Vì sao chỉ số sản xuất công nghiệp của Lai Châu quý I/2024 giảm hơn 50%?

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Lai Châu giảm mạnh ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng chung, tỉnh đang tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ.

Theo Cục Thống kê Lai Châu, tháng 3, thời tiết hanh khô thuận lợi cho các ngành sản xuất công nghiệp khai khoáng và công nghiệp chế biến, chế tạo hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên, đối với ngành sản xuất thủy điện gặp khó khăn do nguồn nước ở các hồ chứa đang bị cạn dần đã ảnh hưởng tới chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3/2024 ước giảm 16,70% so với tháng trước và giảm 49,56% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 dự tính giảm 53,51% so với quý trước và giảm 19,59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành khai khoáng giảm 55,55% so với quý trước và tăng 18,51% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 15,58% so với quý trước và tăng 83,62% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện giảm 56,22% so với quý trước và giảm 23,89% so với cùng kỳ năm trước; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 0,24% so với quý trước và tăng 7,57% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 3/2024, sản xuất thủy điện gặp khó do nguồn nước ở các hồ chứa đang bị cạn dần kéo giảm chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh quý I/2024

Trong quý I có thêm Nhà máy thủy điện Mường Mít với công suất lắp máy 11 MW, Nậm Cuổi với công suất lắp máy 11MW, Nậm Cấu I với công suất lắp máy 13 MW đã hoàn thành đi vào phát điện; tuy nhiên, sản lượng điện sản xuất ra rất nhỏ so với sản lượng điện chung của toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, quý I/2024, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo loại hình: Doanh nghiệp nhà nước tăng 2,18%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 1,55%.

Quý I/2024, Lai Châu cấp đăng ký thành lập mới 30 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 263,6 tỷ đồng, tăng 7 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước; giải thể 6 doanh nghiệp. Lũy kế số doanh nghiệp trên toàn tỉnh lên 2.082 doanh nghiệp, trong đó có 1.448 doanh nghiệp kê khai thuế, 63 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động. Thành lập 3 hợp tác xã, lũy kế trên địa bàn tỉnh có 428 hợp tác xã (trong đó có 339 hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh, 89 hợp tác xã tạm dừng hoạt động).

Lai Châu cũng đã quyết định chủ trương đầu tư 3 dự án với vốn đăng ký đầu tư 154,6 tỷ đồng, giảm 6 dự án so với cùng kỳ năm trước, lũy kế đến nay có 299 dự án với tổng vốn đầu tư 142.663 tỷ đồng; điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư 7 dự án; giới thiệu 3 doanh nghiệp vào khảo sát, đề xuất phương án đầu tư.

Theo Tổng Cục thống kê Lai Châu, mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 giảm nhưng một số ngành có tăng trưởng khá như sản xuất công nghiệp khai khoáng, chế biến chế tạo. Bên cạnh đó, hoạt động vận tải; vốn đầu tư tăng nhẹ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ hoạt động ổn định; sản xuất nông nghiệp gieo trồng đúng thời vụ, mở rộng quy mô chăn nuôi, lồng bè nuôi cá.

Để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, Lai Châu xác định những giải pháp trọng tâm nhằm khắc phục khó khăn, đảm bảo tăng trưởng. Trong đó, tăng cường công tác theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất công nghiệp, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để duy trì ổn định sản xuất. Đẩy mạnh phối hợp giữa các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng các dự án điện trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 938/UBND-KTN ngày 15/2/2024.

Ngành Công Thương chủ động thông tin, nắm bắt về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của địa phương.

Tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu, chống hàng giả và gian lận thương mại. Chủ động theo dõi diễn biến cung cầu hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh để kịp thời triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân và trong mùa mưa lũ.

Cùng đó, tăng cường công tác giải ngân vốn đầu tư công giúp tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư. Kiểm tra chặt chẽ công tác quản lý, sử dụng ngân sách đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí.

Tập trung chỉ đạo sản xuất đảm bảo đúng tiến độ, khung thời vụ và chỉ tiêu kế hoạch năm 2024. Thực hiện hiệu quả các đề án, nghị quyết về phát triển nông, lâm nghiệp; công tác trồng rừng đảm bảo đúng tiến độ, kỹ thuật, thời vụ; thực hiện hoạt động phát triển sâm Lai Châu và cây dược liệu quý trên địa bàn.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vi-sao-chi-so-san-xuat-cong-nghiep-cua-lai-chau-quy-i2024-giam-hon-50-311216.html