Vi phạm quy định về cạnh tranh mức độ nào sẽ bị truy cứu hình sự ?

Tôi mới thành lập công ty may, nhưng hiện đang gặp khó khăn khi nguồn cung nguyên liệu đầu vào bị mất. Tìm hiểu được biết do các công ty kinh doanh cùng lĩnh vực gây sức ép cho các nhà cung cấp nguyên liệu họ không bán nguyên liệu cho công ty tôi.

Vậy tôi muốn biết, vi phạm quy định về cạnh tranh mức độ nào sẽ bị truy cứu hình sự?. Đó là vấn đề quan tâm của ông Lê Thành Long (Yên Thành, Nghệ An).

Trả lời: Tội vi phạm quy định về cạnh tranh được quy định tại khoản 1 Điều 217 Bộ Luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 50 Điều 1 Luật số: 12/2017/QH14, cụ thể như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a. Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;

b. Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận;

c. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan 30% trở lên thuộc một trong các trường hợp: thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, dịch vụ; thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a. Phạm tội 02 lần trở lên;

b. Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

c. Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền;

d. Thu lợi bất chính 3.000.000.000 đồng trở lên;

đ. Gây thiệt hại cho người khác 5.000.000.000 đồng trở lên.”;

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;

c. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”.

Tội vi phạm quy định về cạnh tranh quy định các dấu hiệu pháp lý của tội phạm và khung hình phạt cơ bản; quy định các trường hợp phạm tội tăng nặng; quy định khung hình phạt bổ sung đối với người phạm tội và quy định khung hình phạt đối với pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi thỏa thuận bất hợp pháp giữa các doanh nghiệp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác cũng như cho người tiêu dùng vi phạm quy định của pháp luật cạnh tranh. Theo đó có 3 loại thỏa thuận. Hành vi đã thực hiện bị coi là tội phạm nếu gây thiệt hại cho người khác từ 01 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên. Tùy vào các trường hợp và mức độ mà có hình phạt cụ thể.

PL

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/vi-pham-quy-dinh-ve-canh-tranh-muc-do-nao-se-bi-truy-cuu-hinh-su-post285080.html