Vì sao dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai chậm tiến độ?

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai, các địa phương nơi dự án đi qua cũng như các Bộ, Ban, ngành Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm đôn đốc thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên đến nay dự án này vẫn chưa thấy chuyển biến nhiều.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ, mới đây ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với các sở, ban, ngành và các địa phương.

Tại đây, ông Võ Tấn Đức yêu cầu Thanh tra Sở Nội vụ ngay trong tuần tới thực hiện kiểm tra công vụ đối với UBND phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa cũng như các đơn vị được giao thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án; đơn vị nào thực hiện không tốt các công việc được giao thì điều chuyển cán bộ. UBND tỉnh Đồng Nai đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai trước ngày 30/6/2024, tuy nhiên đến nay khối lượng công việc còn lại rất lớn.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai trong một lần đối thoại với các hộ dân liên quan đến dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Trong khi đó, theo UBND huyện Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua địa bàn huyện dài khoảng 28km, tổng diện tích đất cần thu hồi để thực hiện dự án là gần 230 ha. Đến nay, UBND huyện Long Thành đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 115 trường hợp với diện tích hơn 60 ha. Địa phương cũng đã bàn giao cho các chủ đầu tư khoảng 27 ha để triển khai thi công. Đối với đoạn tuyến qua địa bàn thành phố Biên Hòa (khoảng 6km), hiện đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ cho 34 trường hợp với diện tích hơn 6 ha và niêm yết phương án bồi thường, hô trợ đối với 51 trường hợp. Tính đến giữa tháng 3/2024, tổng diện tích đất đã bàn giao trên thực địa cho chủ đầu tư thi công dự án là 10,5 ha.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai xác định, nguyên nhân chậm bàn giao mặt bằng của dự án này, chủ yếu do thiếu nhân sự tại địa phương để xác nhận nguồn gốc đất, dẫn đến chậm áp giá đền bù và chậm chi trả bồi thường cho người dân; chậm triển khai các thủ tục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật…

Tại buổi làm việc trước đây với UBND tỉnh Đồng Nai về dự án này, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh việc chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng để bắt tay vào triển khai nhanh dự án. Không chỉ giải phóng mặt bằng quá chậm, Bộ GTVT cho biết, dự án còn đội vốn lên rất nhiều so với tính toán ban đầu.

Cụ thể ban đầu dự án được phê duyệt với số vốn là 17.800 tỷ đồng, hiện nay tăng thêm 3.670 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên tới gần 21.500 tỷ đồng. Trong đó dự án thành phần 1 tăng hơn 1.195 tỷ đồng, dự án thành phần 2 tăng gần 1.490 tỷ đồng, dự án thành phần 3 tăng hơn 989 tỷ đồng. Nguyên nhân đội vốn chủ yếu do giải phóng mặt bằng chậm, địa phương phê duyệt đơn giá đền bù chậm khiến chi phí bồi thường tăng lên theo thời giá.

Ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn về tiến độ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Vào đầu tháng 9/2023, trong buổi kiểm tra thực địa, Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã ghi nhận tình trạng giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phía tỉnh Đồng Nai quá chậm. Tại đây, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai cam kết sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị nhằm tăng tốc, vì mục tiêu tiến độ của dự án. Tuy nhiên sau đó do nhiều đơn vị chậm báo cáo các vấn đề liên quan đến tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng của dự án nên UBND tỉnh Đồng Nai đã phải ra "tối hậu thư”, giao UBND thành phố Biên Hòa, UBND huyện Long Thành thực hiện phê duyệt giá đất cụ thể để bồi thường cho dự án trước ngày 20/11/2023.

Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh tham mưu kế hoạch triển khai dự án cụ thể (kiểm đếm, áp giá lập phương án bồi thường, di dời các cơ sở tôn giáo, di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công tác triển khai xây dựng các khu tái định cư…) trước ngày 20/11/2023. Dù vậy, đến ngày 22/11, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai vẫn chưa nhận kết quả từ các địa phương, đơn vị nêu trên.

Người dân bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đối thoại với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.

Tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án trên cho rằng, do họ chưa được bố trí tái định cư, hoặc có tái định cư nhưng vị trí không phù hợp với công việc, nên chưa “mặn mà” trong việc bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Ngoài ra, tại rất nhiều cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã nhiều lần nhắc nhở lãnh đạo các địa phương, nơi có dự án đi qua phải nêu cao trách nhiệm, không được lơ là, thậm chí làm việc cả thứ 7, chủ nhật, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan, chỉ đạo sát sao để thực hiện dự án hoàn thành đúng cam kết. Dù vậy, đến nay, dự án này vẫn "ì ạch".

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai chậm tiến độ.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7km đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó đoạn đi qua Đồng Nai dài hơn 34km, qua Bà Rịa - Vũng Tàu 19,7km, được khởi công ngày 18/6, tổng vốn đầu tư gần 17.800 tỷ đồng. Dự án chia thành 3 thành phần, thành phần 1 do Đồng Nai làm chủ đầu tư (dài 16km, tổng mức đầu tư 6.012 tỉ đồng), thành phần 2 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư (dài 18,2km, tổng mức đầu tư 6.852 tỉ đồng) và thành phần 3 do Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư (dài 19,5km, tổng mức đầu tư 4.693 tỉ đồng). Theo kế hoạch, cao tốc này phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023, hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác năm 2025.

Thành Đồng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vi-sao-du-an-cao-toc-bien-hoa-vung-tau-doan-qua-dong-nai-cham-tien-do-169222.html