Vì sao gần một nửa số huy chương Olympic Tokyo của Nga thuộc về VĐV quân đội, cảnh sát

Nga đã giành được 71 huy chương tại Thế vận hội Tokyo 2020 - kết quả tốt nhất trong 17 năm qua. Điều ít được biết đến là gần một nửa số chiến thắng đó thuộc về các vận động viên trong quân đội và cảnh sát.

Các vận động viên Nga đoạt huy chương tại Thế vận hội Tokyo 2020. Ảnh: Sputnik

Các vận động viên Nga đoạt huy chương tại Thế vận hội Tokyo 2020. Ảnh: Sputnik

Sofya Velikaya, người giành huy chương vàng đấu kiếm ở nội dung đơn và huy chương bạc ở nội dung đôi, là một đại úy quân đội. Vitalina Batsarashkina, người xuất sắc đoạt hai huy chương vàng và một huy chương bạc trong môn bắn súng, là trung úy của Lực lượng Vệ binh Quốc gia. Evgeniy Rylov, người mang về cho Tổ quốc hai huy chương vàng và một bạc đồng đội – là một thượng sĩ cảnh sát Nga.

Hóa ra là hơn một nửa số nhà vô địch Nga đã bước lên bục huy chương Thế vận hội ở Tokyo năm nay đều mặc quân phục.

Từ trái sang, VĐV bắn súng Albert Demchenko, VĐV trượt băng Alexander Zubkov, VĐV thể dục dụng cụ Svetlana Khorkina và VĐV đua xe trượt tuyết Dmitry Trunenkov. Ảnh: TASS

Từ trái sang, VĐV bắn súng Albert Demchenko, VĐV trượt băng Alexander Zubkov, VĐV thể dục dụng cụ Svetlana Khorkina và VĐV đua xe trượt tuyết Dmitry Trunenkov. Ảnh: TASS

Truyền thống từ thời Liên Xô

Quân đội thực sự là "mỏ" huy chương của thể thao Liên Xô. Để chọn ra ai là người mạnh nhất, các lực lượng vũ trang sẽ tổ chức nhiều cuộc thi thể thao khác nhau. Vào thời Xô Viết, những người lính được coi là lực lượng tinh nhuệ trong lĩnh vực thể thao. Từ giữa những năm 1930, các câu lạc bộ và hiệp hội thể thao trong quân đội đã được thành lập, và theo thông lệ chỉ tuyển lựa những vận động viên xuất sắc nhất. Không có gì lạ khi các đội bóng đá và khúc côn cầu trên băng của Liên Xô hầu như hoàn toàn bao gồm thành viên là các quân nhân.

Nhiều trong số các cấu trúc thể thao này từng được tổ chức ở cấp bộ và tồn tại cho đến ngày nay, tiếp tục sản sinh ra những vận động viên giỏi nhất cho đất nước. Thành tích đó một phần là do quân đội Nga có những trường đào tạo tốt nhất và những huấn luyện viên giỏi nhất.

Những câu lạc bộ phổ biến nhất mà mọi người có thể đã nghe nói đến là "CSKA" (Câu lạc bộ bóng đá của quân đội) và “Dinamo” (Cộng đồng thể thao của Bộ Nội vụ, từng bao gồm lực lượng cảnh sát nội vụ trước khi trở thành 'Rosgvardiya' - Vệ binh quốc gia Nga).

Thiếu tá Elena Isinbaeva và nhà vô địch Olympic môn đấu vật, Thiếu tá Alexei Mishin. Ảnh: TASS

Thiếu tá Elena Isinbaeva và nhà vô địch Olympic môn đấu vật, Thiếu tá Alexei Mishin. Ảnh: TASS

Các vận động viên môn biathlon (2 môn trượt tuyết băng đồng và bắn súng phối hợp) Matvei Yeliseyev, Sergei Klyachin, Eduard Latypov và Alexei Kornev. Ảnh: TASS

Các vận động viên môn biathlon (2 môn trượt tuyết băng đồng và bắn súng phối hợp) Matvei Yeliseyev, Sergei Klyachin, Eduard Latypov và Alexei Kornev. Ảnh: TASS

Các vận động viên được trao cấp bậc ra sao?

Trên thực tế, không ai thực sự buộc các vận động viên phải thực hiện một số phiên bản nghĩa vụ quân sự ngắn và sống trong doanh trại. Trong các hiệp hội thể thao cấp bộ như trên, cấp bậc chỉ được trao cho các thành tích thể thao.

“Việc thăng tiến vượt bậc phụ thuộc vào thành tích thể thao của một người. Cấp bậc chính thức mà các vận động viên này có thể mong muốn là đại úy, vì vậy mỗi vận động viên đều có cơ hội để đạt được và thậm chí vượt qua cấp bậc đó, với thành tích nổi trội”, người quản lý CSKA, Đại tá Artem Gromov cho biết.

Vận động viên Denis Denisov (trái) và nhà vô địch đấu kiếm Olympic Sofya Velikaya. Ảnh: Sputnik

Vận động viên Denis Denisov (trái) và nhà vô địch đấu kiếm Olympic Sofya Velikaya. Ảnh: Sputnik

“Chúng tôi có một hội đồng chuyên gia, với nhiệm vụ giới thiệu những vận động viên trong tốp hàng đầu của đất nước, những người phù hợp nhất cho nghĩa vụ quân sự” - văn phòng báo chí của Câu lạc bộ CSKA cho biết.

Các vận động viên được nhận lương từ câu lạc bộ thể thao, cũng như phụ cấp cho cấp bậc quân sự mà họ giữ. Tuy nhiên họ sẽ khó thăng tiến trong quân đội sau khi rời thể thao.

Trên khắp thế giới, nhiều vận động viên ngôi sao cũng hoạt động trong quân ngũ, điều này cho phép họ cũng có thể tham gia các cuộc thi của Hội đồng Thể thao Quân sự Quốc tế (IMSC). IMSC là tổ chức thể thao có ảnh hưởng nhất thế giới sau Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RBTH)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/vi-sao-gan-mot-nua-so-huy-chuong-olympic-tokyo-cua-nga-thuoc-ve-vdv-quan-doi-canh-sat-20210813174403848.htm