Vết roi lằn trong tâm hồn con

Nếu anh đừng quá gia trưởng, đừng quá áp đặt thì con anh không phải gánh thêm một vết roi lằn đau đớn khi anh quy tội, chụp mũ cho nó.

Nếu anh đừng quá gia trưởng, đừng quá áp đặt thì con anh không phải gánh thêm một vết roi lằn đau đớn khi anh quy tội, chụp mũ cho nó.

Tuệ Lâm đi học về đến nhà, nó lí nhí chào bố mẹ rồi lỉnh ngay lên phòng. Chị Loan nhìn theo cái dáng hấp tấp của con gái rồi vừa nhanh tay đảo đũa trong chảo rau, vừa phàn nàn với chồng:

- Anh có để ý con Lâm dạo này khác không?

Anh Phong vẫn cắm mặt vào màn hình điện thoại, miệng lúng búng:

- Khác gì? Con gái lớn thì khắc ít nói thôi.

Chị Loan bực bội nói anh Phong không quan tâm gì đến gia đình, vợ con. Đi làm thì thôi, về đến nhà là cắm mặt vào máy tính, điện thoại. Anh Phong vứt ngay cái điện thoại xuống bàn rồi hỏi vợ:

- Thế cô làm chồng đi! Lo công to, việc lớn đi. Những việc nội trợ gia đình, chăm sóc con cái tôi làm cho. Đàn bà gì đâu mà tị nạnh với chồng từng tí một. Việc dạy dỗ con cái là của phụ nữ, trước nay đều là vậy mà. Có thế mà cô cũng không hiểu à?

Biết là chồng đã nổi cáu, chị Loan không nói gì nữa. Mọi cuộc nói chuyện của anh chị thường kết thúc bằng sự nóng giận của anh và nỗi ấm ức của chị. Bỗng, ngoài cổng có tiếng gọi, anh Phong vừa đứng lên thì chị Hải hàng xóm, có con gái học cùng lớp với Tuệ Lâm bước vào:

- Này, sao vợ chồng vẫn bình chân nhỉ? Chắc chưa biết chuyện gì phải không?

Nói rồi, không đợi ai đáp lời, chị Hải chìa vội cái màn hình điện thoại thông minh ra trước mặt anh Phong, lấy tay lướt lướt. Chị Loan thấy vậy, cũng tắt bếp, lại gần tò mò ghé mắt nhìn. Trên màn hình là đoạn video mấy đứa con gái trạc tuổi Tuệ Lâm đang xúm vào đánh hội đồng một bạn nữ cùng trang lứa. Anh Phong thản nhiên bảo:

- Giờ vào trang mạng xã hội nào chả có các thông tin, video bạo lực học đường. Bọn trẻ giờ hư như vậy đấy. Thầy cô, bố mẹ cứ lơ ra một tí là chúng đánh nhau ngay. Mà lạ, toàn bọn con gái…

Không đợi anh Phong nói hết lời, chị Hải kêu lên:

- Ôi giời, cô chú nhìn cho kĩ đi! Đứa bị đánh kia có phải con Tuệ Lâm nhà mình không? Con Hồng nhà tôi nó bảo, nó phải nhờ mấy anh chị lớp trên can thiệp mới giải thoát được cho con Lâm mà không ngờ chúng nó đã quay video và tung lên mạng như thế!

Lúc này, cả anh Phong lẫn chị Loan mới vội vàng tua đi, tua lại đoạn video. Chị Loan òa khóc khi nhận ra con mình. Chị chạy ào lên phòng con gái. Lúc này, Tuệ Lâm đang nằm cuộn mình trong chăn, người run lên bần bật. Hình như nó đang khóc. Chị Loan vừa khóc, vừa kéo nhẹ cái chăn ra:
- Tuệ Lâm, có mẹ đây rồi! Có chuyện gì vậy con?

