Vén màn những thương vụ M&A đình đám thị trường

Sự cẩn trọng trong các khâu đánh giá năng lực tài chính, khả năng vận hành và niềm tin vào đối tác trong các thương vụ M&A rất quan trọng nhằm hạn chế các rủi ro phát sinh trong quá trình hợp tác sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ thương vụ.

Sức hút của các thương vụ M&A tại Việt Nam

Theo các tổ chức quốc tế, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 cũng như trong trung hạn được đánh giá tích cực. Tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức đối với tăng trưởng chung của nền kinh tế. Dù bức tranh tăng trưởng chung có vẻ thận trọng nhưng thực tế hoạt động thương mại, mua bán sáp nhập dường như vẫn chưa bao giờ hết “nóng” tại thị trường Việt Nam.

Trong lĩnh vực tài chính, vừa qua, một trong những công ty tài chính tiêu dùng lớn thứ hai trên thị trường Home Credit đã công bố thương vụ M&A được định giá lên đến 900 triệu đô với đối tác SCB của Thái Lan. Tài chính cũng chính là lĩnh vực có số lượng các thương vụ M&A lớn nhất trên thị trường.

Ngoài ra, M&A trong lĩnh vực F&B, Bán lẻ cũng có sức hút không hề kém cạnh với các thương vụ như ThaiBev và Sabeco, THACO mua lại E-Mart của Hàn Quốc tại Việt Nam, đặc biệt hơn là ông lớn Masan với các hàng loạt thương vụ lớn diễn ra liên tục trong giai đoạn 2019 đến 2021 với VinComerce và VinEco, Vinacafe Biên Hòa và Phúc Long Heritage.

Giá trị của mỗi thương vụ M&A từ vài chục triệu đô lên đến hàng tỷ đô khi được công bố đều tạo ra những đợt sóng lớn trên thị trường và thu hút sự quan tâm không chỉ giới đầu tư mà còn là dư luận. Đó là câu chuyện của tảng băng nổi, trong khi đó phần chìm hậu M&A vẫn còn là câu chuyện rất dài.

Chuyện chưa kể hậu M&A

M&A mang đến cho các bên liên quan lợi ích không kể hết và thúc đẩy nền kinh tế phát triển đó là điểm sáng. Tuy nhiên đằng sau những thương vụ M&A là những điều khoản cam kết, ràng buộc chặt chẽ về nghĩa vụ của các bên liên quan. Đó cũng chính là một phần lý do câu chuyện hậu M&A lại xuất hiện những “rạn nứt” dẫn đến thất bại của toàn thương vụ.

Khảo sát của KPMG Việt Nam, trong vòng 1 thập kỷ qua, chỉ có 2/5 thương vụ M&A tại Việt Nam thành công - một tỉ lệ được cho là khá thấp. Nguyên nhân chính là do quá trình hậu M&A (sau bản cam kết hợp đồng) việc hợp tác với nhau như thế nào, mang lại giá trị gia tăng gì cho các bên liên quan hay quá trình chậm thanh toán không đạt được như kỳ vọng.

Nhìn ra thế giới đã từng có các thương vụ M&A tốn rất nhiều bút mực phân tích của giới đầu tư nhưng vẫn không có một cái kết đẹp bởi xuất hiện các vấn đề hậu M&A như SAIC và Ssangyong Motor hay TCL - Thomson sụp đổ bởi khác biệt về văn hóa điều hành giữa các bên liên quan.

Thị trường M&A Việt Nam đã chứng kiến sự đổ bể trong thương vụ hợp tác giữa Công ty Cổ phần Ba Huân và quỹ đầu tư VinaCapital khi không thống nhất được quan điểm quản lý và điều hành.

Cửa hàng Phúc Long Premium tại 87 Xuân Thủy, phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức

Ngoài ra thương vụ M&A có giá trị hàng trăm triệu đô khác đã tạo nên một tiếng vang lớn trong ngành F&B giữa Masan và Phúc Long vào năm 2021, được giới chuyên gia đánh giá là một thương vụ thành công. Cuối tháng 1/2024, Masan công bố thông tin tình hình kết quả kinh doanh quý IV/2023 và cả năm 2023, Phúc Long ghi nhận doanh thu 1.535 tỷ đồng năm 2023. Phúc Long còn là mảng có biên lợi nhuận gộp cao nhất của Masan, với gần 65%, cao hơn mức 27,8% bình quân của cả tập đoàn.

Phúc Long đạt mức tăng trưởng tốt năm 2023 và được kỳ vọng đạt 1.790 - 2.170 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 17% - 41% so với cùng kỳ trong năm 2024. Thế nhưng ít ai biết hậu M&A, thương vụ này vẫn chưa đi đến hồi kết bởi sự trì hoãn trong quá trình thương thảo thanh toán giai đoạn cuối vẫn chưa đạt được sự đồng thuận của các bên.

Tính từ cột mốc tháng 7/2023, theo đúng lộ trình phía Masan sẽ hoàn tất thanh toán 15% cổ phần còn lại của Phúc Long Heritage để hoàn tất thương vụ thế nhưng đã gần 1 năm, phía Masan vẫn chưa có bất kỳ công bố mới khiến thương vụ bị bỏ ngỏ.

Ông Lâm Bội Minh, Nhà sáng lập Phuc Long Coffee & Tea

Trong một vài phát biểu, ông Lâm Bội Minh, nhà sáng lập Phúc Long cho biết bản thân đặt toàn bộ kỳ vọng, niềm tin vào đối tác và tương lai phát triển của “đứa con tinh thần” mà ông đã dành hơn 50 năm tâm huyết gầy dựng.

“Đến thời điểm hiện tại, quá trình sát nhập vẫn chưa hoàn tất và đang trong giai đoạn thương thảo cuối. Phúc Long được vận hành và phát triển bởi một đội ngũ dày dạn kinh nghiệm. Tôi đặt niềm tin vào uy tín, chiến lược phát triển, năng lực điều hành của đội ngũ lãnh đạo và tiềm lực tài chính của đối tác.

Tuy nhiên bất kỳ khi nào đối tác của tôi cần sự hỗ trợ từ phía tôi, tôi vẫn sẽ luôn sẵn sàng đồng hành cùng họ để cùng giải quyết, vượt qua những thử thách trong việc tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển cho Phúc Long”, ông Lâm Bội Minh tiết lộ.

Sự cẩn trọng trong các khâu đánh giá và niềm tin vào đối tác trong các thương vụ M&A là điều cần thiết nhưng các bên cần hạn chế các rủi ro phát sinh trong quá trình hợp tác sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ thương vụ. Đặc biệt việc đối thoại thẳng thắn và trực tiếp sẽ giúp tháo gỡ các khúc mắc trước khi đẩy tình hình hợp tác giữa các bên đi vào “điểm nhiệt”.

Hoàng Ngân

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ven-man-nhung-thuong-vu-ma-dinh-dam-thi-truong-20180504224296565.htm