Vì sao cây bún 'độc nhất vô nhị' ở Hà Nội chưa được công nhận cây di sản?

Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, các đơn vị, cá nhân muốn đăng ký cây di sản thì có thể vào website của tải mẫu đăng ký rồi điền các thông tin gửi về hội. Từ đó, hội sẽ họp, xem xét, nếu đủ tiêu chí thì công nhận cây di sản.

Liên quan đến cây bún được ước tính tuổi đời trên 300 năm ở Đình Thôn (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chưa được công nhận là cây di sản, sáng 20-4, trao đổi với PV, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, về cây di sản thì không phải hội đi tìm rồi công nhận mà cộng đồng có sở hữu cây di sản sẽ đăng ký. Sau đó, hội sẽ họp, xem xét, nếu đủ tiêu chí thì sẽ công nhận cây di sản.

Cây bún "độc nhất vô nhị" ở Đình Thôn (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Do đó, cây di sản được công nhận dựa trên việc người quản lý cây lâu năm (có thể là hộ gia đình, dòng họ, làng bản,…) là những người chủ thể của cây sẽ đăng ký và hội sẽ xem xét đầy đủ tiêu chí thì sẽ công nhận. Nếu cây hơn 100 tuổi và đảm bảo một số tiêu chí nữa thì có thể được công nhận cây di sản.

Các đơn vị, cá nhân muốn đăng ký cây di sản thì có thể vào website của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (vacne.org.vn), mục cây di sản và tải mẫu đăng ký về.

Sau đó, điền các thông tin về tên gọi của cây, địa chỉ, chiều cao, tán rộng,… Nếu ở Hà Nội, hội có thể cử người đến hỗ trợ các thủ tục giúp việc công bố cây di sản được thuận tiện.

Ngoài ra, nếu cây nằm trong dự án thì sẽ phức tạp hơn và cần phải thảo luận kỹ về mặt chủ quyền, quản lý,… trước khi công nhận.

TS Sinh cho biết thêm, ở Hà Nội, rất nhiều nơi phòng văn hóa thông tin các quận, huyện đứng ra xác nhận cây và đề nghị gắn cây di sản.

Hoa bún mọc thành từng chùm phía đầu cành, hoa có hai màu trắng và vàng, mỗi khi cây nở rộ tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp thu hút người dân đến nơi đây.

Cùng chia sẻ về sự việc trên, lãnh đạo phòng Văn hóa thông tin quận Nam Từ Liêm cho biết, phòng đã đăng ký một loạt cây di sản trên địa bàn và sẽ cho kiểm tra lại có cây bún hay không.

Lãnh đạo UBND phường Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thông tin, phường chưa đăng ký cây bún là cây di sản và phần đất cạnh cây bún đã được người dân mua, đất này là đất xây biệt thự thuộc dự án khu đô thị Sông Đà.

“Phần đất cây bún đang được trồng là nằm ngoài phần đất thuộc khu đô thị Sông Đà”, vị lãnh đạo phường Mỹ Đình 1 chia sẻ.

Anh Trần Văn Vị, người dân Đình Thôn cho biết, ở đây từng có 2 cây bún, một cây do nằm trong quy hoạch xây dựng của một công ty nên họ đã phá đi. Còn cây này, nằm trên vỉa hè nên người dân đã dùng sắt quây xung quanh để bảo vệ cây.

Khu đất gần cây bún đã được người dân mua và chưa xây dựng.

Anh Vị cho biết thêm, người dân nơi đây gọi là cây bún bởi vì ngày xưa xuất phát từ việc người dân rất nghèo khổ, dân Đình Thôn và Phú Đô có nghề làm bún. Có thể, hoa cây bún rất giống với bún lá nên mọi người hay gọi là cây bún. Cây bún thân thuộc với người dân nhiều thế hệ ở đây, mọi người hẹn nhau hay có việc gì cần tập trung đều hẹn nhau ra cây bún.

Trước kia, cây bún là nơi nghỉ chân, hóng mát của những người dân trong vùng sau một ngày làm việc vất vả. Ngày nay, cây bún đã trở thành điểm nhấn của khu vực này, nhiều người dân nơi đây ví cây bún như cây đa của làng Đình Thôn.

Cây bún là một loài thuộc chi Crateva, thuộc họ Cáp. Tên gọi khác là họ Bạch hoa hay Màn Màn (capparaceae). Cây bún được trồng ở làng Đình Thôn từ rất lâu, người dân nơi đây ước tính tuổi đời cây này trên 300 năm.

Cây bún là loại cây thân gỗ tán rộng, nở hoa rộ nhất vào tháng 2 âm lịch, sau đó thưa dần, nhưng đến lúc giao mùa sang hạ, mưa ẩm, cây lại bung lộc trổ hoa từng chùm rất bắt mắt. Hoa bún mọc thành từng chùm phía đầu cành, hoa có hai màu trắng và vàng.

Hoa bún nở rộ tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp thu hút người dân đến đây chụp ảnh về loại hoa này.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vi-sao-cay-bun-doc-nhat-vo-nhi-o-ha-noi-chua-duoc-cong-nhan-cay-di-san-189628.html