Vì sao kết quả kinh doanh giảm, giá cổ phiếu vật liệu xây dựng vẫn tăng mạnh?

Mặc dù kết quả kinh doanh sụt giảm, nhưng với kỳ vọng phục hồi, đã có những cổ phiếu vật liệu xây dựng tăng giá rất mạnh kể từ đầu năm.

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng phải đối diện nhiều khó khăn khiến kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Dù vậy, giới phân tích cho rằng những chính sách hỗ trợ của Chính phủ bao gồm giảm lãi suất, đẩy mạnh đầu tư công và đặc biệt là gỡ khó cho thị trường bất động sản sẽ là động lực cho nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng niêm yết phục hồi.

Thực tế, dù kết quả kinh doanh sụt giảm, nhưng với kỳ vọng phục hồi, đã có những cổ phiếu vật liệu xây dựng tăng giá rất mạnh kể từ đầu năm. Theo đó, từ đầu năm đến cuối phiên hôm nay (13/9), mã HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát tăng gần 60%, VGC của Tổng Công ty Viglacera tăng gần 54%, mã HT1 của Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên tăng hơn 48%, VCS của Công ty cổ phần Vicostone tăng gần 20%.

Cổ phiếu vật liệu xây dựng là một trong những nhóm tăng mạnh nhất thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Cổ phiếu tăng giá, nhưng nhìn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đầu ngành vật liệu xây dựng có thể thấy, nhu cầu tiêu thụ suy yếu khiến doanh thu giảm và chi phí gia tăng “ăn mòn” lợi nhuận.

Trong nhóm vật liệu xây dựng, khó khăn hiện rõ với ngành thép, khi doanh nghiệp đầu ngành là Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) có kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh.

Cụ thể, trong quý II/2023, Hòa Phát đạt doanh thu 29.799 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.447 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh do những yếu tố: Sản lượng thép giảm 20% so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu thụ yếu; giá thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) giảm lần lượt 35% và 25% so với cùng kỳ và hiện tại đã về mức đáy vào tháng 11/2022.

Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh về mức 11% so với khoảng 17% của quý II/2022, do giá bán thép giảm mạnh hơn chi phí nguyên vật liệu. Như vậy, nửa đầu năm 2023, Hòa Phát mới hoàn thành hơn 23% kế hoạch lợi nhuận năm.

Quý III hằng năm thường là giai đoạn tiêu thụ thấp trong năm do mùa mưa và tháng 7 âm lịch có rất ít công trình xây dựng dân dụng được khởi công. Các nhà máy liên tục giảm giá bán để đáp ứng kế hoạch sản xuất - bán hàng. Hoạt động sản xuất và bán hàng thép trong tháng 7 bắt đầu có cải thiện, nhưng mức độ phục hồi không quá nhiều.

Dù thị trường vẫn còn ảm đạm, song giới phân tích cho rằng, ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và lợi nhuận sẽ phục hồi trong nửa cuối năm.

Một doanh nghiệp khác cũng liên quan lĩnh vực vật liệu xây dựng là Công ty cổ phần Eurowindow Holding (EWH). Hiện công ty này chưa niêm yết nhưng tham gia phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 6 tháng đầu năm 2023, EWH có lãi sau thuế gần 24 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ.

Tính đến 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Eurowindow Holding đạt gần 7.834 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 0,75 lên 0,95 lần, tương ứng nợ phải trả còn khoảng 7.442 tỷ đồng; trong đó, dư nợ trái phiếu hơn 100 tỷ đồng.

Kết quả, 6 tháng đầu năm nay, Eurowindow Holding lãi sau thuế gần 24 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 0,543% cùng kỳ xuống 0,305%.

Công ty Cổ phần Eurowindow Holding (EWH) được thành lập từ năm 2007 với mục tiêu quản lý và định hướng phát triển cho các công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng, tài chính.

Với Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã chứng khoán: VGC), quý II, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.927,8 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá vốn cũng giảm 8%, xuống còn 2.708,9 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận gộp doanh nghiệp giảm 7%, xuống còn 1.219 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính của VGC tăng nhẹ lên 22,39 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính tăng tới 34% lên 92,79 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng mạnh.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VGC lần lượt giảm 6% và 40% xuống 226 tỷ đồng và 122,3 tỷ đồng.

Viglacera báo lãi sau thuế 625,6 tỷ đồng, giảm 9% so với quý II/2022. Công ty mẹ ghi nhận 583,9 tỷ đồng lãi sau thuế.

Với ngành xi măng, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (mã chứng khoán HT1 - sàn HOSE) công bố doanh thu thuần quý II đạt 1.998,6 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá vốn kỳ này giảm 13%, xuống còn 1.792,7 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp giảm 36%, xuống còn 205,9 tỷ đồng.

