện Vân Đồn phải thực hiện thu hồi khoảng 42,13ha, liên quan đến 451 hộ dân và tổ chức, nhưng đến nay, UBND huyện Vân Đồn mới thực hiện phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được gần 60%.

Vì vậy, các vị trí đầu tuyến tỉnh lộ 334 chưa thể thi công được do còn vướng mắc mặt bằng, đoạn cuối tuyến phải dừng thi công từ tháng 4/2023 đến cuối năm 2023 do thiếu nguồn đất đắp. Hiện dự án được gia hạn thi công sang năm 2024.

Hay như dự án đường ven sông giai đoạn 1 ở TX Quảng Yên có tổng đầu tư trên 2.100 tỷ đồng, do BQLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, thiết kế đường cấp III đồng bằng, dài 11,42km, nền đường rộng 15m, quy mô 4 làn xe.

Dự án khởi công tháng 6/2021, dự kiến hoàn thành tháng 10/2023, ảnh hưởng đến 966 hộ dân, 2 tổ chức tại 7 xã, phường, với tổng diện tích thu hồi là 72,3ha, trong đó có 204 hộ dân phải thu hồi đất ở.

Hiện dự án này vẫn đang gặp nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nên nhiều đoạn tuyến chưa thể thi công.

Dự án nút giao Hạ Long Xanh ở TX Quảng Yên do thiếu mặt bằng, đất đắp, nên không thể về đích đúng tiến độ.

Tìm hiểu thực tế tại địa bàn Quảng Ninh hiện còn một số dự án giao thông mang tính động lực đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ, như dự án nút giao Hạ Long xanh có tổng mức đầu tư hơn 760 tỷ đồng; Dự án đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh có tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng...

Gỡ vướng thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai một số dự án nói chung, công trình giao thông nói riêng trên địa bàn năm 2023 gặp khó khăn, chậm tiến độ là do nhiều nguyên nhân.

Về chủ quan, do thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Đây được đánh giá là khó khăn, vướng mắc trong phạm vi cả nước và thuộc nhóm các nội dung liên quan đến thể chế, chính sách.

Thực tế trên địa bàn Quảng Ninh thì trình tự, thủ tục để cấp phép mỏ đất mất khoảng 300 ngày. Trong đó, mỏ khoanh định khoảng 310 ngày và mỏ đấu giá là 330 ngày, chưa bao gồm thời gian chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (nếu có).

Điển hình, việc cấp mỏ Bắc Sơn ở TP Uông Bí để phục vụ các dự án, mặc dù đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo quyết liệt, nhưng phải đến gần 8 tháng kể từ khi tạm dừng (19/1/2023) mới hoàn thành thủ tục.

Vì vậy, dự án đường ven sông giai đoạn 1, mặc dù đã được bố trí vốn từ đầu năm, nhưng phải tới tháng 8/2023 (sau khi mỏ đất Bắc Sơn được cấp phép trở lại) thì mới bắt đầu hoàn thiện thủ tục tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc hạng mục nền đường.

Nguồn đất, đá thải mỏ ở Quảng Ninh đang được địa phương đề xuất cấp có thẩm quyền sử dụng làm vật liệu san lấp.

Ngoài ra, nguồn cát đắp thiếu hụt lớn tại một số dự án trên địa bàn Quảng Ninh còn do tỉnh Phú Thọ có văn bản tạm dừng khai thác cát ba mỏ đủ điều kiện pháp lý, khiến cho địa phương này bị tác động rất lớn, khiến cho nhiều dự án bị ảnh hưởng tiến độ.

Điển hình như dự án đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến đường tỉnh 338, giai đoạn 1 ở TX Quảng Yên có tổng nhu cầu nguồn đất đắp là 1,3 triệu m3, để đảm bảo tiến độ cần khoảng 6.000m3/ngày. Thế nhưng, ở thời điểm 8 tháng năm 2023, chỉ đáp ứng được 1.000-1.200m3/ngày. Sau thời gian tìm giải pháp tháo gỡ từ các nguồn, những tháng cuối năm 2023 đã đáp ứng được từ 3.500-4.000m3/ngày, cơ bản đảm bảo được nhu cầu.

Hay như nguồn cát đắp cho các dự án, nếu như 8 tháng năm 2023, nguồn cung về cát san lấp của Quảng Ninh chỉ đảm bảo được khoảng 40.000m3/năm. Những tháng cuối năm 2023, địa phương này đã đảm bảo được nguồn cung đạt khoảng 100.000m3/năm, nhưng vẫn chưa đảm bảo được nhu cầu thực tế của các dự án trên địa bàn là 1,5 triệu m3/năm.

Theo ông Cường, một trong những giải pháp căn cơ để đảm bảo nguồn đất đắp phục vụ các dự án mà địa phương này đã và đang triển khai là nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền đồng ý lấy nguồn bãi thải mỏ khai thác than tại TP Hạ Long, Cẩm Phả và TX Đông Triều.

"Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu, xác định hàng chục vị trí bãi thải mỏ để khai thác, thu hồi làm vật liệu san lấp đưa vào phương án bảo vệ môi trường trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh. Khi các bãi thải mỏ này được khai thác, sẽ góp phần quan trọng để các dự án giao thông của Quảng Ninh không lâm cảnh "ăn đong" vật liệu san lấp như thời gian qua", ông Cường khẳng định.

Quang Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-loat-du-an-giao-thong-trong-diem-o-quang-ninh-cham-tien-do-19224020418261651.htm