Vị bác sĩ nào đặt lại tên cho các phố lớn ở Hà Nội?

Các con phố ở Hà Nội được đặt tên quy củ, có mối liên hệ lịch sử với nhau nhờ công của một vị bác sĩ tài năng.

1. Vị bác sĩ nào từng giữ chức Đốc lý Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội?

Trần Văn Lai
Trần Duy Hưng
Hồ Đắc Di

Chính xác

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, vào tháng 4/1945, Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim thành lập. Bác sĩ Trần Văn Lai (1894 - 1975) được mời làm Đốc lý Hà Nội, chức vụ tương đương với Thị trưởng. Bác sĩ Lai nhận nhiệm kỳ từ 20/7/1945 và kết thúc khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ.

Sau 1954, bác sĩ Lai được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh một thời gian rồi chuyển sang công tác Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội. Ông cũng từng là đại biểu quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội.

2. Bác sĩ Trần Văn Lai từng làm tại cơ sở y tế nào?

Bệnh viện Xanh Pôn
Bệnh viện Việt Đức
Bệnh viện Bạch Mai

Chính xác

Ông Trần Văn Lai sinh trưởng trong một gia đình làm nghề khảm trai có tiếng nhưng lại theo học ngành y và trở thành bác sĩ. Ông là một bác sĩ tài năng, có thời gian làm tại nhà thương Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức). Ngôi nhà của ông ở ngõ Tức Mặc (từ đường Trần Hưng Đạo rẽ vào) trong nhiều năm liền là nơi người dân nghèo Hà Nội đến khám bệnh và xin thuốc miễn phí.

3. Trong thời gian làm Đốc lý Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai đã đưa ra những thay đổi gì?

Dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ hành chính
Đổi tên các đường phố ở Hà Nội
Cả hai thay đổi trên

Chính xác

Chỉ nắm chức Đốc lý Hà Nội trong một tháng nhưng bác sĩ Lai đã làm được nhiều việc quan trọng. Đầu tiên, ông cho ra sắc lệnh Dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ hành chính. Tất cả các văn bản của tòa thị chính đều là tiếng Việt thay cho tiếng Pháp như trước đây.

Thứ hai, ông thực hiện đổi một loạt tên phố Hà Nội. Các con phố gắn liền với các làng nghề được trả lại tên cũ bằng tiếng Việt. Chẳng hạn: Hàng Đường thay cho Rue de Sucre, Hàng Than (Charbon), Hàng Quạt (Éventails), Hàng Đậu (Graines), Hàng Chĩnh (Vases), Hàng Bông (Coton)...

Bác sĩ Lai là người say mê lịch sử dân tộc nên quyết định dùng tên các danh nhân đặt cho các phố. Nguyên tắc đặt tên của ông như sau: Những người có uy tín lớn được đặt tên cho các phố lớn; các tên phố có mối quan hệ với nhau được đặt gần nhau. Ví dụ: Khu trung tâm quanh Hồ Gươm là tên các vị vua Đinh, Lý, Lê. Xung quanh đường Trần Hưng Đạo là khu vực của các vị vua, danh tướng thời Trần (Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Dã Tượng).

4. Bác sĩ Trần Văn Lai từng được Bác Hồ tặng món quà gì?

Một cây đàn violin
Đài radio
Bình sứ in họa tiết xanh - trắng

Chính xác

Với uy tín, nỗ lực cá nhân và công lao với cách mạng, sau năm 1954, bác sĩ Trần Văn Lai là 1 trong 4 nhân sĩ Hà Nội được Bác Hồ tặng radio. Con trai ông cũng tiếp nối sự nghiệp y khoa của cha. Đó là Giáo sư Trần Mạnh Chu, chuyên gia đầu ngành về tiết niệu, một trong năm Phó tiến sĩ y khoa đầu tiên tu nghiệp ở Liên Xô (cũ). Con dâu của bác sĩ Lai là Tiến sĩ sử học Dương Lan Hải.

5. Con phố mang tên bác sĩ Trần Văn Lai thuộc quận nào của Hà Nội?

Hoàn Kiếm
Cầu Giấy
Nam Từ Liêm

Chính xác

Tháng 12/2011, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên phố Trần Văn Lai thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, có vị trí từ số 30 đường Phạm Hùng đến cổng khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, dài 830m, rộng 17,5m.

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-bac-si-nao-dat-lai-ten-cho-cac-pho-lon-o-ha-noi-2236846.html