Vi phạm tại Trường ĐH Kiến trúc TPHCM: Cần sớm xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Theo một số đại biểu Quốc hội, những vi phạm về công tác tổ chức cán bộ tại Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm được xử lý nghiêm.

Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh có trụ sở chính tại số 196 Pasteur, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà trường được thành lập theo Quyết định số 426/TTg ngày 27/10/1976 của Thủ tướng Chính phủ, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng, chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện, Tiến sĩ Hoàng Bắc An là Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Hiệu trưởng nhà trường là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Văn Thương.

Vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố kết luận thanh tra Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong: Quản lý, triển khai các đề tài khoa học, công nghệ; quản lý đầu tư xây dựng và công tác tổ chức cán bộ.

Theo kết luận thanh tra, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ.

Cần mạnh tay xử lý những vi phạm về công tác cán bộ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội nhận định, phía Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố kết luận thanh tra liên quan đến công tác cán bộ tại Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ những khuyết điểm và bất cập về công tác cán bộ của trường này.

"Nếu không thực hiện đúng những quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí đã đề ra thì rõ ràng trường này đã vi phạm, mà vi phạm thì phải xử lý. Tôi cũng thấy có một điều nữa là trong cả một quá trình dài, trường có nhiều vi phạm liên quan đến công tác tổ chức cán bộ như thế thì vai trò của cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản ở đâu?

Đôi khi một trường đại học sẽ chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo song trùng. Chẳng hạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo đối với Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh; còn Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản. Vậy thì vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát hàng năm như thế nào lại bỏ sót nhiều sơ hở về công tác cán bộ tại trường này như thế?", ông Lê Như Tiến bày tỏ.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Thành An.

Đối với việc, Hội đồng trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh chậm ban hành quy chế tổ chức và hoạt động 10 năm 2 tháng, ông Tiến chia sẻ: "Bất kỳ cơ quan, tổ chức nào cũng cần phải ban hành quy chế tổ chức, hoạt động. Trong vấn đề này rõ ràng là có một lỗ hổng lớn, vậy trường hoạt động theo nguyên tắc nào, quy chế nào?... Đây là khuyết điểm rất lớn của trường. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo phải thanh ra kiểm tra và "thổi còi" ngay đối với trường hợp như thế".

Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh xin chủ trương bổ nhiệm 2 phó hiệu trưởng trong đó nêu rõ tên nhân sự đề xuất bổ nhiệm. Về việc này, theo ông Tiến, về nguyên tắc, nhà trường chỉ xin ý kiến về chủ trương, tiêu chuẩn, tiêu chí... còn sau đó có thêm những bước khác trong quy trình bổ nhiệm cán bộ.

Ông Lê Như Tiến nhìn nhận: "Nhà trường nêu luôn tên nhân sự như thế này thì đã là vi phạm quy định về trình tự, thủ tục bổ nhiệm viên chức quản lý. Đáng lẽ sẽ là cơ sở có sự giới thiệu, có thể là 2 nhân sự hoặc nhiều hơn trong việc đề xuất bổ nhiệm phó hiệu trưởng nêu trên, chứ không phải là chỉ định rõ tên như thế. Nếu áp đặt như thế thì tôi cho là thiếu tính dân chủ, rõ ràng như thế sẽ mất đi tính công khai, minh bạch, dân chủ".

Điểm a, khoản 1 Điều 46 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức nêu rõ:

Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu bổ nhiệm viên chức quản lý phải trình cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm bằng văn bản về chủ trương, số lượng, nguồn nhân sự và dự kiến phân công công tác đối với nhân sự được dự kiến bổ nhiệm.

Ngoài ra, theo ông Tiến, năm 2020, nhà trường tổ chức xét tuyển viên chức, trong đó có 3 trường hợp đủ điều kiện trúng tuyển nhưng không có tên trong danh sách trúng tuyển tạo ra sự bất công bằng. Ông Tiến cho hay: "Đối với việc xét tuyển công chức, viên chức phải niêm yết, công khai minh bạch. Các ứng viên sẽ trải qua nhiều vòng, các kỳ sát hạch".

Về vấn đề cán bộ, ông Tiến chia sẻ: "Trong thời kỳ tôi còn làm việc tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tôi cũng được phản ánh những trường hợp lùm xùm về công tác cán bộ thiếu minh bạch. Những người trúng tuyển, đủ điều kiện thì không được vào, rồi lấy những người không đủ điều kiện - trong trường hợp này. Điều này sẽ làm nảy sinh các câu hỏi, băn khoăn là người trúng tuyển là ai?".

"Tôi đề nghị các cơ quan thanh tra, kiểm tra các cấp cần vào cuộc để làm rõ những vi phạm và xử lý kịp thời, không để lọt những sai phạm như thế nữa", ông Tiến nhấn mạnh.

Phải sớm xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu Trường Đại học Kiến trúc TPHCM

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) nhấn mạnh, tất cả các cơ quan, đơn vị đều phải có các quy chế hoạt động. Quy chế này bao trùm vào tất cả các lĩnh vực, từ cơ cấu tổ chức, bộ máy tổ chức, vấn đề tài chính, công tác cán bộ, đến trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong đơn vị đó.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội. Ảnh: chinhphu.vn

"Nếu không có các quy chế tổ chức và hoạt động, tức cơ quan hoạt động là không có cơ sở. Quy chế tức là chiếu theo các quy định hiện hành để mà vận dụng cụ thể vào tổ chức, đơn vị. Do đó, nếu không có quy chế, tất cả những bước thực hiện đều mang tính chức cá nhân. Bởi vì chúng ta biết rằng khi ban hành quy chế hoạt động thì phải xin ý kiến của tất cả mọi người trong cơ quan đơn vị. Mà khi đã ban hành cơ quan đơn vị này thì nó chính là trí tuệ của tập thể, dân chủ và tập trung để ban hành".

Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ, đối việc rà soát quy hoạch chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thuộc diện Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng quản lý: Nhà trường tổ chức lấy phiếu và đưa ra khỏi danh sách quy hoạch cán bộ quản lý đối với 5 trường hợp đã được Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch.

Về vấn đề này, Đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng: "Khi các cán bộ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì nhà trường chỉ đưa ra khỏi quy hoạch khi không còn đủ tiêu chuẩn. Chứ nếu mà các nhân sự còn đủ tiêu chuẩn thì không có cấp nào có thể bãi bỏ các quyết định phê duyệt đó. Các trường hợp vẫn còn đủ tiêu chuẩn mà trường đề nghị hoặc bãi bỏ là không đúng quy định về công tác cán bộ rồi".

Đại biểu Trương Xuân Cừ cũng nêu rõ quan điểm khi Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh xin chủ trương bổ nhiệm 2 phó hiệu trưởng trong đó nêu rõ tên nhân sự: "Về nguyên tắc cán bộ phải làm theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Trước tiên, phải xem xét 2 nhân sự đó đã nằm trong quy hoạch hay chưa. Khi đề nghị xin làm quy trình về cán bộ, nhà trường gửi cho cơ quan cấp trên để xin bổ sung 2 cán bộ quản lý, khâu này không được nêu tên nhân sự, chỉ xin chủ trương thôi. Sau khi có văn bản đồng ý về chủ trương bổ nhiệm của Bộ Xây dựng đồng ý cho trường làm bổ sung 2 phó hiệu trưởng từ nhân sự quy hoạch, thì nhà trường mới tiến hành quy trình lựa chọn nhân sự theo quy định".

Ngoài ra, theo ông Cừ, để công tác cán bộ được thực hiện theo đúng quy định, nhà trường cần có sự nghiên cứu về các quy định hiện hành, từ vấn đề tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cho đến quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Thứ hai, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của quy chế nội bộ, trong đó có mục về công tác cán bộ để trường hoạt động có cơ sở. Thứ ba là vai trò của cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản trong công tác cán bộ tại cơ sở giáo dục này.

Về các kiến nghị xử lý của Thanh tra Bộ Xây dựng đối với Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Trương Xuân Cừ nhìn nhận: "Đã có kết luận rồi, nếu trường không khắc phục được mà để xảy ra hậu quả thì phải xử lý kỷ luật nghiêm."

Ông Cừ cho rằng, phải xem xét lại trách nhiệm của những người đứng đầu trường, nếu vi phạm có hệ thống, không đáp ứng được các yêu cầu thì cần có sự thay đổi, xử lý một cách dứt khoát.

Cùng trao đổi với phóng viên, một đại biểu Quốc hội đánh giá, công tác tổ chức cán bộ tại Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh với những sai phạm nêu rõ trong kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, có thể nói là "vi phạm rất nặng nề".

Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường.

"Tôi có đọc kết luận thanh tra nêu trên rồi. Tôi thấy trong việc rà soát quy hoạch chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thuộc diện Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng quản lý, nhà trường tổ chức lấy phiếu và đưa ra khỏi danh sách quy hoạch cán bộ quản lý đối với 5 trường hợp đã được Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch. Tại sao đưa ra khỏi quy hoạch, phải giải trình được lý do, vì các trường hợp đó đã được cấp trên phê duyệt rồi, nghĩa là họ đủ tiêu chuẩn, tiêu chí mà. Như vậy là trường đang không thực hiện kết luận cấp trên, vô tình trở thành chống đối. Chúng ta phải chấn chỉnh ngay, đặc biệt là trước thềm Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Thêm vào đó, khi xin chủ trương bổ nhiệm cán bộ quản lý mà nêu rõ tên như thế là không thực hiện đúng quy định rồi. Về nguyên tắc, khâu này không thể đề xuất con người cụ thể. Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh không đảm bảo quy trình công tác cán bộ theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Khi làm như thế này, trường đang làm ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ có trong quy hoạch, được quy hoạch; làm xáo trộn công tác cán bộ", vị đại biểu nhấn mạnh.

Trong các năm 2020, 2021, 2023, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã không có hồ sơ quy hoạch cán bộ đối với các chức danh trưởng, phó phòng và tương đương đã được quy hoạch và bổ sung quy hoạch các năm nêu trên.

Đại biểu chia sẻ thêm: "Hàng năm đều có rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, tức là quy hoạch cán bộ có động, có tĩnh, có vào, có ra. Nói chung tôi thấy Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đang vi phạm về công tác cán bộ, đơn vị này không tuân thủ về công tác cán bộ ở mọi mặt, mọi phương diện - từ công tác quy hoạch, đến công tác bổ nhiệm, rà soát quy hoạch...

Về các kiến nghị của Thanh tra Bộ Xây dựng đối với Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, vị đại biểu Quốc hội cho rằng, cần đưa ra mốc thời gian cụ thể. "Chúng ta cần quy định chặt chẽ về thời gian nhà trường phải thực hiện các kiến nghị, để tránh tình trạng kéo dài thời gian. Chúng ta cũng đặt ra băn khoăn rằng việc một trường có nhiều sai phạm như vậy thì liệu có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, ảnh hưởng đến người học hay không?. Do đó, những sai phạm này cần sớm được xử lý".

Nhi Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vi-pham-tai-truong-dh-kien-truc-tphcm-can-som-xu-ly-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-post242861.gd