Vén màn bí mật phía sau những giải đấu Bridge & Poker (2): Treo thưởng xe sang bất chấp 'lệnh cấm'

Không chỉ ngang nhiên tổ chức những giải đấu với mức đóng phí, trả thưởng lớn cho 'vận động viên', nhiều CLB còn mở tour thi đấu kiểu chơi cash tương tự như cách thức hoạt động của một số casino trên thế giới.

Sau 49 lượt tham gia, 8 người chơi lọt vào vòng chung kết để tranh giải. Ảnh: Cao Tuân

“Thả cửa” cách chơi

Sau khi thua sấp mặt tại giải đấu 3M ở Capital Poker Club, Tuấn “gà” kéo tôi đến King Poker Club có địa chỉ tại 319 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) để gỡ gạc. Theo lời Tuấn, CLB này là thành viên non trẻ nhất của Hiệp hội Thể thao Bridge & Poker Việt Nam, vừa được ra mắt chính thức hôm 1/7/2017. Mặc dù là “em út” trong gia đình gồm 4 thành viên nhưng King Poker Club đã thu hút rất đông người chơi Poker bởi cách trả thưởng của mình. Đáng chú ý, CLB này tọa lạc nằm sát cạnh trụ sở Công an phường Ngã Tư Sở và cũng chẳng cách trụ sở của UBND phường này là bao.

Có mặt tại đây lúc 17h chiều 16/7, chúng tôi khá bất ngờ bởi Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam đã có thông báo gửi đến các CLB Poker thành viên yêu cầu tạm dừng ngay các hoạt động thi đấu đóng phí, lãnh thưởng dưới mọi hình thức nhưng thực tế hoàn toàn khác. Đoán chúng tôi là khách chơi, một nhân viên nhanh chóng giới thiệu, mọi hoạt động thi đấu tại đây vẫn diễn ra bình thường. Trong ngày 16/7, các giải đấu 2M, 3M (tương ứng với phí đóng vào của người chơi là 2 triệu, 3 triệu) đã được tổ chức. 17h30 sẽ diễn ra giải 1M. Đúng như Tuấn “gà” dự đoán, do giải “cò con” nên sau 15 phút thông báo chỉ quy tụ được 3 người chơi, do vậy “nhà cái” đành hủy giải…

Qua quan sát, sảnh ngoài của King Poker Club đặt tại tầng 4 một tòa nhà trên phố Tây Sơn là nơi đón tiếp, đăng ký thủ tục thi đấu hoặc giải đáp tất cả những câu thắc mắc cho những người chơi. Thi thoảng từ cửa thang máy lại xuất hiện một vài thanh niên dáng dấp sành sỏi, ăn vận thời trang rảo bước nhanh qua sảnh, dừng lại đôi chút ở quầy lễ tân để móc ví, đưa tiền và rồi lại mất hút sau cánh cửa bọc da đen đính khuy đá nặng nề.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, King Poker Club có 2 phòng riêng biệt gồm Phòng thường và Phòng VIP. Phòng thường được kiểm soát khá thoải mái còn Phòng VIP hoàn toàn ngược lại. Phải đến khi Long “Audi” – một tay chơi Poker khét tiếng ở Hà thành - bạn của Tuấn “gà” có mặt thì chúng tôi mới được vào cùng vì anh này có thẻ Hội viên VIP.

Tại thời điểm chúng tôi vào, phòng VIP có khoảng 6-7 bàn thì 2 bàn đang hoạt động nhộn nhịp, các đối thủ đang đấu nhau rất căng thẳng. So với khu vực bình dân, điểm dễ nhận thấy nhất tại đây chính là cách bài trí sang trọng hơn rất nhiều lần. Ghế bọc da to hơn, tựa lưng cao quá đầu, bàn chia bài cũng to hơn và đặc biệt không hề có màn hình điện tử hiển thị các thông số như những bàn đánh giải. Chúng tôi lập tức nhận ra các đặc điểm của một hình thức chơi Poker có điểm tương đồng như kiểu cách của các sòng bài trên thế giới, đó là chơi cash. So với chơi đấu giải (tour), vốn vẫn còn tranh cãi là thể thao hay cờ bạc, cách chơi này thể hiện tính sát phạt, máu ăn thua rất rõ ràng.

