Vén màn bí mật đằng sau việc sửa đổi Hiến pháp ở Ai Cập (Kỳ 1: Quá trình sửa đổi Hiến pháp)

Với kết quả 89% cử tri bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra từ ngày 20 đến 22-4, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi sẽ được kéo dài thêm 2 năm nữa cho đến năm 2024, và có thể tiếp tục nắm quyền đến năm 2030.

Với kết quả 89% cử tri bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra từ ngày 20 đến 22-4, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi sẽ được kéo dài thêm 2 năm nữa cho đến năm 2024, và có thể tiếp tục nắm quyền đến năm 2030.

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fatah el-Sisi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 hôm 2-6-2018. Ảnh: AP

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fatah el-Sisi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 hôm 2-6-2018. Ảnh: AP

Tuy nhiên, một số nhà phân tích bày tỏ lo ngại việc sửa đổi Hiến pháp lần này với phần lớn các điều khoản tập trung vào mở rộng quyền lực của Tổng thống sẽ dập tắt mọi hy vọng về một nhà nước dân chủ và hiện đại, mà thay vào đó sẽ là sự kéo dài chế độ độc tài.

Những thành tựu của ông al-Sisi trong nhiệm kỳ đầu, đặc biệt là về an ninh và kinh tế, đã thực sự thuyết phục đông đảo người dân cũng như hầu hết các phe phái chính trị ở Ai Cập khi giúp quốc gia thoát ra khỏi "bóng ma bạo lực và nội chiến". Vậy với Hiến pháp sửa đổi lần này, vị tổng thống đương nhiệm có tiếp tục thực hiện sứ mệnh duy trì sự ổn định ở đất nước Kim Tự Tháp hay không hay ông đang tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân để thâu tóm mọi quyền lực về mình?

Nhen nhóm ý tưởng

Ý định sửa đổi Hiến pháp nhằm kéo dài thời gian tại nhiệm của Tổng thống Sisi đã được nhen nhóm ngay sau khi ông giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử gần như không có đối thủ để tiếp tục nắm quyền trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình vào tháng 4-2018.

Trong các cuộc họp "bộ sậu" tại trụ sở của Tổng cục Tình báo Ai Cập ở Cairo vào tháng 9 và tháng 10-2018, ba cố vấn thân cận của Tổng thống Sisi lúc đó đã trình bày ý tưởng nhằm kéo dài thời gian tại nhiệm của Tổng thống bằng cách sửa đổi Hiến pháp hiện hành. Ba nhân vật bí ẩn này là Mahmoud al-Sisi - con trai cả của tổng thống và hiện là sĩ quan cấp cao của Tổng cục tình báo Ai Cập, Abbas Kamal - Giám đốc Cơ quan tình báo tổng hợp Ai Cập, và Mohamed Abou Shoka - cố vấn pháp lý của ông Sisi trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Ai Cập năm 2018. Họ cùng nhau thảo luận các điều khoản sửa đổi cũng như lộ trình sửa đổi Hiến pháp cụ thể.

Những điểm mới trong Hiến pháp sửa đổi

Điểm sửa đổi đầu tiên và cũng được xem là quan trọng nhất trong Hiến pháp sửa đổi là thời hạn nhiệm kỳ tổng thống hiện nay sẽ được kéo dài từ 4 lên thành 6 năm. Như vậy, tổng thống Sisi sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024, thay vì vào năm 2022.

Điểm sửa đổi thứ hai, được gọi là chuyển tiếp, cho phép Tổng thống Sisi ứng cử thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa, có nghĩa là ông Sisi sẽ tham gia ứng cử Tổng thống ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai năm 2024. Nếu tiếp tục được trúng cử, nhiệm kỳ mới của ông sẽ kết thúc vào cuối năm 2030.

Ngoài những sửa đổi đối với quy định về nhiệm kỳ tổng thống, dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng bao gồm một số điểm đáng chú ý khi tập trung chủ yếu vào việc mở rộng quyền lực của tổng thống. Cụ thể, tổng thống được quyền bổ nhiệm một hay nhiều phó tổng thống để hỗ trợ ông trong việc thực thi nhiệm vụ, được quyền chọn 1/3 thượng nghị sĩ của thượng viện thuộc quốc hội mới được thành lập, và được quyền bổ nhiệm các thành viên của ngành tư pháp.

Bên cạnh đó, theo dự thảo Hiến pháp sửa đổi, lệnh cấm tổng thống phục vụ hai nhiệm kỳ trở lên sẽ được thay thế bằng lệnh cấm tổng thống phục vụ trên hai nhiệm kỳ liên tiếp, 25% số ghế trong quốc hội sẽ được dành cho các ứng cử viên nữ, Hội đồng Nhà nước sẽ không còn quyền quyết định sự việc liên quan đến các tiểu bang hoặc cơ quan công quyền. Trong khi đó, theo Hiến pháp sửa đổi quân đội Ai Cập sẽ có vai trò bảo vệ "Hiến pháp và nền dân chủ", cũng như lợi ích và quyền lợi của nhân dân.

TUỆ KHANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_211385_ven-man-bi-mat-dang-sau-viec-sua-doi-hien-phap-o-ai-cap-ky-1-qua-trinh-sua-doi-hien-phap-.aspx