Vì sao chúng ta bước tiếp

Những ngày qua, nắng nóng vẫn gay gắt, tình hình chiến sự và giá nhiên liệu vẫn là chủ đề sôi nổi trong các bản tin, trong các diễn đàn bình luận của mạng xã hội. Nhưng ở một góc độ khác, cuộc sống vẫn còn một gam màu tươi mát, một không khí tươi trẻ từ những sự kiện văn hóa, thể thao để lại nhiều xúc cảm cho chúng ta.

Đó là ấn tượng về một đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam với độ tuổi trung bình chưa đến 22 tuổi, dưới sự dẫn dắt của tân huấn luyện viên 48 tuổi đã khẳng định được chỗ đứng trên đất Uzbekistan. Đằng sau thành công đó, cho đến hôm nay, người hâm mộ vẫn còn chút ngậm ngùi với một nốt lặng ở “cách thất bại” của các chàng trai trong trận gặp U23 Saudi Arabia ở tứ kết. Chúng ta thua vì một chiêu thức chưa có trong giáo án của các huấn luyện viên.

Các đại biểu dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X tại Đà Nẵng tháng 6/2022.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn sau khi trở về từ Vòng chung kết U23 châu Á 2022, trung vệ đội trưởng Bùi Hoàng Việt Anh đã có tâm sự sau khi xem lại video chiếu chậm tình huống va chạm với cầu thủ Firas Al-Buraikam ở phút 40 của trận đấu: “Tại sao mình không nằm ra lúc đó nhỉ? Vì nếu nằm ra như thế, có thể trọng tài sẽ thổi phạt cầu thủ Saudi Arabia vì anh ta đã lao vào tôi”.

Sự nuối tiếc của một tuyển thủ tài năng và nhiệt huyết như Bùi Hoàng Việt Anh khiến người viết nhớ đến những dòng triết lý trong cuốn tiểu thuyết “Một thất bại đáng trọng” (A Fairly Honorable Defeat) của nữ nhà văn người Anh, Iris Murdoch.

Bà đã viết: “Bạn sẽ gặp thất bại, dù cho bạn tốt lành đến thế nào. Đôi khi bạn chẳng thể cứu thế giới hay thậm chí chẳng thay đổi được tình hình hiện thời. Nhưng bạn có thể cứu sự chính trực của mình và góp phần đạo đức đó cho thế giới và tình hình hiện thời, và khi làm thế là bạn giữ được sự chính trực của mình. Bạn thất bại, nhưng là thất bại đáng trọng. Như thế, sự thiện sẽ không phải chịu một thất bại đáng trọng”.

Bùi Hoàng Việt Anh và các đồng đội đã nhận được một bài học quý giá ở phút 40 không thể nào quên đó. Anh và các cầu thủ, các cổ động viên có thể nuối tiếc nhưng người viết cho rằng, trên chặng đường của mỗi người chúng ta nếu gặp một “thất bại đáng trọng” cũng rất ý nghĩa. Thể thao chỉ có thể phát triển bằng sự trung thực, thẳng thắn và chấp nhận cả sự thua thiệt trước mắt chứ không thể vươn lên bằng các tiểu xảo. Có lẽ, một trong những hành trang mà các cầu thủ trẻ cần mang theo đó chính là “thất bại đáng trọng”.

Khi không khí bóng đá trẻ còn chưa kịp lắng xuống, trên báo chí và mạng xã hội đã ngập tràn một khẩu hiệu: “Vì sao chúng ta phải viết” của sự kiện vừa diễn ra tại thành phố Đà Nẵng: “Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X”. Chắc chắn, mỗi người cầm bút trẻ đều có sẵn một câu trả lời cho riêng mình. Câu trả lời ấy chính là sự lựa chọn: hoặc đủ đam mê, sáng tạo để bước tiếp hoặc dừng lại và tìm một chọn lựa khác cũng đáng tự hào. Có lẽ bao giờ cũng vậy, sáng tạo chưa hề là một cuộc rong chơi nhàn nhã với bất kì ai. Sáng tạo đâu chỉ là con đường đầy chông gai, thách thức mà đôi khi chỉ nhận về thất bại. Nhưng biết đâu, chính sự mơ hồ, khó xác định mục đích cụ thể khi cầm bút của nhiều người lại tạo ra sự hồn nhiên, thăng hoa giúp họ cứ bước tiếp và thành công.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như hai sự kiện vừa kể trên không thuộc về những người còn trẻ. Trong sáng tác không có những người thầy với đúng nghĩa nhưng luôn có những người gợi mở, đánh thức bản thân mình, để những người viết là nguồn cảm hứng của nhau. Con đường để thành công của những cây bút lớn chính là một cuốn giáo trình bất thành văn cho những người cầm bút trẻ.

