Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có thuốc gì để diệt?

Vùng đất nhiễm bẩn, nước đọng bùn lầy… là nơi vi khuẩn gây bệnh Whitmore tồn tại. Khi mắc bệnh này việc điều trị cực khó, làm sao đê ứng xử kịp thời với loại vi khuẩn 'khó ưa' này.

Bệnh Whitmore là gì và nguy hiểm thế nào ?

Bệnh Whitmore là bệnh lý nghiêm trọng, chủ yếu xuất hiện ở các khu vực nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Loại vi khuẩn gây bệnh Whitmore được tìm thấy ở nguồn nước bẩn và trong đất có tên là vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.

Vi khuẩn lây lan qua người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn chứa mầm bệnh, đặc biệt là khi da bị trầy xước.

Người lội bùn đất cần thận trọng với "vi khuẩn ăn thịt người" gây bệnh Whitmore.

Người lội bùn đất cần thận trọng với "vi khuẩn ăn thịt người" gây bệnh Whitmore.

Điều đáng nói là, vi khuẩn gây bệnh kháng với rất nhiều kháng sinh thường gặp, điều này làm cho bệnh khó điều trị. Nếu không được điều trị, có đến 9 trong 10 người mắc bệnh sẽ tử vong.

Việc chẩn đoán nhanh bệnh khá khó khăn. Các triệu chứng bệnh tương tự nhiều bệnh thường gặp khác như viêm phổi cộng đồng, cúm hoặc lao. Do đây là bệnh hiếm gặp, nên bác sĩ có thể chưa có nhiều kinh nghiệm trong điều trị bệnh.

Thuốc nào trị bệnh Whitmore?

Sau khi được chẩn đoán, người mắc bệnh Whitmore cần điều trị nội trú, dùng các kháng sinh thích hợp. Loại nhiễm khuẩn hoặc phác đồ điều trị được lựa chọn có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị lâu dài. Ngay cả khi đã phục hồi và xuất viện, bệnh nhân vẫn cần sử dụng kháng sinh trong vài tháng.

Việc kéo dài thời gian điều trị nhằm đảm bảo kháng sinh sẽ tiêu diệt hết toàn bộ vi khuẩn gây bệnh và phòng bệnh tái phát. Thông thường phác đồ điều trị thường bằng kháng sinh đường tĩnh mạch trong 10 - 14 ngày, sau đó điều trị duy trì bằng kháng sinh đường uống trong 3-6 tháng.

Chẩn đoán bệnh Whitmore cần phải dựa trên các xét nghiệm phức tạp.

Chẩn đoán bệnh Whitmore cần phải dựa trên các xét nghiệm phức tạp.

Mặc dù vi khuẩn Burkholderia pseudomallei đã kháng với nhiều loại kháng sinh, nhưng vẫn có một vài kháng sinh hiểu quả. Khi bệnh nhân được điều trị đúng thuốc, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao, khoảng 4 trong 10 người mắc bệnh. Nếu được điều trị tích cực với trang thiết bị y tế hiện đại, tỷ lệ tử vong sẽ có thể được giảm xuống thấp hơn, khoảng 2 trong 10 người mắc bệnh.

Theo khuyến cáo điều trị của Bộ Y tế, phác đồ điều trị bao gồm các loại kháng sinh có hiệu quả đối với vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Tất cả các trường hợp nhiễm B. pseudomalei từ nhẹ đến nặng đều cần được điều trị ban đầu bằng kháng sinh tĩnh mạch ít nhất 2 tuần, có thể tới 4-8 tuần với những trường hợp bệnh nặng, sốc nhiễm trùng. Chỉnh liều ở những bệnh nhân suy giảm chức năng thận. Sau đó là điều trị duy trì kháng sinh đường uống trong tối thiểu 3 tháng.

B. pseudomallei có tính kháng tự nhiên với các kháng sinh penicillin, ampicillin, cephalosporin (thế hệ thứ nhất và thứ hai), gentamicin, tobramycin và streptomycin.

Với những trường hợp bệnh nhân cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực nên lựa chọn kháng sinh nhóm carbapenem.

Ở những bệnh nhân nặng (nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não và áp xe): có thể phối hợp trimethoprim/sulfamethoxazole dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch.

Sau giai đoạn điều trị tích cực, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn duy trì. Sử dụng kháng sinh đường uống, lựa chọn một trong các thuốc: trimethoprim/sulfamethoxazol, doxycillin, amoxicillin/clavulanic...

Thời gian duy trì kháng sinh phải kéo dài từ 3 - 6 tháng tùy theo vị trí ổ nhiễm trùng.

Ngoài dùng kháng sinh, bệnh nhân mắc bệnh này cần điều trị hỗ trợ hồi sức tích cực. Các phương pháp điều trị hồi sức và liệu pháp chăm sóc tích cực tùy theo tình trạng của bệnh nhân.

Sau khi được ra viện, bệnh nhân cần được theo dõi tại nhà các triệu chứng bất thường, tái khám định kỳ để chống tái phát.

Cách nào phòng bệnh Whitmore?

Tại các vùng có bệnh nhân (hoặc có động vật nhiễm bệnh), việc tiếp xúc với đất hoặc nguồn nước mang mầm bệnh tăng nguy cơ mắc Whitmore. Tuy nhiên có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, bằng các biện pháp:

Người lao động trực tiếp với bùn đất cần đeo găng tay bảo hộ để tránh bệnh Whitmore.

Người lao động trực tiếp với bùn đất cần đeo găng tay bảo hộ để tránh bệnh Whitmore.

Người có vết thương hở, bệnh nhân đái tháo đường hoặc bệnh thận mạn có nguy cơ mắc Whitmore cao hơn. Nhóm bệnh nhân này cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước đọng.

Mang ủng bảo hộ khi làm ruộng có thể giúp phòng nhiễm trùng vùng bàn chân hoặc vùng chân dưới.

Sử dụng dụng cụ bảo hộ (khẩu trang, gang tay, áo choàng) để phòng lây nhiễm.

[Video] Bác sĩ cảnh báo bệnh Whitmore mùa mưa bão

SKĐS - Liên tục trong thời gian qua có sự gia tăng các ca bệnh Whitmore. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, gây tử vong nhanh, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai đã đưa ra những khuyến cáo phòng bệnh cần thiết cho người dân trong mùa mưa bão này.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//vi-khuan-gay-benh-whitmore-co-thuoc-gi-de-diet-16921080217445307.htm