Vì sao họ ồn ào?

BPO - Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, thành ngữ có vị trí đặc biệt quan trọng. Vì nó được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp cũng như sáng tác thơ ca và văn học. Thành ngữ có nội dung ngắn gọn nhưng rất hàm súc, lại có tính hình tượng và biểu cảm cao, được đúc kết từ thực tế cuộc sống của người dân. Ví như câu: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” với hàm nghĩa “Vật dĩ quần phân”, tức là trâu thì tìm đến với trâu, còn ngựa sẽ phải đến với ngựa. Hiểu đơn giản là loại nào thì tìm đến loại đó, cái gì cũng có sự tương xứng với nhau. Tuy nhiên, câu thành ngữ này còn có nghĩa bóng và được nhiều người sử dụng trong cuộc sống ngày nay, với hàm ý: “Những kẻ хấu thường hay tìm đến với những kẻ xấu khác, để cùng giao du hay mưu đồ làm những việc xấu xa, mờ ám”. Câu thành ngữ này đồng nghĩa với câu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” và câu “đã xấu thì sẽ xa, đã bê tha ắt bần tiện”.

Và thời gian gần đây, câu thành ngữ này được dư luận cũng như cộng đồng mạng xã hội ở trong và ngoài nước sử dụng nhiều, nhất là mỗi khi nói đến mối quan hệ giữa Nguyễn Thúy Hạnh với các tổ chức khủng bố, phản động, thù địch là Việt Tân, Ủy ban Cứu người vượt biển, Quỹ người thượng, Khối 8406, Việt Nam thời báo, Dân làm báo… cùng các đài phát thanh tiếng Việt là BBC, RFA, VOA, RFI. Bằng chứng là mới đây, trên trang facebook của tổ chức khủng bố Việt Tân có đăng tải thông tin với tựa đề: “Những lý do chính nhà hoạt động Thúy Hạnh bị bắt”. Theo đó, Việt Tân đã kê ra những sai phạm chính dẫn đến việc đối tượng nêu trên bị bắt, là: Thành lập quỹ nhân đạo 50K giúp đỡ các tù nhân lương tâm và chính trị đã được nhiều người dân trong và ngoài nước quan tâm, hưởng ứng giúp đỡ. Thường xuyên lên tiếng những bất công trong xã hội. Cổ vũ cho nhân quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ. Đòi công an trả lại 500 triệu đồng tiền phúng điếu do nhiều người dân đóng góp.

Không chỉ thừa nhận những sai phạm nghiêm trọng của đối tượng Hạnh, trong bài viết này, Việt Tân còn ra sức minh oan cho y rằng: Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh là người đứng tên tài khoản nhận tiền phúng điếu, đã thông báo rộng rãi trên mạng xã hội rằng tài khoản này đã bị phong tỏa cùng với số tiền trên 500 triệu đồng mà nhiều người dân đóng góp để phúng điếu ông Lê Đình Kình… Vào hùa với tổ chức cùng hội cùng thuyền là Việt Tân, ngày 8-4-2021, trên trang facebook của đài RFA đã đăng bài viết với tựa đề: Ân xá quốc tế yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thúy Hạnh. Nội dung bài viết này có đoạn: “Việc bắt giữ bà Nguyễn Thúy Hạnh là một nỗ lực trắng trợn, có động cơ chính trị nhằm bịt miệng một trong những nhà hoạt động cổ súy cho nhân quyền được kính trọng nhất tại Việt Nam… Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Nguyễn Thúy Hạnh và chấm dứt các cuộc tấn công liên tục nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền và những người chỉ trích ôn hòa. Các nhà chức trách phải tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy và thực hiện các quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội”…

