Vì sao cá nuôi lồng bè ở Kiên Giang chết số lượng lớn?

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, nguyên nhân cá nuôi lồng của người dân ở xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải chết số lượng lớn là do cá giống chưa đảm bảo. Mặt khác, vị trí nuôi cá không thuộc khu vực được quy hoạch nuôi nên bị ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt của người dân và bị tác động trực tiếp bởi nguồn nước ngọt đổ ra từ đất liền…

Ông Nguyễn Sỹ Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang vừa có báo cáo kết quả khảo sát tình hình nuôi cá lồng bè bị thiệt hại ở xã Hòn Tre (Kiên Hải).

Theo đó, ngày 17/2, nhận được thông tin cá nuôi lồng bè, hàu, vẹm xanh của người dân chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Sau đó, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi Thú y và Phòng NN&PTNN huyện Kiên Hải kiểm tra.

Qua khảo sát, thu thập thông tin, Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết, tình hình nuôi cá lồng ở hầu hết các hộ trên địa bàn xã Hòn Tre ổn định.

Có 1 hộ bị thiệt hại là bà Võ Thị Thắm với 32 lồng nuôi, đã thả 30.000 con giống, gồm các loài chính là cá bóp, cá mú, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng. Cá giống được mua tại Công ty TNHH dịch vụ sản xuất thương mại Ngọc Thủy ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Cụ thể, bà Thắm chia làm 3 đợt thả giống, gồm: Đợt 1 thả 10.000 con (tháng 8/2022), đợt 2 thả 14.000 con (tháng 11/2022) và đợt 3 thả 6.000 con (tháng 2/2023). Cả 3 đợt thả giống này, cá có dấu hiệu trương bóng hơi, xây xát, lở loét, bơi lờ đờ, ngừng ăn… và chết tập trung sau 15 - 40 ngày thả nuôi.

Cá chết rải rác, kéo dài từ khi bà Thắm thả giống đợt 1 cho đến nay, ước tính tỷ lệ thiệt hại từ 80 - 90%.

Nghề nuôi cá biển lồng bè phát triển mạnh trong nhiều năm qua tại xã Hòn Tre.

Ngoài ra, đơn vị chức năng khảo sát tại các hộ nuôi cá lân cận trong vùng nuôi với hộ bà Thắm thì không ghi nhận cá nuôi bị thiệt hại, cá ổn định, bình thường.

Đối với nhuyễn thể nuôi treo dây trong các lồng cá có dấu hiệu chết rải rác, nhưng tỷ lệ rất thấp, do các đối tượng này chỉ nuôi mật độ thưa với hình thức thử nghiệm. Các tiêu chí môi trường đều nằm trong ngưỡng thích hợp cho sự phát triển của thủy sản trên vùng biển khảo sát.

Chi cục Thủy sản Kiên Giang nhận định, nguyên nhân cá nuôi lồng tại hộ bà Võ Thị Thắm có tỷ lệ sống thấp có thể là do chất lượng cá giống chưa đảm bảo, đồng thời hộ nuôi chưa tuân thủ đúng phương pháp xử lý và thuần dưỡng cá trước khi thả giống xuống lồng nuôi.

Riêng nhuyễn thể thường chết rải rác tại các thời điểm mưa trái mùa với lưu lượng lớn, kết hợp với việc nước ngọt đổ ra từ đất liền làm độ mặn giảm, có thể gây sốc cho các đối tượng thủy sản nuôi có ngưỡng độ mặn cao như hàu, vẹm xanh.

Mặt khác, vị trí bố trí lồng nuôi của các hộ nằm trong khu tránh trú bão, không thuộc khu vực quy hoạch nuôi cá lồng của Hòn Tre. Tại vị trí này, nguồn nước dễ bị ô nhiễm từ nước sinh hoạt của các khu dân cư và bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp bởi nguồn nước ngọt đổ ra từ đất liền, gây thiệt hại cho nuôi thủy sản lồng bè.

Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang đề nghị địa phương thông báo, hướng dẫn người nuôi thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của cá, tăng cường giám sát chất lượng nguồn nước.

Định kỳ 7 - 10 ngày tiến hành vệ sinh lưới lồng để loại bỏ rác, chất bẩn, các loại sinh vật bám trên lưới nhằm tăng khả năng lưu thông của nước và loại bỏ các loại vi khuẩn gây bệnh. Thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt để đưa về nơi xử lý, không vứt bừa bãi xung quanh khu vực nuôi làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi và kiện cho các loại vi khuẩn, kí sinh trùng phát triển gây bệnh cho cá. Vị trí đặt lồng nuôi phải nằm trong khu vực được quy hoạch nuôi cá lồng của địa phương…

Tại xã đảo Hòn Tre, huyện Kiên Hải, nghề nuôi cá biển lồng bè phát triển mạnh trong nhiều năm qua. Theo UBND xã Hòn Tre, trên vùng biển của xã có 43 hộ nuôi 122 bè với 292 lồng, gồm các cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng, cá bè quỵt, cá hồng mỹ và nhiều loài nhuyễn thể (vẹm xanh, hàu đá, hàu Thái Bình Dương) được nuôi với hình thức treo dây, mật độ thưa trong các lồng cá.

Nhật Huy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-ca-nuoi-long-be-o-kien-giang-chet-so-luong-lon-post1511764.tpo