Vì sao Facebook trả 1 tỉ USD cho Instagram?

Instagram là một công ty internet mới thành lập chưa được 2 năm tại San Francisco, chưa có doanh thu và chỉ có 13 nhân viên. Thế nhưng, đối với Facebook, nó đáng giá 1 tỉ USD.

Thứ Hai tuần qua, Facebook tuyên bố sẽ trả bằng ấy số tiền để mua lại Instagram - thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay của mạng xã hội số 1 thế giới này.

Đó là lý do suốt tuần qua thông tin về thương vụ không ngừng được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông, nhất là trong bối cảnh Facebook sẽ lên sàn trong vài tháng tới, dự kiến được định giá lên tới 100 tỉ USD.

Instagram có đáng giá 1 tỉ USD?

Với việc được định giá 100 tỉ USD, về mặt lý thuyết, 1 tỉ USD trả cho Instagram là không đáng kể. Tuy nhiên, Công ty vẫn phải giải thích lý do cho các nhà đầu tư tiềm năng.

Một điều dễ thấy, Instagram đã cực kỳ nổi tiếng. Chỉ chưa đầy 2 năm, Instagram, một ứng dụng di động cho phép người sử dụng chia sẻ hình ảnh trên điện thoại với bạn bè, đã có 26 triệu trong số 30 triệu người sử dụng iPhone gia nhập Instagram trong năm 2011. Cách đây 2 tuần, Instagram đã tung ra một ứng dụng cho người sử dụng Android và chỉ mất 12 giờ để 1 triệu người sử dụng gia nhập mạng xã hội này. Như Tổng Giám đốc Mark Zuckerberg của Facebook phát biểu: “Đó là cột mốc quan trọng đối với Facebook, vì đây là lần đầu tiên chúng tôi mua lại một sản phẩm, một công ty có nhiều người sử dụng như thế”.

Nhưng Facebook thực sự không nhất thiết phải có thêm lượng người sử dụng này vì đã có khoảng 850 triệu người sử dụng rồi. Động thái này của Facebook thực ra là một cách để xóa tan mối đe dọa cạnh tranh. Không ít người cho rằng Google là đối thủ số 1 của Facebook nhưng thực ra Instagram đang tạo ra mối đe dọa còn lớn hơn nhiều.

Thử nhìn lại, Facebook được ưa chuộng vì nó là cách dễ dàng nhất để giao tiếp cũng như chia sẻ hình ảnh qua một máy tính. Tuy nhiên, một điểm mù lớn của Facebook là mạng xã hội này không phải là cách dễ dàng nhất để chia sẻ hình ảnh của bạn và gia đình qua điện thoại, vì nó quá chậm. Các công ty mới thành lập, được nhà đầu tư mạo hiểm rót vốn, đã và đang tấn công điểm yếu này của Facebook trong nhiều năm qua. Trong số đó, Instagram là mối đe dọa lớn nhất, khi đã tăng từ 1 triệu người sử dụng vào tháng 1.2011 lên 15 triệu trong tháng 12.2011 và lên tới 30 triệu hiện nay. Nếu xét về tốc độ tăng trưởng thì Instagram có tốc độ cực nhanh.

Với ứng dụng Facebook iPhone, người sử dụng phải qua tới 6 màn hình mới có thể chụp được 1 tấm hình. Còn với Instagram thì chỉ có 1. Nếu không có cuộc thâu tóm này, đây sẽ là vấn đề đau đầu dai dẳng đối với Facebook. Theo Mary Meeker, chuyên gia phân tích về internet, vào khoảng giữa năm 2013, sẽ có nhiều người vào internet qua thiết bị di động hơn là máy tính. Nếu Facebook không xóa được điểm mù này, Công ty có thể sẽ đi theo con đường của Friendster. Friendster đã thua Facebook vì người sử dụng nhận thấy họ có thể làm gì mình muốn với tốc độ nhanh hơn và đơn giản hơn trên Facebook.

Mối đe dọa từ Instagram cũng được khẳng định qua nhận xét của Kevin Systrom, đồng sáng lập Instagram tại hội nghị SXSW tổ chức ở Texas vào tháng trước. Systrom đã nói xa nói gần rằng ông nghĩ Instagram là mạng xã hội hơn là một ứng dụng di động chia sẻ hình ảnh. “Đó là một mạng xã hội kiểu như Facebook”, ông nói.

Đối thủ của Facebook còn có Google. Mạng xã hội Google+ của Google có thể tìm ra cho mình một lợi thế cạnh tranh. Phần lớn là nhờ những đặc tính độc đáo của nó như Hangouts (video chat theo nhóm) và khả năng có thể tải lên Google+ tức thì các hình ảnh trên điện thoại thông minh. Sau chưa đầy 1 năm ra mắt, mạng xã hội này đã có 90 triệu người sử dụng. Nhưng vấn đề là họ không dành nhiều thời gian trên Google+ như trên Facebook. Theo nghiên cứu của comScore, trong tháng 1.2012, trung bình người sử dụng bỏ ra chỉ 3 phút trên mạng xã hội này trong khi tại Facebook là 405 phút.

