Vì biên giới bình yên

Nằm ở vị trí 'đầu gối Trường Sơn, vai kề biên giới', tiếp giáp Vương quốc Campuchia với chiều dài đường biên 258,939km, nên việc giữ gìn an ninh, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ vững chắc địa bàn để xây dựng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân là 2 nhiệm vụ song hành của quá trình xây dựng tỉnh Bình Phước trong 25 năm qua. Với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và các địa phương, cùng với sự vươn lên của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, đã tạo cho dải biên giới Bình Phước đang thay đổi từng ngày, để cửa ngõ miền Đông luôn bình yên và phát triển.

Cán bộ Đồn biên phòng Hoàng Diệu kiểm soát người dân qua lại trên đường tuần tra biên giới khu vực do đồn quản lý - Ảnh: M.L

Thách thức và cơ hội

Những ngày cuối năm, không khí ở khu vực Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư rất nhộn nhịp. Những chuyến hàng trao đổi qua lại giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia thông qua việc đổi đầu container, đổi lái xe. Các lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan, nhân viên y tế tại cửa khẩu thực hiện nhiệm vụ kép, vừa bảo đảm thông thương hàng hóa cho doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch Covid-19 và phòng, chống các loại tội phạm lợi dụng cuối năm để vi phạm pháp luật.

Nhìn biên giới rất yên bình là thế, nhưng theo cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, các đối tượng tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại luôn chực chờ sự sơ hở của các lực lượng chức năng để hoạt động. “Đồn luôn mở đợt cao điểm đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm tội phạm qua biên giới, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, vũ khí, trang bị, không để hình thành điểm nóng, phức tạp. Những ngày giáp tết Nguyên đán thì đơn vị càng nỗ lực hơn” - Thượng tá Bùi Mạnh Lịch, Chính trị viên đồn cho biết.

Cán bộ bộ đội biên phòng và Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hoa Lư kiểm soát người, phương tiện từ Vương quốc Campuchia vào địa bàn tỉnh - Ảnh: Phạm Tăng

Không chỉ có Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, 15 đồn biên phòng khác cũng đang rất nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao: Vừa phòng, chống dịch vừa bảo vệ vững chắc biên cương. Tính từ năm 2016 đến nay, qua tuần tra, kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa qua lại trên khu vực biên giới, các đơn vị đã phát hiện, xử lý 1.279 vụ/1.148 đối tượng, qua đó nộp ngân sách hơn 5 tỷ đồng.

Trên tuyến biên giới Bình Phước có 4 cửa khẩu và 1 lối mở. Để tạo cú hích cho phát triển kinh tế khu vực biên giới, thời gian qua, tỉnh đã quy hoạch, triển khai nhiều dự án trọng điểm như: Dự án điện năng lượng mặt trời Lộc Ninh; khu di tích kết hợp du lịch sinh thái tại Căn cứ Tà Thiết. Cùng với đó, Cụm công trình ghi dấu hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Bình Phước đang hiện hữu ở 2 xã Lộc Tấn và Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, là cơ hội để Bình Phước phát triển kinh tế - xã hội, du lịch tại vùng biên.

Ngay tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư cũng có Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với diện tích hơn 28.300 ha, trong tương lai không xa, sẽ trở thành trung tâm giao lưu, phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và công nghiệp rất lớn của tỉnh với nước bạn Campuchia.

Những quyết sách đúng đắn

Sau 6 năm tái lập tỉnh Bình Phước, năm 2003, huyện Lộc Ninh tách thành 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp. 6 năm sau, huyện Phước Long tách ra thành thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập. Từ đó đến nay, 3 huyện biên giới của Bình Phước là Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập với tổng 15 xã biên giới được thêm nhiều nguồn lực đầu tư nên thay đổi từng ngày.

