Vẹn nguyên ký ức ngày giải phóng

Mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng quê hương Bình Thuận và giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, ông Nguyễn Văn Minh (thôn Xuân Phú, xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết) lại trào dâng cảm xúc trân trọng, tự hào về những ngày tháng hào hùng mà oanh liệt của mình cùng đồng đội năm xưa.

Vẹn nguyên ký ức ngày giải phóng

Mấy ngày nay thương binh Nguyễn Văn Minh lại nôn nao, chờ đến ngày được gặp mặt những đồng chí, đồng đội từng vào sinh ra tử. Tự hào được trực tiếp tham gia chiến đấu trong những ngày tháng 4 lịch sử, ông bồi hồi nhớ lại: Năm 1969 - 1970, gia đình tôi nhận giấy báo tử của 3 người anh trai, thời gian này kẻ thù cũng truy lùng gắt gao gia đình có con em tham gia cách mạng. Năm 1972, lúc đó 18 tuổi, tôi được cơ sở của ta đưa ra vùng cách mạng huấn luyện rồi bổ sung vào Đại đội 2/481 Thị đội Phan Thiết. Ông cùng đồng đội trải qua nhiều trận đánh ác liệt, nhiều đồng chí đã hy sinh, nhưng những chàng trai tuổi đôi mươi ấy vẫn kiên cường chiến đấu với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Dấu mốc ngày 10/3/1975, tin thị xã Buôn Ma Thuột giải phóng lan nhanh đến Phan Thiết làm cho ngụy quân hoang mang bao nhiêu, thì nhân dân phấn khởi bấy nhiêu. Trước diễn biến trên, nhận lệnh, Đại đội 1 và Đại đội 2/481 hăng hái lên đường cùng quân dân toàn tỉnh liên tục tiến công tiêu diệt địch.

Ông Nguyễn Văn Minh kể lại những ngày tháng đấu tranh oanh liệt của quân và dân Phan Thiết

Ông Minh còn nhớ ngày 31/3, trên 20 xe chở tàn quân và một số xe chở dân di tản từ hướng Bắc vào Phan Thiết, quân địch dùng vũ khí trấn lột, cướp tài sản của nhân dân trong nội thị, đốt phá chợ Phan Thiết. Hàng trăm sạp lớn nhỏ trong chợ từ đường Lý Thường Kiệt qua đường Gia Long (nay là đường Nguyễn Huệ) bị đốt cháy, đập phá. Sáng ngày 5/4, Bộ Chỉ huy Tiền phương B cùng Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận hạ quyết tâm tiến công đánh dứt điểm Chi khu Thiện Giáo, giải phóng các xã dọc quốc lộ 8 và quốc lộ 1A, áp sát thị xã, sau đó phối hợp với quân chủ lực giải phóng thị xã Phan Thiết và toàn tỉnh. Từ ngày 13 – 15/3, tàn quân các nơi lại ùn về Phan Thiết và các ngày sau đó dốc sức phản kích phối hợp trút bom đạn dồn dập vào khu vực Phú Long. Nhưng Tiểu đoàn 15 và Tiểu đoàn 840 Quân khu đánh trả quyết liệt giúp quân ta tiến công vào giải phóng Phan Thiết. Đến ngày 17/4, lực lượng Quân khu, tỉnh và thị xã Phan Thiết chiến đấu tích cực, giải phóng một vùng nông thôn rộng lớn, làm chủ liên tỉnh lộ 8 và quốc lộ 1A, dồn kẻ địch ở thị xã Phan Thiết vào thế bị cô lập hoàn toàn. 5 giờ sáng, ngày 19/4/1975, thị xã Phan Thiết hoàn toàn giải phóng.

“Niềm vui của ngày giải phóng thật khó diễn tả hết. Vừa lâng lâng niềm tự hào vừa vỡ òa hạnh phúc nhưng nước mắt lại thì chực trào. Rừng cờ giải phóng và Tổ quốc tung bay khắp phố phường, người dân vui như ngày hội, đón chào quân giải phóng”, ông Minh xúc động nói.

Để tiếp quản các cơ sở của địch, ngày 21/4/1975 tỉnh thành lập Ủy ban quân quản do thiếu tá Vũ Ngọc Đài - Chính trị viên Tỉnh đội làm Chủ tịch, Thiếu tá Từ Quang Tuyên làm Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban quân quản thị xã. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ông Minh cùng các đồng chí ở Thị đội Phan Thiết theo dõi nắm chắc các phần tử chống đối còn lẩn trốn, tập trung quản lý tù hàng binh trong các trại cải tạo và tổ chức nhiều đợt truy quét tàn quân ở khu vực bưng Cò Ke, Ba Hòn, kết hợp trấn áp bọn phản động tại chỗ. Sau nhiều đợt ra quân liên tục của ta, hoạt động chống phá của chúng lắng xuống. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn dần ổn định. Cuối năm 1975, sau 8 tháng hoạt động, Ủy ban quân quản thị xã chính thức kết thúc nhiệm vụ để chuyển sang Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời.

Do điều kiện sức khỏe, năm 1983 ông Nguyễn Văn Minh phục viên về quê hương với chế độ thương binh 4/4. Ông tiếp tục giữ gìn phẩm chất truyền thống tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tham gia lao động sản xuất. Ông cũng chưa giây phút nào quên những đồng đội đã ngã xuống và vẫn thường kể cho con cháu nghe quá khứ hào hùng của thế hệ ông cha. Từ đó giáo dục thế hệ sau ra sức học tập, phát huy truyền thống của dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

“Từ một thị xã nhỏ bé, tôi vui mừng khi thấy Phan Thiết đang đổi thay từng ngày, trở thành đô thị loại 2, với cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đặc biệt khẳng định thương hiệu “du lịch biển” hấp dẫn của quốc gia, là lựa chọn hàng đầu của du khách quốc tế. Về giáo dục, y tế, văn hóa… cũng được quan tâm đồng đều, làm cho đời sống tinh thần của người dân nâng lên. Hiện chính quyền thành phố đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân làm tốt công tác bảo vệ môi trường, kể cả môi trường xã hội và môi trường tự nhiên để tiếp tục xây dựng Phan Thiết ngày càng giàu mạnh”, ông Trịnh Quốc Bình – cựu chiến binh phường Phú Thủy chia sẻ.

Thùy Linh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/ven-nguyen-ky-uc-ngay-giai-phong-136775.html