Vì sao Bến xe Nam Vinh đầu tư 32 tỷ đồng đã hoàn thành nhưng chưa thể hoạt động?

Dù đã hoàn thành các hạng mục xây dựng cách đây nửa năm, tuy nhiên bến xe Nam Vinh nằm cạnh Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh, thuộc địa phận xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên) đầu tư 32 tỉ đồng vẫn chưa thể đi vào hoạt động do chưa được đấu nối ra Quốc lộ 1.

Những năm gần đây, để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm thành phố Vinh, việc quy hoạch bến xe và phân luồng các tuyến xe khách nội, ngoại tỉnh đã được tiến hành. Trong đó, thực hiện Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND ngày 30/5/2011 về việc Ban hành quy hoạch hệ thống bến xe khách trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 của UBND tỉnh Nghệ An, một số bến xe không còn phù hợp với quy hoạch hệ thống giao thông trên địa bàn đã được di dời. Trong đó, Bến xe Vinh trước đây đóng trên đường Lê Lợi đã được di dời ra phía Bắc tại xã Nghi Kim vào năm 2018.

Cổng chính của Bến xe Nam Vinh đang được che chắn lại bằng tôn.

Đến ngày 30/4/2023, hoạt động vận tải khách tại Bến xe chợ Vinh cũng đã dừng lại. Toàn bộ các tuyến vận tải hành khách cố định (bao gồm các tuyến ngoại tỉnh và nội tỉnh) khai thác tại Bến xe chợ Vinh được điều chuyển về hoạt động tại các bến xe nằm ở vùng ven thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên, trong đó có Bến xe Nam Vinh.

Tuy nhiên, dù Bến xe Nam Vinh đã hoàn thành giai đoạn 1 nửa năm nay, nhưng do chưa hoàn thành việc đấu nối với Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh nên bến xe này vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Qua tìm hiểu được biết, dự án xây dựng Bến xe Nam Vinh do Công ty Cổ phần Bến xe Nghệ An làm chủ đầu tư. Theo thông tin về dự án trên trang chủ của đơn vị này thì Bến xe Nam Vinh được xây dựng với quy mô là bến xe loại 1, có diện tích xây dựng bến là 100.000 m2, công suất 500 chuyến xe xuất bến mỗi ngày và 15.000 lượt người đi xe; tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện được giới thiệu là từ tháng 5/2009, dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2011. Nhưng sau một thời gian dài, mãi đến năm 2020, Bến xe Nam Vinh được tiến hành xây dựng với diện tích 46.200m2. Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng bến xe có diện tích 19.000m2 với tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng. Đến tháng 3/2023, bến xe này đã hoàn thành các hạng mục, dự kiến sẵn sàng hoạt động ngay khi vận tải khách tại Bến xe chợ Vinh buộc phải dừng lại.

Theo ghi nhận của phóng viên tại bến xe Nam Vinh, công trình cơ bản đã được hoàn thiện với tòa nhà chính, hệ thống bãi xe, tường rào và cổng khang trang. Tuy nhiên phía ngoài cổng chính vẫn “cửa đóng then cài” suốt ngày. Nguyên nhân do bến xe này chưa được đấu nối ra Quốc lộ 1.

Theo quy định của pháp luật, để Bến xe Nam Vinh có thể hoạt động được, bắt buộc phía chủ đầu tư phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép đấu nối đường ra, vào bến với các đường khác. Trong trường hợp này, do đấu nối với Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh nên bắt buộc phải tuân thủ các Thông tư, Nghị định của Bộ Giao thông vận tải và của Chính phủ. Việc quyết định cho phép đấu nối này thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải.

Ông Trần Minh Thành - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Nghệ An (đơn vị chủ đầu tư dự án) cho biết, do chưa có quy hoạch đấu nối với Quốc lộ 1 nên bến xe chưa hoạt động. Thẩm quyền đấu nối do Bộ Giao thông vận tải quyết định. Thời gian qua, đơn vị phối hợp cơ quan chức năng của tỉnh làm các thủ tục xin được đấu nối vào Quốc lộ 1 nhưng vẫn chưa được.

Ngay trước cổng bến xe là Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh.

“Bến xe sẵn sàng hoạt động. Đơn vị mong muốn bến xe sớm được đấu nối với Quốc lộ 1 để đi vào hoạt động. Bỏ tiền ra đầu tư mà chưa hoạt động, khai thác được nên mọi người đứng ngồi không yên” - ông Thành cho hay.

Ông Nguyễn Sỹ Thắng - Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải Nghệ An) cho biết, Sở đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra thực địa, thống nhất ý kiến và có văn bản về việc bổ sung đấu nối dự án bến xe vào Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Vinh.

“Sau khi Bộ Giao thông vận tải có văn bản đồng ý, tỉnh sẽ ra quyết định chấp thuận bổ sung quy hoạch đấu nối với bến xe Nam Vinh. Công ty Bến xe Nghệ An làm các thủ tục, xây dựng xong mới trình Sở hồ sơ để tỉnh công bố đi vào hoạt động” - ông Thắng nói.

Có thể thấy rằng, dự án Bến xe Nam Vinh là dự án rất quan trọng, khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần giảm áp lực của các phương tiện vận chuyển ngày càng phát triển tại các bến xe như: Bến xe Bắc Vinh, Bến xe chợ Vinh…; đảm bảo khả năng kết nối đồng bộ hệ thống giao thông, hạn chế các phương tiện vận tải tham gia giao thông trong khu vực nội thành Vinh và tạo thuận lợi cho các phương tiện vận tải từ khu vực phía Nam về thành phố Vinh.

Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi ra vào bến xe tại điểm đấu nối là điều rất cần thiết khi Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh có lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn, nhiều xe tải chở hàng, xe container thường xuyên lưu thông trên tuyến đường này. Vì vậy, doanh nghiệp khi thực hiện dự án này cũng cần phải nỗ lực, có trách nhiệm, tích cực hơn trong việc phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh, kịp thời giải trình cho các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải để việc đấu nối sớm được thực hiện, đảm bảo các mục tiêu ban đầu đã đặt ra.

Thành phố Vinh (Nghệ An) hiện có bốn bến xe gồm: Bến xe phía bắc Vinh (đã hoạt động năm 2018, tiếp nhận xe từ bến xe Vinh chuyển ra); Bến xe Miền Trung nằm ở phía tây thành phố; Bến xe phía đông (hay còn gọi là Bến xe Văn Minh do doanh nghiệp này đầu tư) và Bến xe Nam Vinh.

Trần Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-sao-ben-xe-nam-vinh-dau-tu-32-ty-dong-da-hoan-thanh-nhung-chua-the-hoat-dong-post270790.html