Vết nứt lớn ở Kenya có thể sẽ khiến châu Phi bị tách làm đôi như thế nào?

Sau một số hiện tượng khí tượng năm 2018, một vết nứt lớn đã xuất hiện ở vùng Thung lũng Tách giãn Lớn của Kenya. Đường sá bị nứt, người dân mất nhà cửa, và quan trọng nhất, manh mối về điều có thể xảy ra trong 5 đến 10 triệu năm tới lộ diện: Châu Phi sẽ bị tách làm đôi.

Vết nứt lần đầu tiên được chú ý vào ngày 18-3-2018, sau trận mưa lớn ở vùng Thung lũng Tách giãn lớn của Kenya. Trước đó, vết nứt được bao phủ bởi tro núi lửa nên không quan sát được.

Dấu hiệu hư hại nghiêm trọng được xác định trên đường Mai Mahiu-Narok, hạt Narok, Kenya. Theo truyền thông địa phương, vết nứt sâu 15 m và rộng hơn 20 m.

NTV Kenya đưa tin, vết nứt chia cắt con đường đã được lấp đầy bằng hỗn hợp đá và bê tông, nhưng tiếc là giải pháp này có thể chỉ là tạm thời.

Một số người dân cũng cho biết, sàn nhà họ bỗng nhiên nứt toác. Có gia đình chuẩn bị ăn tối thì mặt đất bắt đầu nứt ra và chia đôi ngôi nhà.

Hiện tượng này xảy ra sau nhiều tuần mưa lớn, lũ lụt và chấn động

Thung lũng Tách giãn Lớn của Kenya từ lâu đã được các nhà khoa học xác định là khu vực nơi các mảng kiến tạo địa chất tách ra hoặc di chuyển ra xa nhau.

Kiến tạo mảng là lý thuyết cho rằng lớp vỏ Trái đất được chia thành nhiều mảng khác nhau. Những mảng này sau đó di chuyển xung quanh lớp phủ (lớp đá nóng bên trong), bao quanh lõi Trái đất.

Khu vực này là một phần của Hệ thống Tách giãn Đông Phi, một rạn nứt lớn trải dài 6.400 km, rộng 48-64 km, kéo dài qua nhiều nước, xung quanh bao phủ bởi đá núi lửa

Nhà địa chất học David Adede cho biết, khe nứt trước đây đã được lấp đầy bằng tro núi lửa. Những cơn mưa lớn sau đó cuốn trôi tro bụi và làm lộ ra những vết nứt.

Trong cuộc phỏng vấn với Daily Nation, nhà địa chất này nói thêm rằng hoạt động kiến tạo và núi lửa không phải là điều gì mới ở Thung lũng Tách giãn Lớn.

Theo ông David Adede, vết nứt có thể không hoạt động về mặt kiến tạo trong thời gian gần đây, nhưng những chuyển động sâu trong vỏ Trái đất đã biến khu vực này thành một “vùng yếu” kéo dài lên trên bề mặt.

Việc dự báo những khu vực xuất hiện vết nứt gãy được cho là khó đoán bởi quanh Thung lũng Tách giãn Lớn có ít nhất 2 núi lửa hoạt động và không thể biết chính xác về những chuyển động của địa chất dưới tầng sâu

Nhà nghiên cứu Lucía Pérez-Díaz, từ Đại học London, dự đoán rằng vết nứt cuối cùng sẽ khiến châu Phi bị chia tách làm đôi.

Ông Pérez-Díaz nói rằng, quá trình phân chia thành 2 lục địa sẽ xảy ra trong hàng chục triệu năm tới.

Theo giả thuyết của Pérez-Díaz, vết nứt xuất hiện ở Kenya sẽ chia mảng châu Phi thành hai phần: mảng Somali ở phía Đông và mảng Nubia ở phía Tây.

Nhà nghiên cứu Pérez-Díaz cũng chỉ ra rằng, thạch quyển bị kéo giãn vì nó chịu tác dụng của lực ngang. Khi điều này xảy ra, nó ngày càng trở nên mỏng hơn cho đến khi vết nứt mở ra.

Bởi vậy, các vết nứt chỉ là giai đoạn đầu của quá trình phân chia lục địa. Nếu điều này xảy ra hoàn toàn, một đại dương mới sẽ được tạo ra.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vet-nut-lon-o-kenya-co-the-se-khien-chau-phi-bi-tach-lam-doi-nhu-the-nao-post552379.antd