Nếu mua lại một dịch vụ phổ biến như Instagram, Google+ sẽ có thể thu hút người dùng đến với nó thường xuyên hơn và lâu hơn. Vì thế, việc mua lại Instagram còn là một cách để Facebook ngăn cản sự bành trướng của đối thủ Google+.

Tất cả những điều này là lý do để Facebook không hề thấy tiếc khi bỏ ra 1 tỉ USD để mua lại một công ty vẫn chưa tạo ra đồng doanh thu nào.

Cơ hội thành công: 50-50

Lịch sử của thung lũng công nghệ Silicon Valley cho thấy những vụ mua lại tốn kém giữa các công ty mới thành lập như thế không phải lúc nào cũng là điên rồ. Năm 2002, một công ty mới thành lập đã trở nên lớn mạnh là eBay. Lúc đó, eBay mới chỉ là một dịch vụ đấu giá trực tuyến. Ebay đã mua lại một công ty thanh toán trực tuyến nhỏ PayPal với giá lên tới 1,5 tỉ USD. Bộ phận PayPal của eBay giờ đang mang lại phần lớn doanh thu cho công ty này.

Tháng 10.2006, một năm sau khi lên sàn, Google cũng đã trả 1,65 tỉ USD cho YouTube, một trang web chia sẻ video chưa có doanh thu và rất ít triển vọng. Nhưng nay thực tế cho thấy YouTube đã trở thành công cụ quảng cáo trực tuyến quan trọng đối với Google.

Reid Hoffman, đồng sáng lập PayPal, sau đó đã thành lập mạng xã hội LinkedIn, nhận xét: “Lịch sử cho thấy hầu hết các thương vụ như vậy đều thất bại nhưng nếu thành công thì rất có giá trị. Luôn luôn có sự song hành giữa cơ hội và sự đe dọa”.

Trong trường hợp của Facebook, việc mua lại Instagram là cách để giữ một ngôi sao đang lên khỏi tầm tay của các đối thủ như Google, nhưng cũng là một nỗ lực tiến quân vào một lĩnh vực mới trước các đối thủ. Như những gì YouTube và PayPal đã làm cho Google và eBay, Instagram đem lại điều mà Facebook đang rất cần: giúp Facebook thâm nhập sâu hơn vào một thế giới đang ngày càng được “di động hóa”. Rebecca Lieb, chuyên gia phân tích tại Altimeter Group, cho rằng mua Instagram sẽ giúp Facebook đáp ứng một trong những nhu cầu bức thiết nhất: làm cho dịch vụ của Hãng trở nên hấp dẫn hơn đối với các thiết bị di động.

Tuy nhiên, trong một thế giới công nghệ thay đổi không ngừng, đôi khi việc mua một công ty mới cũng không có tác dụng. Vào mùa xuân năm 2005, Yahoo!, lúc đó vẫn còn là một đối thủ nặng ký trên lĩnh vực tìm kiếm và truyền thông trực tuyến, đã mua lại Flickr, một trang web tải ảnh. Phát ngôn viên của Yahoo! lúc đó còn mô tả thương vụ là một phần của “các dịch vụ web thế hệ kế tiếp”. Thế nhưng, Flickr đã không bắt kịp với sự chuyển giao của thời đại sang mạng xã hội. Còn Yahoo! lại đang bị dồn vào chân tường trước “các dịch vụ web thế hệ kế tiếp” mà Hãng đã nói ngày trước.

Năm 2005, News Corp, một tập đoàn truyền thông, cũng từng bỏ ra hơn 580 triệu USD mua lại mạng xã hội MySpace. Thế nhưng, MySpace dần dần bị người sử dụng xa lánh và đến tháng 6.2011 thì tập đoàn này đã bán lại MySpace với giá... 35 triệu USD.

Nói lên điều này để thấy, một thách thức đối với Facebook là làm sao để người sử dụng Instagram tiếp tục vui vẻ. Không lâu sau khi thông tin mua lại được công bố, nhiều người sử dụng Instagram bắt đầu lên tiếng phản đối trên trang web Instagram, trên Twitter và cả Facebook. Một số người như Paul Ahlberg lo ngại Facebook sẽ tiếp cận thông tin cá nhân của họ (Facebook từng bị cho là dùng thông tin cá nhân người sử dụng để bán cho các nhà quảng cáo). “Tôi thích Instagram khi nó chỉ là những hình ảnh ngộ nghĩnh, để chia sẻ cho vui, chứ không phải là kho dữ liệu của Facebook”, Ahlberg viết trên Twitter như thế. Một số khác thì lo ngại cho số phận của Instagram, vì Facebook đã mua lại nhiều công ty mới thành lập nhỏ chỉ để lấy nhân tài và sau đó đóng cửa dịch vụ ban đầu của các công ty này. Tuy nhiên, cả Systrom lẫn Zuckerberg đều nhấn mạnh nhiều lần trên blog của họ rằng Facebook dự định sẽ tiếp tục cải tiến Instagram và điều hành như một dịch vụ độc lập, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Đàm Hoa

NCĐT

Nguồn StoxPlus: http://stox.vn/stox/view_news_detail/120032/1/201/vi-sao-facebook-tra-1-ti-usd-cho-instagram.stox