Vì họ đã chọn nghề y

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: PV

Thời gian qua, cán bộ, nhân viên y tế trong toàn tỉnh đã hết lòng vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là đã làm việc quên mình, thầm lặng hy sinh trong cuộc chiến chống dịch. Xã hội ghi nhận sự đóng góp, hy sinh của các “chiến sĩ áo trắng”.

Niềm vui của người thầy thuốc

Một ngày giữa tháng 9/2021, Bệnh viện Dã chiến Đông Hòa tiếp nhận một bệnh nhân COVID-19 đang mang thai 36 tuần. Chị từ Bình Dương về Phú Yên theo kế hoạch đón người dân trở về địa phương, được phát hiện mắc COVID-19. Bệnh diễn tiến nhanh trong vòng một tuần, thai phụ bị viêm phổi nặng, khó thở và đau bụng nên được chuyển đến khu cách ly y tế điều trị COVID-19 (khu dương tính, tầng 3 trong mô hình tháp điều trị 3 tầng) Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.

Hôm sau, nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu suy thai, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên lập tức hội chẩn với đồng nghiệp ở Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên. Ca mổ lấy thai cấp cứu được hai bệnh viện tiến hành ngay trong buổi trưa hôm đó. Theo Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Châu Khắc Toàn, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, mục đích của ca mổ là cứu em bé, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho người mẹ đang bị viêm phổi nặng, vì thai nhi làm cho người mẹ càng khó thở hơn.

Khi thai phụ 33 tuổi được đưa lên bàn mổ trong phòng mổ riêng biệt của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, chồng bệnh nhân đang ở TP Hồ Chí Minh, cha thì ở Đồng Xuân và đã rất cao tuổi. Nhân viên y tế đã gọi điện, giải thích cho chồng bệnh nhân qua điện thoại trước khi tiến hành phẫu thuật.

Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên điều ê kíp phẫu thuật - gây mê, bác sĩ nhi sơ sinh và nữ hộ sinh đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, phối hợp thực hiện ca mổ. BSCKI Đặng Xuân Sơn, phẫu thuật viên chính, cho biết do thai phụ bị viêm phổi nặng, khó thở nên việc theo dõi và thực hiện các thao tác mổ lấy thai phức tạp hơn bình thường. Ca phẫu thuật diễn ra trong một tiếng đồng hồ; em bé nặng 3,4kg, được đưa đến Khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên để chăm sóc, theo dõi; sản phụ tiếp tục được điều trị tại khu dương tính, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên khoảng 3 tuần cho đến khi bình phục, xuất viện “mẹ tròn con vuông” trong sự hân hoan của các “chiến sĩ áo trắng”.

Niềm vui lớn nhất của người thầy thuốc sau những cuộc chạy đua với thời gian chính là sức khỏe, là sự bình phục của bệnh nhân. Và mỗi khi đưa được một bệnh nhân trên lằn ranh sinh tử trở về, đó là hạnh phúc. Hôm bệnh nhân N.T.G (SN 1963, ở phường 2, TP Tuy Hòa) - ca COVID-19 nặng đầu tiên ở Phú Yên và bệnh nhân P.T.M.H (SN 1978, ở phường 5, TP Tuy Hòa) xuất viện, các y bác sĩ làm việc tại khu cách ly y tế điều trị COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cười rạng rỡ. Hai bệnh nhân này nhập viện với tình trạng viêm phổi nặng; bệnh diễn tiến nguy kịch, họ phải thở máy xâm lấn và lọc máu liên tục trong nhiều ngày, có những lúc tưởng như không qua khỏi. Trước khi rời khu dương tính trở về với gia đình, chị H cảm kích: “Tôi cảm ơn các bác sĩ đã sinh ra tôi lần thứ hai”.

Các “chiến sĩ áo trắng” nói rằng, mỗi khi có một bệnh nhân phải thở máy xâm lấn thoát khỏi nguy kịch, bình phục, đó là động lực rất lớn giúp họ thêm “chân cứng đá mềm”.