Thiếu tá Ngô Minh Đức, Đội phó Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng Bù Đốp kể: Những năm 2000, do hệ lụy của tình trạng di dân tự do nên cuộc sống người dân khó khăn, dẫn đến nạn thất học, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số, khiến tôi và đồng đội không khỏi trăn trở. Tôi và đồng đội đã 15 năm làm “người đưa đò” cho những học sinh đặc biệt này. Đặc biệt lấy vợ, lấy chồng, thậm chí có con, có cháu, người dân mới đi học chữ. Đến nay nhìn lại, nhiều người từ mù chữ đã không ngừng nỗ lực trở nên thành công, đặc biệt là tình trạng vi phạm pháp luật, nghèo khó giảm hẳn. Có người đã trở thành cán bộ thôn như ông Điểu Cần, Trưởng thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp. Không chỉ là cán bộ nhiệt tình, ông Điểu Cần còn rất thành thạo vi tính, trực tiếp dạy cho người dân trong thôn cũng như hỗ trợ người dân thực hiện các hồ sơ, giấy tờ. Ông Điểu Cần cho biết: “Vui mừng nhất là người dân sau khi biết chữ đã viết đơn xin việc làm ở các công ty, nhà máy; biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Hoàng Diệu phối hợp tuần tra trên tuyến biên giới

Để mỗi người dân nơi biên cương là một người lính biên phòng, là “cột mốc sống”, thời gian qua, Bộ đội biên phòng Bình Phước đã làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới và giữ gìn an ninh trật tự thôn, ấp; ký kết cụm dân cư 2 bên biên giới; đồng thời, cử hơn 300 đảng viên phụ trách, giúp đỡ hơn 1.400 hộ dân phát triển kinh tế, kết hợp tuyên truyền, giúp nhân dân hiểu rõ về Luật Biên giới quốc gia, yên tâm giữ đất, bám biên.

Biến ước mơ thành hiện thực

Theo đường tuần tra biên giới từ Lộc Ninh qua Bù Đốp về huyện Bù Gia Mập, bên cạnh những cánh rừng già là khu - cụm dân cư, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồi trọc ngày nào được phủ xanh bởi các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, hứa hẹn về sự đủ đầy của người dân trong tương lai không xa. Cạnh đường tuần tra, những cụm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới đang dần “mọc” lên.

Nhờ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, hoặc vào làm việc tại các công ty cao su ở khu vực biên giới mà người dân trong thôn đã từng bước biến giấc mơ thoát nghèo, làm giàu chính đáng trở thành hiện thực.

Bà TRẦN THỊ LAN,
Trưởng thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập

Con đường dẫn vào Dự án định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tiểu khu 42 thuộc thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập được xây dựng khang trang, cùng với các chính sách nhân văn khác, đã níu chân 160 hộ dân ở lại khu vực biên giới này. Trưởng thôn Trần Thị Lan cho biết: “Nếu ngày trước tình hình mất an ninh trật tự tại thôn là 10 phần thì nay giảm chỉ còn 1 hoặc 2. Người dân trong thôn cũng không có suy nghĩ vào vườn quốc gia chặt cây hay săn bắt thú rừng, mà tu chí làm ăn để phát triển kinh tế gia đình”.

Ở ngay xã Đắk Ơ, trước đây không ai nghĩ sẽ có nông dân làm nên thương hiệu hạt tiêu mang tầm quốc tế với nhãn hiệu Tiêu sạch Cô Hai như hiện nay, bởi cùng với quy trình chăm sóc cây hồ tiêu theo tiêu chuẩn mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), là hệ thống máy móc được đầu tư hiện đại. Chị Võ Thị Hiền, chủ cơ sở cho biết, thời gian qua, sản phẩm hạt tiêu của chị đã xuất khẩu sang Hồng Kông và một số nước trên thế giới. “Tôi quan niệm cứ cố gắng rồi sẽ thành công” - chị Hiền chia sẻ.

Sự yên bình và no ấm suốt dải biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc địa bàn Bình Phước đã minh chứng cho những chủ trương, chính sách đúng đắn, cùng với nghị lực vươn lên của người dân biên giới, đang mở ra niềm tin và hy vọng về một miền biên cương phát triển trong tương lai gần.

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nên đời sống của cán bộ, chiến sĩ từng bước được cải thiện, anh em đều an tâm tư tưởng công tác, xác định tốt chức trách, nhiệm vụ. Do vậy, những khó khăn, thách thức không tác động, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới của Bộ đội biên phòng tỉnh.

Đại tá NGUYỄN VĂN PHƯƠNG,
Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh

Lệ Quyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/129884/vi-bien-gioi-binh-yen