Vì sao điền kinh Việt Nam hạ chỉ tiêu ở SEA Games 32?

Điền kinh vẫn sắm vai đội tuyển chủ lực của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 nhưng khó lòng giành được thành tích tương tự như ở kỳ đại hội diễn ra trên sân nhà.

Nguyễn Thị Huyền (giữa) là một niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng.

Từ lâu, điền kinh được coi là "mỏ vàng" đối với đoàn thể thao Việt Nam ở các kỳ SEA Games. Ở SEA Games 31, điền kinh Việt Nam giữ vị thế số một khu vực khi giành đến 22 tấm huy chương vàng. Tuy nhiên, điều này có thể không còn được duy trì tại SEA Games 32.

Dự kiến, đội tuyển điền kinh Việt Nam giành được khoảng 15 huy chương vàng trên đất Campuchia. Trong đó, hy vọng được đổ dồn về phía Nguyễn Thị Oanh. Vận động viên này đủ sức bước lên bục cao nhất ở các nội dung 1.500 m, 5.000 m và vượt chướng ngại vật 3.000 m. Trong 2 kỳ SEA Games gần nhất, cô đã giành được 6 tấm huy chương vàng cá nhân. Nguyễn Thị Oanh cũng sở hữu phong độ tốt khi vừa giành huy chương vàng Giải vô địch điền kinh châu Á trong nhà 2023.

Bên cạnh đó, một số vận động viên khác có thể giành huy chương vàng cá nhân còn có Nguyễn Thị Huyền, Lương Đức Phước, Bùi Thu Thảo, Nguyễn Linh Na, Phạm Thị Hồng Lệ... Ngoài ra, đội tuyển điền kinh Việt Nam có thể mạnh ở một số nội dung đồng đội và ném lao.

Việc đội tuyển điền kinh Việt Nam giảm chỉ tiêu cũng đến từ sự thay đổi của một số vận động viên chủ lực. Cụ thể, Nguyễn Văn Lai sẽ không tranh tài ở nội dung 5.000 m, 10.000 mà chuyển sang thi đấu marathon. Tại SEA Games 31, anh giành 2 huy chương vàng ở 2 nội dung kể trên và muốn thay đổi để tìm kiếm thêm thử thách cho bản thân. Và ở đường đua marathon, Văn Lai chưa chắc giành huy chương vàng.

Nguyễn Văn Lai tìm kiếm thử thách mới sau 2 tấm huy chương vàng ở SEA Games 31. Ảnh: Thuận Thắng.

Lê Tú Chinh, nữ hoàng tốc độ của điền kinh Việt Nam, chưa chắc dự SEA Games 32 do thiếu kinh phí. Nếu được tham dự, khả năng giành huy chương vàng của cô cũng không cao. Cô chưa lấy lại được phong độ tốt nhất sau khi phẫu thuật chấn thương gối.

Ở Cúp Tốc độ diễn ra hôm 1/4, thành tích của Tú Chinh ở cự ly 100 m là 11 giây 81. Trước đây, cô từng chinh phục huy chương vàng SEA Games 30 với thành tích 11 giây 54. Trong khi đó, thành tích mới nhất của Veronica Shanti Pereira (Singapore), ứng cử viên hàng đầu cho tấm huy chương vàng nữ 100 m là 11 giây 46.

Ngoài ra, đội tuyển điền kinh Việt Nam cũng tổn thất lực lượng sau vụ 5 vận động viên dương tính với doping khi thi đấu ở SEA Games 31. Họ sẽ không được tranh tài ở SEA Games 32. Ban huấn luyện sẽ phải chọn thêm những nhân tố phù hợp, để có thể đủ sức thay thế những vận động viên dính doping này, những người đã đóng góp đến 4 huy chương vàng ở kỳ đại hội diễn ra tại Việt Nam.

Vì thế, đội tuyển điền kinh Việt Nam có thể không bùng nổ như những gì đã làm được tại SEA Games 31. Ngoài ra, vị thế số một Đông Nam Á của điền kinh nước nhà cũng sẽ bị lung lay. Sau ba kỳ SEA Games liên tiếp về nhì, Thái Lan đang rất muốn lật đổ điền kinh Việt Nam.

Rõ ràng, khi gặp khó khăn nhiều mặt, việc giữ được vị thế trụ cột của đoàn thể thao Việt Nam cũng là một thử thách đối với đội tuyển điền kinh.

Nguyễn Thị Oanh vô địch điền kinh trong nhà châu Á Tối 11/2, Nguyễn Thị Oanh vô địch nội dung 1500 m ở giải điền kinh trong nhà châu Á lần thứ 10 với thành tích 4 phút 15 giây 55.

Nguyên Khang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-dien-kinh-viet-nam-ha-chi-tieu-o-sea-games-32-post1418498.html