Các thành viên Đội Phản ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 thuộc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa truy vết F1 trong khu vực phong tỏa (ảnh chụp vào tháng 7/2021). Ảnh: YÊN LAN

Trên tuyến đầu chống dịch

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm 2021 đến trước ngày 23/6, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 27 ca mắc COVID-19, là những người trở về từ vùng dịch, được cách ly y tế tập trung theo quy định; không có ca nhiễm trong cộng đồng. Ngày 23/6/2021, Phú Yên phát hiện ca COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng. Tính đến tối 24/2/2022, Phú Yên đã phát hiện 17.884 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 10.880 bệnh nhân khỏi bệnh, 87 người tử vong do/liên quan đến COVID-19.

Khi bệnh nhân COVID-19 đông, công việc điều trị tại các cơ sở y tế rất vất vả, áp lực, nhất là ở tầng 3. Và không chỉ riêng y bác sĩ điều trị, các “chiến sĩ áo trắng” trên những “mặt trận” khác cũng đã làm việc quên mình, dốc sức chống dịch, đặc biệt là giai đoạn đại dịch bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh trong khi tỉ lệ tiêm vắc xin còn thấp. Đội Phản ứng nhanh thuộc trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm việc không kể ngày đêm. Các tổ lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng miệt mài quên thời gian; lực lượng y tế tuyến xã, phường cũng không có ngày nghỉ…

Mặc trang phục phòng hộ làm việc liên tục, đặc biệt là dưới trời nắng, các “chiến sĩ áo trắng” bị mất nước, sốc nhiệt. Đã có người khuỵu xuống vỉa hè. Đã có những giọt nước mắt lặng lẽ chảy, nhưng không ai rời vị trí của mình. Vì họ đã chọn nghề y. Họ không thể thoái lui lúc đơn vị, quê hương, lúc người dân cần họ nhất!

Lực lượng y tế đã góp phần quan trọng để Phú Yên cơ bản ngăn chặn và kiểm soát được dịch COVID-19. Và cho đến nay, các chiến dịch tiêm vắc xin vẫn liên tục được triển khai, tăng tốc.

Một ca mổ lấy thai cấp cứu thai phụ mắc COVID-19 đang nguy kịch, do Bệnh viện Đa khoa Phú Yên phối hợp với Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên thực hiện. Ảnh: YÊN LAN

Xã hội ghi nhận sự đóng góp, hy sinh

Không chỉ dốc sức trên tuyến đầu, góp phần quan trọng cùng cả hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, đội ngũ thầy thuốc Phú Yên cũng đã khống chế thành công một số dịch bệnh khác, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết, sốt rét…, không để xảy ra dịch chồng dịch. Đáng chú ý, theo Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế tiếp tục được cải thiện. Năng lực mạng lưới y tế cơ sở được nâng lên do được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ y tế tuyến trên, và đã phát huy vai trò trong phòng, chống dịch bệnh: giám sát, điều tra dịch tễ người đi đến từ vùng dịch, chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại cộng đồng...

Đến thăm, chúc mừng Sở Y tế và các đơn vị y tế nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2022), đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn cán bộ, nhân viên y tế trong toàn tỉnh đã hết lòng vì sự nghiệp y tế tỉnh nhà, chăm lo cho sức khỏe của người dân, đặc biệt là đã làm việc quên mình, thầm lặng hy sinh trong cuộc chiến chống dịch. Nhiều cán bộ, nhân viên y tế làm việc đến 3-4 giờ sáng; nhiều người nhận nhiệm vụ ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm đến tính mạng. Lãnh đạo tỉnh ghi nhận, xã hội ghi nhận sự đóng góp, hy sinh của các “chiến sĩ áo trắng”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng gửi lời cảm ơn gia đình các cán bộ, nhân viên y tế đã hiểu và chia sẻ, để các thầy thuốc yên tâm chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói: “Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là công cuộc lâu dài. Tôi mong muốn từ cán bộ đến nhân viên y tế, từ lãnh đạo sở đến các y bác sĩ tiếp tục phát huy truyền thống và những thành quả của ngành Y tế trong thời gian qua, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng ngành Y tế tỉnh nhà ngày càng phát triển”.

Cảm ơn những đóng góp to lớn, sự hy sinh vượt qua gian khó của đội ngũ thầy thuốc ở các đơn vị trong suốt thời gian qua. Tin tưởng rằng với năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, y đức của người cán bộ y tế, nhân dân sẽ được thụ hưởng sự chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn.

Đồng chí Cao Thị Hòa An,

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/271325/vi-ho-da-chon-nghe-y.html