Chỉ chờ có vậy, Tuệ Lâm vùng dậy, ôm chặt lấy mẹ, khóc òa lên nức nở, miệng lảm nhảm: “Mẹ ơi, cứu con!”. Chị Hải và anh Phong cũng chạy vội lên, mọi người cùng xúm lại vỗ về, hỏi han. Một lúc lâu sau, Tuệ Lâm mới có thể bình tĩnh và kể lại câu chuyện. Thì ra, Tuệ Lâm đã bị nhóm bạn nữ này bạo hành nhiều ngày nay, nhưng cô bé không dám nói với ai vì nhóm bạn đó dọa Tuệ Lâm, nếu báo cho gia đình, thầy cô biết thì sẽ đánh chết. Nghe con nói đến đấy, anh Phong bỗng quát lớn:

- Không có lửa làm sao có khói? Sao tự dưng chúng nó lại đánh mày? Mày làm gì chúng nó đúng không?

- Con không làm gì cả! – Tuệ Lâm lại khóc òa lên tức tưởi.

- Không làm gì? Con gái con đứa, đẹp mặt thật đấy! Cứ nghĩ con người ta hư, hóa ra con mình. Thật là mất mặt!

Nghe anh Phong nói vậy, chị Hải liền bảo:

- Ơ, cái chú này hay thật đấy! Con bị nạn không hỏi han xem cụ thể sự việc thế nào để giúp đỡ, tư vấn cho con lại đi chụp mũ, quy tội cho nó. Các ông bố, bà mẹ như thế, cứ bảo sao bọn trẻ có chuyện gì cũng không dám chia sẻ.

Chị Loan cũng nhẹ nhàng góp lời:

- Anh phải bình tĩnh lắng nghe con trình bày xem sự việc thế nào đã chứ ạ!

- Bình tĩnh cái gì? Đúng là con hư tại mẹ mà. Cứ chiều nó quá giờ mới hư hỏng như thế chứ! – Anh Phong vẫn cố chấp trách luôn cả vợ.
Chị Hải lắc đầu vẻ không hài lòng:

- Tôi đến chịu chú thật đấy! Con Hồng nhà tôi nó bảo, con Tuệ Lâm chẳng làm gì cả, nó không cho bọn kia chép bài trong giờ kiểm tra nên chúng nó trả thù.

Lúc này, anh Phong mới ngớ người ra, thì ra anh đã trách mắng nhầm con mình. Không hiểu sao anh lại có suy nghĩ rằng: Tại con anh gây thù, chuốc oán với bọn trẻ đó nên nó mới đánh cho. Anh vội xin lỗi con và hỏi han sự việc. Tuệ Lâm vừa rên khe khẽ vì đau đớn khi mẹ chườm đá vào những vết thương, vừa kể lại mọi chuyện. Càng nghe con kể, anh càng xót xa cho con, càng giận mấy đứa trẻ kia. Chúng không chịu học hành tử tế lại muốn có điểm cao nên đã bắt các bạn học giỏi trong lớp làm bài xong phải cho chúng quay cóp. Không được như ý thì chúng sẵn sàng đánh bạn, Tuệ Lâm không phải là trường hợp đầu tiên. Anh Phong cầm điện thoại lên và gọi báo cho nhà trường cùng các cơ quan chức năng, nhất định anh phải đòi lại công bằng cho con mình.

Sau đó, nhóm học sinh nữ đánh đập Tuệ Lâm, quay video tung lên mạng đã bị công an và nhà trường phạt cảnh cáo, đình chỉ học một năm. Tuy những đứa trẻ đó đã phải nhận những hình phạt bởi hành động côn đồ của mình nhưng anh Phong vẫn vô cùng ân hận. Nếu anh quan tâm đến con hơn thì con anh đã không bị bạo hành cả một thời gian dài mà không hay biết. Nếu anh không phó mặc việc quan tâm, dạy dỗ con cho vợ thì anh đã có thể làm bạn của con, là người để con có thể trò chuyện, tâm sự, chia sẻ mọi chuyện. Nếu anh đừng quá gia trưởng, đừng quá áp đặt thì con anh không phải gánh thêm một vết roi lằn đau đớn khi anh quy tội, chụp mũ cho nó.

TRẦN THÙY LINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/gia-dinh/vet-roi-lan-trong-tam-hon-con-243357