Vì sao cống ngăn mặn lớn thứ 2 ĐBSCL phải đóng cửa van khẩn cấp

Đạt tiến độ hơn 70% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2024, Tuy nhiên nhằm đảm bảo ngăn mặn, bảo vệ nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành đã phải đóng cửa van khẩn cấp.

Cụ thể do độ mặn trên sông Tiền tăng đột biến, nên theo đề nghị của tỉnh Tiền Giang, chiều 1/3/2024, Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức vận hành đóng cửa van ngăn mặn công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành (tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang).

Theo đó cống âu này sẽ được đóng kín cửa, ngăn không cho nước mặn từ sông Tiền vào bên trong để bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho diện tích gần 100.000ha và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 1,1 triệu người dân của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An. Cửa cống sẽ mở trở lại khinước mặn trên sông Tiền giảm ở mức cho phép.

Đóng cống âu Nguyễn Tấn Thành khẩn cấp do xâm nhập mặn (Ảnh: Mỹ Tho)

Cống âu Nguyễn Tấn Thành có tổng mức đầu tư hơn 518 tỷ đồng, được khởi công tháng 11/2022 ở đầu kênh Nguyễn Tấn Thành cách sông Tiền 420m, thuộc địa bàn xã Song Thuận, Bình Đức (huyện Châu Thành) do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư.

Công trình đến nay đã đạt tiến độ hơn 70% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2024. Công trình có hạng mục chính là cống rộng 40m bằng bê tông, cửa van bằng thép, đóng mở bằng xi lanh thủy lực. Phần âu thuyền có chiều rộng thông nước 12m, cao trình 5,5m. Một số hạng mục phụ như: nhà, đường quản lý, hệ thống quan trắc, giám sát tự động. Theo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10, đây là cống ngăn mặn có quy mô lớn thứ hai ở miền Tây, chỉ sau cống Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) khánh thành hồi đầu tháng 3/2022.

Được biết, những ngày qua, gió chướng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hoạt động mạnh khiến độ mặn trên sông Tiền tăng cao, vì thế cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) đã đóng để ngăn mặn. Với việc cống Xuân Hòa không thể lấy nước ngọt, mực nước tại các kinh, rạch nội đồng trong vùng Ngọt hóa Gò Công đã xuống rất nhanh và dần cạn kiệt.

Cơ quan chức năng đo độ mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành trước khi đưa ra quyết định đóng cống (Ảnh: Mậu Trường)

Hiện nay, mặn đã xâm nhập đến khu vực cầu Phú Phong (huyện Châu Thành) với độ mặn 0,2 g/l đo được vào ngày 3/3 (cao hơn cùng kỳ năm 2016 và năm 2023 là 0,2 g/l). Trước diễn biến căng thẳng trên, ngoài việc đóng khẩn cấp ngăn mặn cống âu Nguyễn Tấn Thành, tỉnh Tiền Giang cũng tiến hành đóng các cống Rạch Gầm và Phú Phong để ngăn mặn, trữ ngọt.

Cùng với xâm nhập mặn từ hướng sông Tiền, mặn từ hướng sông Hàm Luông, tỉnh Bến Tre cũng đang tăng. Cụ thể, độ mặn đo được trong ngày 4/3 tại bến đò Tân Phú (cách cửa biển 72 km và sông Tiền 2 km) là 0,6 g/l. Điều này đe dọa đến vùng chuyên canh cây ăn trái, đặc biệt là cây sầu riêng tại cù lao Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy).

Theo nhận định của ngành Khí tượng và Thủy văn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2016, nhưng sẽ cao hơn mặn 2023 và xấp xỉ năm 2021. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, đỉnh mặn mùa khô năm 2024 sẽ xuất hiện vào đầu tháng 3/2024.

Lê Vũ

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/vi-sao-cong-ngan-man-lon-thu-2-dbscl-phai-dong-cua-van-khan-cap-1964824.html