Thực vậy, nếu ở hình thức chơi đánh giải, tất cả người chơi đều có xuất phát điểm như nhau (cùng một lượng chip) và phải trụ đến tàn cuộc thì mới được nhận giải thì ở cách chơi cash lại không như vậy. Người chơi có thể nhập và rời cuộc chơi bất cứ lúc nào, mang bao nhiêu chip vào cũng được. Do đó, người chơi cash hoàn toàn có quyền “ăn non” như trong cờ bạc truyền thống…

Theo lời của một lễ tân trong Club này, phòng VIP chỉ chơi theo kiểu Cash với mức lệ phí nộp vào thấp nhất là 5 triệu đồng, cao hơn là 15 và 20 triệu đồng. Hội viên muốn tham gia chơi giải cao hơn cũng được vì không quy định có mức phí cao nhất. Ngoài ra, nhân dịp khai trương, CLB này cũng treo thưởng một chiếc Mercedes dòng C cho những khách VIP tích đủ một lượng điểm nhất định.

Người chiến thắng đa phần là “dân chuyên nghiệp”

Nam thanh niên này nhận số tiền thưởng cho người vô địch là 27.000.000 đồng tiền mặt.

Điểm tiếp theo chúng tôi đến là Loyal Poker Club (D2 Trần Huy Liệu, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội). Theo thông báo trên Fanpage của CLB, 11h30 mới bắt đầu giải đấu đầu tiên trong ngày nhưng ngay từ lúc 11h, nhiều tay chơi đã kéo về đây khiến gian phòng trở nên nhộn nhịp.

Theo lịch trong ngày, Loyal Poker club sẽ diễn ra 6 giải đấu với mức lệ phí đóng vào từ 300.000 đồng đến 1.800.000 đồng, giải tổ chức muộn nhất vào lúc 20 tối cùng ngày.

13h45 chiều, loa của CLB phát đi thông điệp tuyển mộ vận động viên cho giải D.1800.000 sắp diễn ra. Người nườm nượp đổ về khu vực quầy mua chip, mỗi người đóng 1.800.000 tiền sẽ nhận được về các cọc chip với các loại màu sắc khác nhau. Tiếng chip kêu loảng xoảng, tiếng người gọi nhau í ới.

Trong những người kéo về khu vực mua chip, Tuấn “gà” chỉ cho tôi người đàn ông tên H. – biệt danh là H. “trâu”. Sở dĩ có biệt danh này bởi H. thi đấu khá lì lợm và liên tục ra những tất tay (all-in) khiến nhiều đối thủ phải khiếp vía, kinh hoàng mà bỏ bài. H. thi đấu rất “trâu” và luôn trụ lại ở vòng chung kết trước khi “đánh bật” các đối thủ để lĩnh giải thưởng.

Đúng 15h, giải đấu diễn ra với số lượng người chơi ban đầu là 16 người được chia thành 2 bàn. Giải sẽ diễn ra trong 5 vòng (5 level) trước khi đến vòng 6 (chung kết) để tìm ra những người thắng cuộc và trao giải thưởng. Càng về sau số lượng tham gia thêm càng đông, có thời điểm bảng điện tử hiện lên số người chơi lên tới con số 37, trong đó có 10 người chơi lại sau khi đã bị loại (re-entries).

Qua các vòng chơi, bảng điện tử hiện lên số tiền thưởng mà những người giành giải sẽ nhận được. Với 7 giải, tổng tiền thưởng khiến nhiều người thích thú: Giải nhất: 27.000.000 đồng, giải nhì: 15.500.000 đồng, giải 3: 9.800.000 đồng, giải 4: 7.000.000 đồng, giải 5: 4.900.000 đồng, giải 6: 3.500.000 đồng, giải 7: 2.800.000 đồng. Xin nói thêm, số tiền trao giải chính là 70-80% tổng số tiền mà người chơi bỏ ra mua chip để tham gia. Phần còn lại sẽ thuộc về “nhà cái”.

