Vì mục tiêu kinh tế số, ASEAN lọt top đầu thế giới

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào năm 2020, một cuộc cách mạng về chuyển đổi số đã diễn ra rầm rộ trên mọi phương diện đời sống. Tại các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hàng loạt thành tựu chuyển đổi đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Lễ công bố Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và triển khai ứng dụng eTax Mobile. Ảnh: TTXVN

Lễ công bố Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và triển khai ứng dụng eTax Mobile. Ảnh: TTXVN

Hội tụ điều kiện để đứng đầu

Với quyết tâm đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số một cách toàn diện, vào tháng 10/2021, tại Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 20, ASEAN đã thông qua Lộ trình Chuyển đổi số Bandar Begawan (BSBR).

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), việc thiết lập nền tảng cho hội nhập số khu vực thông qua tiến hành xây dựng Hiệp định khung ASEAN về Kinh tế số (DEFA) vào năm 2025 là một trong những mục tiêu chính của BSBR.

Báo cáo của e-Conomy SEA năm 2022 chỉ ra rằng, ASEAN đang là khu vực có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử và kinh tế số cao nhất hiện nay. Nhìn lại năm 2022, thị trường thương mại điện tử của ASEAN đạt 200 tỷ USD với tỉ lệ tăng trưởng kép đạt mức 21% và ước tính sẽ đạt 330 tỷ USD vào năm 2025.

Theo nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn BCG (Boston Consultant Group), với mức độ tăng trưởng như hiện nay, giá trị thị trường thương mại điện tử khu vực sẽ đạt mốc 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Con số này có thể lên tới 2 nghìn tỷ USD trong năm 2030 với việc thực thi DEFA trong giai đoạn tới. Dự kiến, DEFA sẽ hướng tới việc xây dựng một không gian, môi trường an toàn, lành mạnh cho kinh tế số phát triển, đồng thời thắt chặt vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân...

Giới chuyên gia cho rằng, DEFA được kỳ vọng sẽ là cơ sở để thiết lập nền tảng vững chắc, toàn diện đưa ASEAN trở thành khu vực có nền kinh tế số phát triển hàng đầu trong thời gian tới. Đặc biệt, những triển vọng đang cho thấy, nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN có thể lọt top 5 thế giới vào năm 2025.

Ước tính hiện nay, các nước ASEAN có hơn 400 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số, trong khi dân số ngày càng nắm bắt tốt hơn về công nghệ và ưa chuộng lĩnh vực thương mại điện tử. Điều này đã tạo ra những con số doanh thu tăng trưởng đáng ngưỡng mộ. Mặt khác, tại các nước ASEAN cũng có tới hơn 30 nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số được định giá trên 1 tỷ USD và con số này được dự báo tiếp tục tăng mạnh.

Từ tình hình thực tiễn, giới quan sát cho rằng, ASEAN đang hội tụ những điều kiện tốt để trở thành một trong những nền kinh tế kỹ thuật số khu vực phát triển nhanh nhất thế giới.

Cơ hội lớn, thách thức lớn

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhận định, trên hành trình đầy chông gai hiện thực hóa các mục tiêu này, nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn, thậm chí có nguy cơ làm giảm hiệu quả kinh tế của khu vực.

Hệ thống điều hành ngành Y tế tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN

Hệ thống điều hành ngành Y tế tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN

Dễ thấy nhất là khoảng cách ứng dụng kỹ thuật số của ASEAN vẫn tồn tại, bởi các quốc gia ngày càng cách xa nhau về năng lực quản lý dữ liệu. Đây được xem là một thách thức lớn có nguy cơ làm suy yếu sự năng động của nền kinh tế ASEAN.

Thực tế hiện nay, nền kinh tế kỹ thuật số của các quốc gia thành viên ASEAN khá khác nhau. Điển hình như Singapore và Malaysia đạt điểm cao trên cả 6 chỉ số, trong khi Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Brunei kém ở 1 hoặc nhiều chỉ số. Ngoài ra, Campuchia, Lào, Myanmar còn đạt điểm dưới trung bình trên tất cả các chỉ số và được xem là nền kinh tế kỹ thuật số kém phát triển nhất. Từ đó có thể thấy rằng, nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN hiện nay vẫn tồn tại những hạn chế về đầu tư trong nội khối.

Về vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng, đầu tư nội khối có thể tiếp tục giảm nếu ASEAN không chuyển mình, tạo ra tính cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực kỹ thuật số. Các hiệp định thương mại siêu khu vực giúp giảm các rào cản đầu tư nước ngoài, kéo theo đó là các doanh nghiệp ASEAN có ít động lực hơn khi đầu tư vào các thị trường có nền kinh tế kỹ thuật số chưa trưởng thành, bởi có những lựa chọn thay thế tốt hơn ở ngoài khu vực.

Vì vậy, những hành động hỗ trợ các quốc gia thành viên kém phát triển mà ASEAN đã và đang thực hiện thời gian qua có ý nghĩa to lớn và bao trùm, điển hình như Sáng kiến Hội nhập ASEAN. Thời gian tới, sáng kiến này, cũng như các hoạt động hỗ trợ tương tự cần được mở rộng về phạm vi để tăng cường các lĩnh vực ít tập trung nhất liên quan đến số hóa hệ thống thanh toán và nâng cấp năng lực xử lý.

Theo giới chuyên gia, việc cần làm trước mắt là ASEAN phải nhanh chóng thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa các nền kinh tế thành viên ASEAN nhằm cải thiện môi trường đầu tư nội khối vững chắc hơn. Cùng với đó là phải phân tích các phương thức thay thế để hài hòa hóa các quy định và các biện pháp nhằm đảm bảo sự hài hòa hóa sẽ không quá tốn kém.

Ngoài ra, ASEAN không thể cho phép sự phân chia kỹ thuật số cũng như các chính sách quy định dữ liệu khác nhau gây nguy hiểm cho mục tiêu tạo ra một nền kinh tế kỹ thuật số tích hợp. Đặc biệt, ASEAN cần phải kiên định trong việc đảm bảo tính năng động của tăng trưởng để duy trì vai trò trung tâm và sự phù hợp trong một thế giới hiện hữu nhiều biến động khó lường.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vi-muc-tieu-kinh-te-so-asean-lot-top-dau-the-gioi-post460886.html