VECOM mong cơ quan thuế giảm gánh nặng cho sàn thương mại điện tử

VECOM cho rằng hoạt động của các sàn thương mại điện tử còn khó khăn, cần được giảm tối đa gánh nặng chi phí, gánh nặng tuân thủ.

Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) vừa có công văn phúc đáp Công văn số 3434/TCT-DNNCN của Tổng cục Thuế về “Khảo sát thông tin dữ liệu cung cấp thông tin của các sàn thương mại điện tử” trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các chủ sở hữu sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Theo đó, VECOM ủng hộ phương án cung cấp thông tin theo phương thức điện tử để thuận tiện cho công tác quản lý thuế của cơ quan thuế và hoạt động kinh doanh thông suốt của các sàn.

Tuy nhiên, việc báo cáo, cung cấp thông tin cần ở mức hợp lý, bám sát quy định pháp luật hiện hành, không vượt quá quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp sàn TMĐT, đảm bảo đúng nguyên tắc “tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử” theo khoản 4 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC.

 VECOM ủng hộ phương án cung cấp thông tin theo phương thức điện tử. Ảnh: V.Đ.

VECOM ủng hộ phương án cung cấp thông tin theo phương thức điện tử. Ảnh: V.Đ.

Do công văn trước đó trích dẫn quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 và khoản 5 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC làm cơ sở pháp lý, VECOM thấy rằng cần làm rõ cơ sở của việc cung cấp thông tin của “tổ chức cung cấp hàng hóa dịch vụ thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử”.

Cụ thể, khoản 5 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC quy định “Trong trường hợp tổ chức là chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại điện tử không thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua Sàn trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự thì Cục Thuế phối hợp với Sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc chia sẻ và cung cấp thông tin của cá nhân kinh doanh thông qua Sàn theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế để quản lý thuế theo quy định của pháp luật”.

Trong khi đó, ngoài đối tượng quy định tại Thông tư 100, Công văn 3434/TCT-DNNCN đã mở rộng đối tượng mà các sàn TMĐT phải cung cấp thông tin để bao gồm các “tổ chức cung cấp hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn”.

VECOM mong muốn Tổng cục Thuế tham khảo một cách thấu đáo ý kiến đóng góp từ hiệp hội và các sàn TMĐT. Đồng thời kiến nghị những lần tiếp theo Tổng cục Thuế cần đưa ra khoảng thời gian lấy ý kiến hợp lý, ít nhất 3 tuần, để hiệp hội có cơ hội tổng hợp thông tin từ các hội viên, đảm bảo chất lượng phản biện chính sách.

Theo VECOM, cần hạn chế việc yêu cầu góp ý chính sách chỉ trong một vài ngày làm việc. Chẳng hạn, hiệp hội nhận được Công văn 3434/TCT-DNNCN vào chiều ngày 20/9, trong khi được yêu cầu gửi ý kiến về Tổng cục Thuế trước ngày 21/9.

Trên cơ sở thực tiễn, VECOM cho rằng các sàn TMĐT là động lực quan trọng nhất góp phần phát triển TMĐT tại Việt Nam, góp phần cho công cuộc chuyển đổi số, tạo hàng triệu việc làm mỗi năm và đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách Nhà nước thông qua các loại thuế.

Dẫu vậy, hoạt động của các sàn còn khó khăn, đòi hỏi đầu tư lớn, chi phí hoạt động cao nhưng hầu hết vẫn lỗ. Do đó, hiệp hội đề nghị Tổng cục Thuế và các cơ quan quản lý lưu ý thực tế này, giảm tối đa các gánh nặng chi phí, gánh nặng tuân thủ, tạo điều kiện cho các sàn TMĐT phát triển.

“Khi đó, cả thương mại điện tử và nền kinh tế được hưởng lợi, đồng thời nguồn thu thuế cũng tăng và ổn định”, VECOM lập luận.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vecom-mong-co-quan-thue-giam-ganh-nang-cho-san-thuong-mai-dien-tu-post1365562.html