Vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh niên, học sinh

Tình trạng vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh niên, thiếu niên, học sinh diễn biến phức tạp, khiến cơ quan chức năng và các bậc phụ huynh không khỏi giật mình lo lắng. Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, cần sự phối hợp đồng bộ từ phía gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Bạn đọc Dương Bích Vân (Vĩnh Phúc): Dư luận sửng sốt về những vụ án kinh hoàng xảy ra trong thời gian gần đây, mà thủ phạm là những thanh niên, học sinh. Nhiều em được gia đình, hàng xóm nhận xét là ngoan ngoãn, nhút nhát nhưng bỗng chốc lại trở thành thủ phạm của những vụ giết người, cướp của. Có nhiều nguyên nhân đẩy các em tới con đường phạm tội, nhưng trong các vụ án này, phần lớn liên quan trò chơi điện tử. Nhiều em từ chỗ quá ham mê trò chơi này dẫn tới nợ nần chồng chất, buộc phải nghĩ cách lừa đảo, trộm cướp để có tiền trả nợ và tiếp tục chơi. Mặt khác, chính những ảnh hưởng bạo lực của trò chơi khiến tâm lý các em bị tổn thương. Các em bị kích thích cao độ bởi hình ảnh đấm đá, chém giết không ghê tay, từ đó tâm lý bị ám ảnh, dẫn tới phạm tội. Một học sinh lớp 8 ở tỉnh Bắc Giang, giết bạn học nhằm chiếm đoạt chiếc xe đạp mới; một học sinh ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) giết người bán hàng, chỉ vì bị mắng mỏ về việc nợ năm nghìn đồng tiền mua que kem; một học sinh lớp 12 ở tỉnh Vĩnh Phúc nhẫn tâm giết cả hai mẹ con chủ tiệm in-tơ-nét, với lý do muốn có tiền mua điện thoại di động... Điều đó cho thấy tác hại xấu từ trò chơi điện tử đối với tâm lý, tính cách của lứa tuổi học sinh, sinh viên là rất đáng lo ngại.

Bạn đọc Đào Thúy Mai (Cần Thơ): Tệ nạn cờ bạc, đỏ đen trong lứa tuổi sinh viên, học sinh xuất hiện ở nhiều địa phương. Nhiều em ham chơi tá lả, lô đề, cá độ bóng đá, chọi gà ăn tiền... Muốn có tiền tham gia các trò chơi này, các em nghĩ cách bớt xén tiền học phí, tiền ăn hoặc bịa ra nhiều khoản đóng góp khác để xin tiền bố mẹ. Nhiều sinh viên cầm cố cả thẻ sinh viên, bằng tốt nghiệp để lấy tiền lao vào cơn khát "đỏ đen". Một số vi phạm phổ biến khác trong lứa tuổi thanh niên, học sinh, như: tụ tập gây gổ, đánh nhau, sau đó quay phim tung lên mạng; vi phạm luật lệ an toàn giao thông, vượt đèn đỏ, điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi; đua xe, lạng lách, đánh võng...

Bạn đọc Lê Hải Vân (Long An): Theo tôi, nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh niên, thiếu niên, học sinh, chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường. Môn học giáo dục công dân, tìm hiểu pháp luật cần được cải tiến sao cho sinh động, hấp dẫn hơn. Mặt khác, muốn lớp trẻ không sa vào các trò tiêu khiển độc hại và những việc làm vi phạm pháp luật thì nhà trường, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần quan tâm tổ chức thêm nhiều sân chơi bổ ích, hướng các em tới những hoạt động lành mạnh, vui tươi, thiết thực.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/y-kien/vi-ph-m-phap-lu-t-trong-l-a-tu-i-thanh-nien-h-c-sinh-1.349617