Vì sao cần đưa buýt cỡ nhỏ vào nội thị Nha Trang?

Mới đưa vào khai thác nhưng 8 tuyến xe buýt nội thành Nha Trang (Khánh Hòa), thế nhưng không như kỳ vọng ban đầu. Mới đây doanh nghiệp vận tải đã xin điều chỉnh hoạt động bằng cách đưa xe buýt loại nhỏ hơn để phù hợp với điều kiện hiện tại.

"Đỏ mắt" tìm... khách, doanh nghiệp bù lỗ tiền tỷ mỗi tháng

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tháng 4/2022, Công ty CP Xe khách Phương Trang – Futa Bus Lines (Công ty Phương Trang) đưa vào khai thác 8 tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có trợ giá của Nhà nước.

Việc mở các tuyến xe này cũng đáp ứng mong mỏi của nhiều người sau thời gian dài chờ đợi. Tuy nhiên, tổng lượng khách thấp hơn so dự tính khiến bài toán xe buýt thêm khó khăn.

Khi mời thầu các doanh nghiệp đấu thầu xe buýt, tỉnh Khánh Hòa dự báo tổng sản lượng hành khách đi xe buýt trong năm thứ nhất là hơn 3 triệu lượt khách (vé lượt và vé tháng) nhưng thực tế khai thác, sản lượng hành khách đi vé lượt năm thứ nhất chỉ bằng khoảng 34% dự báo, sản lượng vé tháng bằng 32% dự báo. Doanh thu bán vé của đơn vị bằng 28% dự báo so với hồ sơ mời thầu trước đó của cơ quan Nhà nước.

Xe buýt BKS 50F-020.17 chạy cả lộ trình dài 20km từ bến xe Phía Bắc Nha Trang đến Khu du lịch Diamon Bay nhưng chỉ có hai hành khách lên xe.

Đáng kể, trong 8 tuyến thì sản lượng hành khách đi xe buýt trên 6 tuyến nội thị Nha Trang đạt rất thấp (đặc biệt là tuyến số 1 và số 4). Cao nhất là tuyến số 6 nhưng cũng chỉ đạt tỷ lệ 17%. Nguyên nhân xuất phát từ dịch bệnh kéo dài, suy thoái kinh tế, thói quen đi lại của người dân khó thay đổi, phương tiện cá nhân tăng cao...

Theo Công ty Phương Trang, mặc dù doanh nghiệp đã nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng lượng khách đi xe và doanh thu đạt rất thấp. Trong khi giá nhiên liệu tăng cao so với thời điểm đấu thầu.

Hiện nay, công ty đã lỗ tổng cộng hơn 13 tỷ đồng để vận hành 6 tuyến buýt nội thị Nha Trang, đồng thời hệ số sử dụng trọng tải đạt tỷ lệ thấp có nguy cơ gây lãng phí nguồn lực.

Hàng loạt ghế để trống trên xe chuyến xuất phát lúc 8h10 ngày 25/12 từ bến xe Phía Bắc Nha Trang đi Khu du lịch Diamon Bay.

Qua thực tiễn hoạt động, đơn vị đề xuất chuyển loại xe buýt đang khai thác từ xe buýt trung bình (55-60 chỗ) sang loại xe buýt nhỏ 26 chỗ (18 chỗ ngồi và 8 chỗ đứng).

Doanh nghiệp này cũng cam kết dòng xe 26 chỗ thay thế đều được đầu tư mới 100%, thiết kế nhỏ gọn, phù hợp với đô thị du lịch. Xe 26 chỗ tiêu chuẩn khí thải thân thiện với môi trường, có thiết kế hỗ trợ người khuyết tật, đầy đủ thiết bị phụ trợ...

Bên cạnh đó, khi sử dụng dòng xe này, doanh nghiệp sẽ tăng tần suất hoạt động xe chạy để đảm bảo giải tỏa hành khách ở những giờ cao điểm đối với tuyến đông học sinh, sinh viên.

Điều chỉnh lộ trình, tần suất chạy xe

Theo Sở GTVT Khánh Hòa, hiện nay, đơn giá trợ giá cho đơn vị sử dụng loại xe buýt trung bình hơn 6.100 đồng/km xe chạy.

Khi chuyển từ loại xe trung bình sang loại nhỏ và giữ nguyên các chỉ tiêu về doanh thu thì phần trợ giá từ ngân sách Nhà nước sẽ điều chỉnh giảm tương ứng với phần tiết kiệm chi phí vận hành của đơn vị vận tải.

Vì vậy, sẽ giúp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước (dự kiến khoảng 4 tỷ đồng/năm).

Xe BKS 50F-016.23 chạy tuyến số 3, xuất phát hơn 7km nhưng vẫn chưa có khách lên.

Trong khi đó, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách khi sử dụng xe buýt nhỏ không thay đổi. Đồng thời, xe buýt nhỏ sẽ linh hoạt hơn trong công tác vận hành và giúp giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường ở Nha Trang vào giờ cao điểm. Sử dụng xe buýt loại nhỏ cũng sẽ giảm tiêu hao nhiên liệu, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa cho biết, sản lượng hành khách thấp dẫn đến hệ số sử dụng trọng tải của các tuyến xe buýt cũng thấp, gây lãng phí.

Đơn cử có tuyến hệ số sử dụng trọng tải trung bình chỉ đạt 4%, tuyến cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 17% đối với xe buýt 55-60 chỗ. Nhiều thời điểm trong ngày xe chạy rỗng, không có hành khách.

Bên cạnh đó, các chi phí vận hành xe buýt tăng cao, đặc biệt là giá nhiên liệu hiện tăng cao so với thời điểm đấu thầu, làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của đơn vị vận tải.

Theo báo cáo, mỗi tháng, Công ty Xe khách Phương Trang phải chịu lỗ trung bình trên dưới 1 tỷ đồng để duy trì hoạt động các tuyến xe buýt.

Xe buýt của Công ty Phương Trang lưu thông trên đường phố Nha Trang.

Được biết, về phía Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất UBND tỉnh này cho phép điều chỉnh loại xe buýt đang hoạt động từ xe buýt trung bình thành xe buýt 26 chỗ đối với các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn tỉnh; Lập hồ sơ điều chỉnh loại xe, hồ sơ thiết kế vận hành các tuyến buýt đã được phê duyệt; Tính toán, điều chỉnh đơn giá trợ giá tại hợp đồng vận tải hành khách công cộng phù hợp với tỷ lệ giảm giá dự thầu theo loại xe buýt nhỏ...

Để tháo gỡ khó khăn hoạt động xe buýt có trợ giá trên địa bàn, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản thống nhất cho phép điều chỉnh loại xe buýt đang hoạt động từ xe trung bình thành xe loại nhỏ đối với 8 tuyến xe buýt có trợ giá.

UBND tỉnh cũng giao Sở GTVT Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, UBND TP Nha Trang, các đơn vị liên quan làm việc với Công ty Phương Trang khảo sát và triển khai các thủ tục điều chỉnh lộ trình, tần suất xe chạy trên các tuyến cho phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, học sinh, sinh viên, du khách đúng quy định (không tăng thêm quy mô gói thầu và vượt dự toán đã được phê duyệt).

Tưởng Cao Sơn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-can-dua-buyt-co-nho-vao-noi-thi-nha-trang-192231225174502045.htm