Người Việt Nam có câu: “Danh có chính thì ngôn mới thuận” hay “danh không chính thì ngôn không thuận”. Điều này có nghĩa, dù là cá nhân hay tổ chức thì phải có tính chính danh, vì như vậy mới được nói và khi đó phát ngôn mới có người nghe. Đằng này, với cái gọi là tổ chức “Ân xá quốc tế” - tổ chức phi chính phủ, nói đúng hơn là tổ chức vô chính phủ - nơi tụ tập của những kẻ lang thang vô nghề nghiệp, đa quốc tịch và sống theo kiểu mạnh ai nấy theo… thì có tư cách gì mà lại lớn tiếng và lộng ngôn “kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam? Nực cười và khôi hài hơn nữa là với Việt Tân, đây là tổ chức đã được Bộ Công an Việt Nam liệt vào danh sách “khủng bố” - tổ chức của những kẻ bán nước, hại dân… thì nói ai mà nghe?

Trong ngôn ngữ tiếng Việt còn có câu thành ngữ: “Điếc hay ngóng, ngọng hay nói”. Ý nghĩa của câu này là chỉ về phản xạ tự nhiên của những người mắc chứng bệnh điếc thì thường hay muốn biết, muốn nghe được điều gì những người xung quanh đang nói thì họ hay dỏng tai để cố nghe cho rõ. Còn nghĩa bóng là chỉ những người hay nhiều chuyện và thậm chí có nói là không và ngược lại. Với người bị ngọng thì lại hay tỏ ra ta đây không bị ngọng, thậm chí còn là người nói hay. Nghĩa bóng là chỉ những người vô công rỗi nghề, những kẻ buôn chuyện và vô trách nhiệm nên hay nói năng tầm phào, tầm bậy. Tiếc rằng, những tổ chức và các đài nêu trên tuy không mắc chứng bệnh điếc hay ngọng nhưng từ trong suy nghĩ đến ngôn ngữ và hành động của họ thì lại tỏ rõ là kẻ vừa điếc vừa ngọng lại còn thiểu năng về tư duy. Bằng chứng là Nguyễn Thúy Hạnh là kẻ vi phạm pháp luật - tất nhiên là pháp luật Việt Nam chứ không phải của phương Tây, thế nhưng tổ chức nêu trên suốt ngày kêu than, khóc mướn về “nỗi oan” của y rằng: Bà Hạnh đã phải nhiều lần đối mặt với sự quấy rối, hành hung của nhà cầm quyền vì các hoạt động ôn hòa cổ vũ cho nhân quyền, bảo vệ chủ quyền đất nước…

Thật là trơ trẽn và bỉ ổi, nếu như họ bị điếc, bị ngọng thì vẫn còn 2 con mắt để đọc rõ quy định của pháp luật của về việc vận động quyên góp để làm từ thiện ở Việt Nam. Cụ thể, tại Điều 13 Nghị định số 160/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã thể hiện: “Việc vận động quyên góp và phân bổ nguồn lực từ cộng đồng thực hiện theo quy định của pháp luật về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai và các quy định của pháp luật về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Hơn nữa, tại Điều 4, 5 của nghị định này thì chỉ có các tổ chức, đơn vị được kêu gọi, vận động đóng góp tiền, hàng cứu trợ, đồng thời được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ, gồm: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Đối với cơ quan thông tin, báo, đài thì chỉ được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài chứ không được tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ đó…

Nội dung của nghị định này cũng nêu rõ, ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức vận động, quyên góp, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Hiện nay, Nghị định số 160/2018/NĐ-CP đã được thay thế bằng Nghị định số 66/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, những hành vi vi phạm của bà Hạnh diễn ra khi Nghị định số 160/2018/NĐ-CP vẫn còn hiệu lực, nên hình thức xử lý còn nhẹ hơn. Đến đây thì mọi người đã rõ, vì sao họ ồn ào, nói đúng hơn là họ thích như vậy, họ muốn như thế. Bởi vì, đó là bản chất của những kẻ phản nước, hại dân chuyên sống bằng nghề xuyên tạc, bịa đặt, “ăn không nói có”, nên với chúng thì “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” cũng là điều dễ hiểu.

Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/0/131749/vi-sao-ho-on-ao