Vì mục tiêu đô thị xanh, thông minh, bền vững

Những năm gần đây, Hà Nội đã tập trung đầu tư cải tạo, xây mới nhiều vườn hoa và khu vui chơi công cộng. Tuy nhiên, bên cạnh những dự án được triển khai nhanh chóng, sớm đưa vào phục vụ nhân dân thì vẫn còn một số dự án vườn hoa, công viên thi công dây dưa kéo dài nhiều năm hoặc không được duy tu thường xuyên, xuống cấp nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Đây đều là những tồn tại cần giải quyết để sớm hoàn thành mục tiêu phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

Từ một chủ trương đúng

Công trình vườn hoa Lê Trực được khởi công ngày 10/5/2023 và đã hoàn thành vào ngày 25/7. Từ sau khi được quan tâm đầu tư, sửa chữa, khu vực này đã trở nên sạch hơn, khang trang hơn, có nhiều không gian cho các hoạt động vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, tập thể dục thể thao… thu hút nhiều người dân khu vực. Theo quan sát, vườn hoa đã được xây dựng sân vui chơi, sân khấu ngoài trời, bổ sung cây xanh, hệ thống chiếu sáng thông minh, có thiết kế hiện đại, hài hòa với khu vực, tạo điểm nhấn trong không gian đô thị của phường Điện Biên.

Hệ thống vườn hoa được cải tạo góp phần tạo không gian xanh, nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân.

Theo ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, vườn hoa Lê Trực được hình thành sẽ góp phần xây dựng cảnh quan môi trường đô thị văn minh “Sáng - xanh - sạch - đẹp”. Đây cũng sẽ là một điểm nhấn trong không gian đô thị của phường Điện Biên, nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài quận.

Để đảm bảo cho công trình được bền đẹp, UBND phường Điện Biên đã xây dựng và niêm yết công khai nội quy vườn hoa trong công viên với 6 điều, trong đó yêu cầu các đơn vị, cá nhân, tổ chức liên quan nghiêm túc chấp hành, nếu vị phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Được biết, đến nay, quận Ba Đình đã tiến hành cải tạo 2/5 vườn hoa xung quanh hồ Trúc Bạch; xây mới 6 vườn hoa tại khu vực phường Vĩnh Phúc, phường Kim Mã; chuẩn bị tiến hành cải tạo các vườn hoa: Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Vạn Xuân, Công viên Indira Gandhi… và xây mới thêm nhiều vườn hoa mở theo Quy hoạch phân khu H1-2.

Tại quận Hoàn Kiếm, giai đoạn 2021 - 2025 có 10 công viên, vườn hoa cần cải tạo, nâng cấp. Trong đó, vào đầu năm 2023, quận đã hoàn thành cải tạo Vườn hoa Diên Hồng, trở thành địa điểm hấp dẫn du khách. Quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành phương án thiết kế, chuẩn bị khởi công cải tạo Vườn hoa Tao Đàn, nằm trên địa bàn phường Phan Chu Trinh, tiếp giáp các phố Lý Thường Kiệt, Phan Huy Chú và Lê Thánh Tông, kết nối không gian kiến trúc cảnh quan khu vực với Trường đại học Dược, Đại học Tổng hợp. Dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Các vườn hoa Bác Cổ, Cửa Nam đang trong quá trình chuẩn bị khởi công, các vườn hoa còn lại tiếp tục nghiên cứu phương án cải tạo, nâng cấp trong năm 2024, 2025.

Còn ở phía bên kia bờ sông Hồng, từ đầu năm 2023 đến nay quận Long Biên đã triển khai 5 dự án cải tạo, nâng cấp vườn hoa, trong đó dự án Vườn hoa Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm và dự án Vườn hoa Gia Quất, phường Ngọc Thụy vinh dự được gắn biển công trình chào mừng 20 năm thành lập quận.

