Vì sao hóa đơn tiền điện ở TP.HCM tăng vọt?

Nắng nóng kéo dài nhiều ngày liên tục là nguyên nhân chính khiến nhiều gia đình ở TP.HCM nhận hóa đơn tiền điện tháng vừa qua tăng cao.

Người dân TP.HCM tiêu thụ điện nhiều hơn trong thời tiết nắng nóng khiến hóa đơn điện tăng cao. Ảnh: L.A.

Tá hỏa khi nhận hóa đơn điện tháng 4 với tổng số tiền lên tới hơn 1,4 triệu đồng, gấp 2 lần so với mức bình quân hàng tháng, chị Hồ Thị Thương (quận 8, TP.HCM) cho biết trung bình mấy tháng trước tiền điện của gia đình chị chỉ khoảng 700.000-800.000 đồng.

"Thời tiết TP.HCM nắng nóng gay gắt, gia đình tôi dùng điều hòa và quạt thường xuyên hơn, tổng cộng tiêu thụ hơn 520 kWh điện. Vẫn xác định tiền điện sẽ tăng nhưng không ngờ tăng cao vậy", chị Thương than thở.

Nhiều nơi tăng vọt

Thực tế, những ngày này, nhiều người dân tại TP.HCM bắt đầu nhận được hóa đơn tiền điện tháng 4 (chốt ngày 30/4). Điểm chung là hóa đơn tiền điện tháng vừa qua đều ghi nhận tăng so với các tháng trước, thậm chí có hộ gia đình tăng gấp 2-3 lần.

Vừa nhận thông báo thanh toán hơn 1,1 triệu đồng tiền điện tháng 4, chị Hằng Nguyễn (quận 4) không khỏi bất ngờ. "Thông thường, các tháng trước tôi chỉ trả khoảng 600.000 đồng tiền điện nhưng tháng này tăng vọt gần gấp đôi, trong khi chỉ sống một mình và dùng các thiết bị điện như điều hòa, quạt... vào buổi tối", chị chia sẻ.

Tương tự, anh Minh Thành (quận 7) cũng cho biết hóa đơn tiền điện gia đình anh đã tăng thêm hơn 500.000-600.000 đồng trong tháng vừa qua, lên hơn 1,8 triệu đồng. "Trung bình các tháng trước, gia đình tôi chỉ trả khoảng 1,2-1,3 triệu đồng tiền điện, dù biết nắng nóng nhưng không nghĩ tháng này lại tăng cao như vậy", anh nói.

Lượng điện sử dụng tăng đột biến trong tháng 4 tại một hộ gia đình tại TP.HCM. Ảnh: EVNHCMC.

Theo đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), ngay từ những ngày đầu tháng 4, đơn vị này đã liên tục có những cảnh báo gửi tới các khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tháng 4 sẽ tăng đột biến do lượng điện năng tiêu thụ trong tháng 4 sẽ tăng cao.

Ghi nhận cho thấy thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài liên tục với nền nhiệt trung bình trên 35 độ C và lên tới 40 độ C vào buổi trưa đã khiến nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như máy lạnh, quạt điện… tăng cao. Điều đó dẫn tới việc điện năng tiêu thụ sẽ rơi vào bậc 4-5-6 theo quy định về giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương ban hành năm 2023.

1,8 triệu gia đình dùng điện từ bậc 4 trở lên

Trong tháng 4, sản lượng tiêu thụ của toàn TP.HCM đạt hơn 2,75 tỷ kWh, tăng hơn 12% so với tháng 3. Trong số 2,47 triệu khách hàng là hộ gia đình trên địa bàn TP thì có đến 1,8 triệu khách hàng sử dụng điện từ bậc 4 trở lên (chiếm 75%). Sản lượng điện tiêu thụ trên 1,44 tỷ kWh (chiếm hơn 52% tổng sản lượng và tăng 20% tháng 3).

"Trong đó có những ngày tiêu thụ điện TP vượt 100 triệu kWh/ngày, cụ thể như ngày 24/4 là 101,47 triệu kWh, 25/4 gần 104 triệu kWh, 26/4 là hơn 103 triệu kWh. Đó chính là nguyên nhân chính dẫn tới việc hóa đơn tiền điện tháng 4 năm nay tăng cao so với các tháng trước", cơ quan điện lực lý giải.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nền nhiệt tháng 5 có giảm so với tháng 4 nhưng vẫn còn ở mức cao, do đó Tổng công ty Điện lực TP.HCM đề nghị các hộ gia đình thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, đặc biệt là các thiết bị làm mát như máy lạnh, quạt hơi nước…

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng vừa ban hành công văn về đẩy mạnh tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn TP trong mùa khô, năm 2024 và các năm tiếp theo.

Lãnh đạo TP.HCM đề nghị đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, tòa nhà văn phòng cần điều chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên, mở máy điều hòa trễ 60 phút và tắt máy điều hòa sớm 60 phút so với giờ bắt đầu và giờ kết thúc làm việc.

TP.HCM đề nghị các hộ gia đình sử dụng máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên. Ảnh: Showmetech.

Bên cạnh đó, tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng, khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau; tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên tại phòng làm việc.

Đối với các trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ ngoài các yêu cầu trên cần tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí, quảng cáo, bảng hiệu từ 22h... Các cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất dịch chuyển một phần các hoạt động sản xuất sau 22h.

Đối với các hệ thống chiếu sáng giao thông điều chỉnh thời gian mở đèn trễ 30 phút và tắt đèn sớm 30 phút so với kế hoạch hiện nay, trên cơ sở đảm bảo an toàn giao thông; giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng từ 22h tại các tuyến đường có lưu lượng giao thông ít...

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-hoa-don-tien-dien-o-tphcm-tang-vot-post1473689.html