Trải qua 5 tiếng đồng hồ chơi liên tục, 19h tối, vòng chung kết được xác định với 8 cái tên trong đó có nhiều “tay chơi” đã quen mặt tại các bàn poker tại đây. Và tất nhiên có cả H. “trâu”. Với quả kính màu đen và gương mặt lạnh tanh, không bao giờ biểu lộ cảm xúc đã thành thương hiệu, H. “trâu” nổi bật nhất trong số 8 người vào chung kết.

Vào chung kết, gương mặt ai cũng lộ rõ vẻ căng thẳng. Đáng chú ý trong số này có một phụ nữ cũng khá quen mặt tại các bàn poker của clb. Một cậu thiếu niên tầm tuổi đang học cấp 3 nói với chúng tôi rằng: “Đấy toàn mấy anh chị chơi chuyên nghiệp, giải nào em cũng thấy vào chung kết”.

Số người chơi cứ “bật bãi” dần. Đến 20h30, chỉ còn lại 3 thành viên: H. “trâu”, người phụ nữ và một nam thanh niên điển trai. Sau cú all-in bất thành bởi cây bài thứ 5 lật lên ghép với 2 lá bài trên tay không thành bộ sảnh, người phụ nữ duy nhất “bật bãi”.

Trên bàn lúc này chỉ còn H. “trâu” và chàng trai trẻ. Mặt ai cũng lạnh, căng thẳng như muốn “nuốt sống” đối thủ. 21h30, khi 2 con bài up của H. “trâu” là 9 và 10, 3 cây lật tiếp theo là 2 - 7 và 8. Thấy xác suất ra bộ sảnh 5 cây rất cao, H. “trâu” tung hết chip hòng lật lại tình thế.

Cay đắng cho H. “trâu”, dù 2 cây lật sau đó có J để ghép thành bộ sảnh “7-8-9-10-J” tuy nhiên cây J đó cũng đủ để nam thanh niên kia ghép thành bộ sảnh “9-10-J-Q-K”. Theo luật chơi, nam thanh niên kia sảnh lớn hơn nên thắng cuộc.

Gương mặt H. “trâu” trở nên đờ đẫn sau 8h chơi nghẹt thở, anh ta gục mặt xuống bàn rất lâu trước khi ra nhận giải nhì sau khi nghe thông báo của ban tổ chức…

Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam bó tay trước sai phạm của các CLB thành viên

Với những gì phóng viên ghi nhận trong nhiều ngày qua tại các CLB Poker ở Hà Nội cho thấy, thông báo về việc yêu cầu tạm dừng các hoạt động thi đấu đóng phí, lãnh thưởng của Hiệp hội Thể thao Bridge và Poker Việt Nam chỉ mang tính “bắt cóc bỏ đĩa”. Chiều 17/7, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Hồng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam cho biết: “Chúng tôi ở trong TPHCM nên không biết các CLB thành viên ở Hà Nội sai phạm thế nào. Hiệp hội chỉ là tổ chức xã hội nghề nghiệp và công nhận các CLB hội viên, nếu các CLB vi phạm thì chính quyền địa phương – đơn vị cấp phép phải có biện pháp xử lý chứ Hiệp hội thì bó tay rồi (?)”. Ông Hồng cũng nhấn mạnh, nếu các CLB Poker tiếp tục sai phạm thì Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam sẽ có công văn kiến nghị cơ quan chức năng rút giấy phép.

(Còn nữa)

Cao Tuân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ven-man-bi-mat-phia-sau-nhung-giai-dau-bridge-poker-2-treo-thuong-xe-sang-bat-chap-lenh-cam-201707180758561.htm