Cùng trên địa bàn quận Long Biên, dự án xây dựng công viên, hồ tại ô quy hoạch A.3/CXKO, phường Ngọc Thụy và phường Thượng Thanh có tổng mức đầu tư hơn 210 tỷ đồng cũng đang được thi công khẩn trương, phấn đấu đến năm 2024 hoàn thành. Mục tiêu chính của dự án này là điều hòa thoát nước cho khu vực, với việc xây dựng hồ điều hòa diện tích hơn 33.500 m2, kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thoát nước; đồng thời xây dựng công viên cây xanh, vườn hoa và quảng trường, sân tổ chức sự kiện phục vụ các hoạt động giao lưu văn hóa, sinh hoạt cộng đồng...

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách

Từ năm 2014, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với diện tích cây xanh hơn 13.520 ha, tổng kinh phí hơn 270.400 tỷ đồng. Còn trong giai đoạn hiện tại, thực hiện Chương trình 03 của Thành ủy, Hà Nội đã giao các sở, UBND các quận, huyện tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư sớm hoàn thành một số công viên đã và đang triển khai xây dựng mới phục vụ nhân dân như: Công viên Chu Văn An, huyện Thanh Trì; Công viên CV1, quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm; Công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, quận Cầu Giấy; Công viên hồ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm; Công viên Hà Đông, công viên Thiên Văn học, quận Hà Đông; Công viên Hữu Nghị, quận Bắc Từ Liêm…

Ngoài ra đối với 5 công viên thuộc phân cấp Thành phố trong khu vực nội đô, UBND Thành phố đã có Quyết định số 874/QĐ-UBND ngày 10/2/2023 giao Sở Xây dựng chủ trì lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 3 dự án cải tạo, nâng cấp Công viên Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất bằng nguồn vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, nếu như 3 dự án cải tạo công viên của Thành phố đang chờ trình HĐND thẩm định vào kỳ họp tháng 9/2023 tới đây thì nhiều dự án đã được khởi công xây dựng vẫn còn chậm trễ. Cụ thể, dự án Công viên hồ điều hòa CV1 gói thầu thi công xây dựng đạt hơn 92% khối lượng và còn hơn 1.000 m2 chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Dự án Công viên Chu Văn An mới hoàn thành 80% khối lượng xây dựng hạ tầng kỹ thuật và còn 5% diện tích đất vướng mắc giải phóng mặt bằng. Dự án Công viên hồ Phùng Khoang hiện đã đạt khoảng 80% hạng mục hồ điều hòa, đường dạo, rào chắn, trồng cây xanh..., dự kiến hoàn thành vào quý IV năm 2024.

Thực tế cho thấy, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh xây dựng các công viên, vườn hoa, nhưng vì nhiều lý do, những sân chơi trên địa bàn Thành phố vẫn chưa thỏa mãn được nhu cầu người dân và du khách, và chưa xây dựng được một khu vui chơi, giải trí ngang tầm khu vực. Do đó, thời điểm này Thành phố cần rà soát quyết liệt diện tích dành cho việc xây dựng công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, cùng đó hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm đẩy nhanh việc hoàn thiện các công viên lớn đang chậm tiến độ.

Theo KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, phát triển không gian xanh trong đó có công viên, vườn hoa là vấn đề cấp bách của thành phố Hà Nội. Lấy ví dụ về chỉ tiêu không gian xanh của nhiều đô thị trên thế giới là từ 9 - 10 m2/người thì chỉ tiêu này ở nhiều quận, huyện của thành phố Hà Nội rất thấp, chưa được 2 m2/người. Do đó theo ông Đào Ngọc Nghiêm xã hội hóa là xu hướng tất yếu trong công tác phát triển công viên, vườn hoa, cây xanh đô thị tại Hà Nội. Tuy nhiên, để có thể đẩy mạnh chủ trương này, Thành phố cần tính toán có thêm các ưu đãi ngoài việc doanh nghiệp được khai thác, kinh doanh phần công trình xây dựng, với mật độ xây dựng 5% như hiện nay.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vi-muc-tieu-do-thi-xanh-thong-minh-ben-vung-159594.html