Trong kỳ, ngoại trừ chi phí tài chính của công ty tăng 9% lên 39,91 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 11% và 12% xuống còn 42,47 tỷ đồng và 60,71 tỷ đồng.

Xi măng Vicem Hà Tiên báo lãi sau thuế 58,73 tỷ đồng trong quý II/2023, giảm 57% so với cùng kỳ năm 2022. Công ty lý giải do sản lượng tiêu thụ xi măng giảm so với quý II/2022, cùng với chi phí tài chính tăng khiến lợi nhuận giảm.

Nửa đầu năm 2023, Vicem Hà Tiên đạt doanh thu thuần đạt 3.689,7 tỷ đồng, giảm 15% và lỗ sau thuế 26,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 167,4 tỷ đồng.

Như vậy, sau nửa đầu năm 2023, Xi măng Vicem Hà Tiên đã hoàn thành 41% mục tiêu doanh thu và cách xa mục tiêu lợi nhuận năm.

Công ty cổ phần Vicostone (mã chứng khoán: VCS) – nhà sản xuất đá thạch anh nhân tạo tại Việt Nam công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu đạt 1.138 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm chậm hơn khiến biên lãi gộp bị co lại từ 30,7% cùng kỳ xuống còn 27,8%. Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 317 tỷ đồng, giảm 40% so với quý 2/2022.

Trong quý II, các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm so với cùng kỳ. Kết quả, Vicostone lãi trước thuế 263 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 39% so với quý II/2022, xuống mức 224 tỷ đồng. Dù vậy, đây vẫn là mức lợi nhuận cao nhất trong 4 quý của Vicostone.

Các chuyên gia cho rằng, nửa đầu năm 2023, việc thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, dân thiếu việc làm, lãi suất ngân hàng cao, thuế cao so với điều kiện thực tế khiến thị trường vật liệu xây dựng hầu như ngưng trệ.

Quý III thường là thời điểm vướng vào mùa mưa bão, là mùa xây dựng thấp điểm với ít công trình được khởi công hơn và một số công trình trì hoãn thi công, nên nhu cầu vật liệu xây dựng vẫn còn hạn chế.

Tuy nhiên, triển vọng ngành được kỳ vọng sẽ sáng cửa vào giai đoạn cuối năm khi mùa xây dựng cao điểm quay trở lại và các đơn vị gấp rút đẩy nhanh tiến độ dự án, đặc biệt là điểm sáng về đầu tư hạ tầng giao thông, đầu tư công và nhà ở xã hội được đẩy mạnh.

Việc đẩy mạnh đầu tư công, phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông được cho là một trong những động lực quan trọng giúp doanh nghiệp vật liệu xây dựng phục hồi. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Thực tế, kể từ đầu năm 2023, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đầu tư tư nhân và dòng vốn FDI suy yếu.

Theo Tổng cục Thống kê, vốn nhà nước thực hiện (đầu tư công) trong tháng 8 năm 2023 tăng 29,1% so với cùng kỳ lên 61,3 nghìn tỷ đồng. Trong 8 tháng năm 2023, vốn nhà nước thực hiện tăng 23,1% so với cùng kỳ lên 352,1 nghìn tỷ đồng, cao hơn mức tăng trưởng 17,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Vốn đầu tư công thực hiện trong 8 tháng năm 2023 đạt 49,5% kế hoạch cả năm 2023.

VNDIRECT kỳ vọng Chính phủ sẽ quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công hơn nữa để hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 (Quốc hội giao kế hoạch là 711.684 tỷ đồng).

Nhờ động lực từ các dự án hạ tầng giao thông và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng; đẩy mạnh giải ngân các gói hỗ trợ, nhóm ngành vật liệu xây dựng được cho là sẽ khởi sắc hơn vào cuối năm.

Các vật liệu xây dựng được hưởng lợi nhiều nhất bao gồm cát, đá, nhựa đường… Trong khi nhu cầu về sắt thép, xi măng dự kiến cũng sẽ dần thoát khỏi bức tranh ảm đạm

Bên cạnh đó, doanh nghiệp vật liệu xây dựng được cho là sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí lãi vay. Theo VNDIRECT, lãi suất tiền gửi chứng kiến đà giảm mạnh trong thời gian qua là do tác động từ 4 đợt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước; nhu cầu tín dụng yếu trong nửa đầu 2023 làm giảm áp lực huy động; Chính phủ thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

Cùng với việc giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,5-1 điểm % so với cuối năm 2022./.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vi-sao-ket-qua-kinh-doanh-giam-gia-co-phieu-vat-lieu-xay-dung-van-tang-manh/306278.html