Cũng như, cách mà huấn luyện viên Gong Oh-kyun truyền lửa cho các cầu thủ trẻ Việt Nam, ông từng chia sẻ: “Mỗi ngày, chúng tôi nói với nhau những câu ngắn, đơn giản, cùng nhau cười. Tôi nghĩ các cầu thủ mở lòng với tôi nhiều hơn và tôi cũng vậy. Khi chúng tôi đã trở nên thân thiết hơn, tôi nghĩ họ hiểu tấm lòng của tôi”.

Nụ cười của ông Gong Oh-kyun là một triết lý vô ngôn, người trẻ thì hãy cười và chiến đấu, chẳng việc gì phải âu sầu, dày vò bản thân trước thất bại dưới chân mà hãy bước tiếp, đoạt lấy những gì ở phía trước. Cố thủ tướng Anh - Winston Churchill (1874-1865) đã từng nói: “Người lạc quan luôn nhìn thấy cơ hội trong mọi hiểm nguy, còn kẻ bi quan luôn nhìn thấy hiểm nguy trong mọi cơ hội”.

Thí sinh thi vào lớp 10 và những áp lực (ảnh mang tính minh họa).

Trở lại với nhịp sống thường nhật cùng kì thi tuyển sinh vào lớp 10 đang cận kề. Người viết vô tình lướt xem bài viết “Lỡ như… trượt nguyện vọng lớp 10!” của nhà báo Bích Diệp. Chị viết: “Thay vì cứng nhắc cho rằng, phải có được một suất học ở các trường điểm (thậm chí là can thiệp tiêu cực để giành chỗ) thì hãy nghĩ thoáng ra để có những kế hoạch rõ ràng hơn cho tương lai phía trước. Sự học, nói cho cùng là chuyện cả đời, đâu chỉ là gói gọn trong 3 năm mà xong được! Nên, nếu lỡ như có trượt nguyện vọng vào lớp 10, thì nguyện vọng được tiếp tục học tập, phấn đấu, nguyện vọng theo đuổi ước mơ của các bạn trẻ vẫn còn nguyên vẹn, không hề có cánh cửa nào hoàn toàn đóng sập lại cả!”.

Xem ra, áp lực thi cử vẫn là bài toán khó giải dành cho các bậc phụ huynh sau mấy thập niên hình thành trường chuyên, trường điểm, lớp chọn. Nếu với các cầu thủ trẻ, sai sót kĩ thuật, thành tích thi đấu là nỗi lo; với các cây bút trẻ, gánh nặng cơm áo là thách thức thì với những em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường thì “tem mác” thành tích đang là những tảng đá ngáng đường. Trong khi cơ hội để phát triển như đại lộ vẫn đang vẫy gọi họ, vấn đề là bản thân họ, cha mẹ và dư luận xã hội có giúp họ giải phóng được con đường đó hay không? Khích lệ người trẻ dám đương đầu với những thách thức đó nữa hay không?

Cơ hội là do mình tạo ra.

Cơ hội mới là trường học lớn nhất của mỗi người chứ không phải ở điểm số, giải thưởng hay bảng tỉ số của một trận đấu. Nhưng không có nghĩa người trẻ là “tỉ phủ” của cơ hội, mọi thứ phụ thuộc vào khát vọng, nỗ lực, hướng đi và khả năng chắt chiu, sự nhạy bén, quyết đoán của mỗi người.

Nhà viết kịch nổi tiếng người Anh Milne từng nói: "Người bình thường luôn chờ đợi cơ hội từ trên trời rơi xuống, mà không chịu nỗ lực làm việc để tạo ra cơ hội. Khi một người mơ ước làm sao kiếm được năm mươi nghìn bảng, thì một trăm người chỉ biết mơ ước năm mươi nghìn bảng rơi ngay trước mặt họ".

Trước khi tạo ra thành công, bạn đã hãy tìm ra cơ hội để phát triển. Chỉ có chính mình mới là người đem lại thành công và hạnh phúc từ những cánh cửa là các cơ hội ấy như nhà văn - A. A. Milne từng nói: “Thời gian vội vã lao đi; Cơ hội nảy sinh rồi tan biến… Vậy mà bạn vẫn chờ đợi và không dám thử - Con chim có đôi cánh mà không dám bay lên”.

Thiết nghĩ điều đó chính là câu trả lời cho một chất vấn: Vì sao chúng ta phải viết, vì sao chúng ta chưa thành công trong cuộc đời của mình. Thay bằng việc nôn nóng đi tìm thành công như một ảo giác về hồ nước đầy ắp của người khát nước đi trên sa mạc, bạn hãy đi tìm bí quyết để thành công cho bản thân mình trong chính cuộc sống này.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/vi-sao-chung-ta-buoc-tiep-i658857/