Vì sao 'kẻ hủy diệt' BMPT-3 lại được Nga tăng cường trang bị cho quân đội?

BMPT Terminator-3 (Kẻ hủy diệt 3) là biến thể xe chiến đấu bộ binh đầy sức mạnh của Nga, chúng được cho là cực kỳ hiệu quả trong các cuộc xung đột hiện tại.

Vai trò của xe chiến đấu bộ binh như BMPT Terminator-3 ngày càng thể hiện rõ, nhất là trong các cuộc xung đột hiện đại, nơi giao tranh xảy ra tại các đô thị.

Hiểu được điều này, hiện Nga đang tăng cường sản xuất BMPT Terminator-3 để trang bị cho quân đội của mình.

BMPT Terminator-3 bắt đầu được Nga đưa vào trang bị với số lượng lớn sau khi chúng đã được cho thực chiến để kiểm tra hiệu suất chiến đấu.

Được biết biến thể này được phát triển và hoàn thiện từ kinh nghiệm từ hai phiên bản tiền nhiệm là BMPT-72 Terminator-2 và BMPT- Terminator-1.

BMPT-3 được phát triển vào năm 2013, được thử lửa tại chiến trường Syria trong giai đoạn 2014-2019.

Có thể nói rằng BMPT thế hệ thứ 3 đã hội tụ sức mạnh của hai phiên bản trước đó.

Nga bắt đầu phát triển phiên bản BMPT thế hệ 1 vào năm 1995. Biến thể này sử dụng khung gầm xe tăng T-90.

Tuy vậy chúng bị đánh giá là nặng nề và chỉ mang ý nghĩa trong tuyên truyền, hiệu quả chiến đấu thấp.

Đến phiên bản BMPT thứ hai hay còn gọi là BMPT-72 được phát triển vào thập đầu thập niên 2010 đã tận dụng khung gầm của xe tăng T-72 nhẹ hơn.

Phiên bản này loại bỏ súng phóng lựu phóng loạt và trang bị cụm vũ khí với thiết bị điều khiển hỏa lực hiện đại.

Biến thể này tuy được thiết kế gọn gàng, đẹp mắt nhưng lại tỏ ra mong manh trước các hỏa lực chống tăng do giáp T-72 yếu hơn hẳn T-90. Và tất nhiên biến thể này lại cũng bị đánh giá là mang ý nghĩa phô trương là chính.

Sau khi cân nhắc các nhà chế tạo vũ khí Nga đã quyết định kết hợp hai phiên bản trước để tạo ra phiên bản BMPT thế hệ thứ 3 với sức mạnh và ưu điểm vượt trội.

Nhìn vào hình dáng có thể nhận thấy phiên bản BMPT thế hệ thứ ba đã tái sử dụng thân xe tăng T-90 của BMPT thế hệ thứ nhất với giáp dày.

Trong khi thiết bị vũ khí lại lấy từ phiên bản BMPT thế hệ thứ 2.

BMPT-3 được biên chế đến 4 tên lửa "Ataka-T" ("Sturm-SM"), hai pháo tự động 30 mm, súng máy 7,62 mm, hai súng phóng lựu tự động 30 mm.

Với tên lửa chống tăng Ataka-T, gần như mọi phương tiện bọc thép đối phương sẽ bị loại khỏi vòng chiến nếu như bị trúng phát bắn này.

Hai khẩu pháo tự động 2А42 có cơ số đạn lên tới 850 viên, cho phép bắn hạ tất cả các mục tiêu trên các độ cao khác nhau, bao gồm cả phương tiện bay, các hỏa điểm bắn tỉa và chống tăng trên đường phố.

Súng máy đồng trục có thể nạp đạn tự động, cơ số đạn 2.100 viên được điều khiển bằng hệ thống điện tử hiện đại tiên tiến có thể bắt bám mục tiêu.

Hai khẩu súng phóng lựu AGS-30 có thể tạo ra màn hỏa lực hủy diệt bộ binh đối phương trên diện rộng.

Thân xe nặng tới 44 tấn được trang bị giáp phản ứng nổ có khả năng chống lại những tên lửa chống tăng có điều khiển hiện đại hơn tên lửa chống tăng TOW-2A.

Ở phiên bản này, Nga quyết định trang bị động cơ công suất động cơ 1130 mã lực, có thể chạy với tốc độ đến 70 km/h. Dự trữ hành trình 700 km.

BMPT-3 trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực với kênh quang ảnh nhiệt và hệ thống giám sát mục tiêu tự động.

Đồng thời cho phép có thể tác chiến hiệu quả với các tay súng khủng bố, ẩn nấp trong các tòa nhà, lô cốt, hầm ngầm, di chuyển bộ.

Theo đánh giá chung, một xe BMPT-3 có thể tác chiến tương tự 1 trung đội bộ binh hoặc 3 xe BMP, hơn thế nữa, hỏa lực của xe còn cho phép tiêu diệt cả máy bay không người lái.

Rõ ràng sau kinh nghiệm phát triển hai biến thể BMPT, người Nga đã cho ra đời thế hệ BMPT thứ 3 với khả năng hủy diệt đáng nể.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-ke-huy-diet-bmpt-3-lai-duoc-nga-tang-cuong-trang-bi-cho-quan-doi-post561162.antd