VEAM vững vàng 'vượt sóng'

Ngày 30/6, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp – CTCP (VEAM) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2019.

Ông Ngô Văn Tuyển- Quyền Tổng giám đốc VEAM phát biểu tại Đại hội

Lợi nhuận và tỷ lệ chi trả cổ tức tăng

Báo cáo tại Đại hội, ông Ngô Văn Tuyển- Quyền Tổng giám đốc VEAM thông tin, kết quả kinh doanh năm 2018 của VEAM ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 7.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế gần 7.050 tỷ. Tuy nhiên 90% lợi nhuận của doanh nghiệp này không phải tới từ các lĩnh vực sản xuất chính, mà thu từ góp vốn vào các công ty liên doanh, hơn 6.850 tỷ đồng. Hiện VEAM có hơn 11.000 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng, trong đó gần một nửa là cổ tức năm 2018 chờ trả cho cổ đông.

Cũng tại đại hội, Hội đồng quản trị VEAM trình cổ đông đưa hơn 1,3 tỷ cổ phiếu VEAM (mã CK VEA) niêm yết trên Sở Giao dịch TP. Hồ Chí Minh (HOSE) trong năm 2019. Hiện cổ phiếu VEA đang giao dịch trên sàn UpCom với mức giá chốt phiên giao dịch hôm thứ Sáu (28/6) ở 57.800 đồng một cổ phiếu, tăng gấp đôi thời điểm chào sàn cách đây một năm, 27.600 đồng.

Cụ thể, năm 2018 doanh thu tài chính của công ty mẹ đạt 5.495/ 5.137 tỷ đồng theo kế hoạch, vượt xấp xỉ 7% so với kế hoạch đề ra, tuy nhiên doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 2.927/3.539 tỷ đồng tương đương với 82% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 5.224/4.908 tỷ đồng vượt 6,44% so với kế hoạch, cổ tức chi trả đạt 39,3%/28% tăng 38,71% theo kế hoạch đề ra. Mặc dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ không đạt kế hoạch nhưng với việc lợi nhuận tăng và tỷ lệ chi trả cổ tức tăng đã tạo tâm lý hứng khởi cho các nhà đầu tư và cổ đông.

Các cổ đông bỏ phiếu thông qua các nội dung của Đại hội

Có được kết quả trên là các công ty có vốn góp VEAM có kết quả hoạt động tốt như: Futu1, Fomeco;Disoco, Cơ khí chính xác số 1 do tham gia chuỗi cung ứng của công nghiệp hỗ trợ vẫn ổn định và đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư tài chính ngắn hạn của công ty mẹ 6 tháng cuối năm 2018 được cải thiện đáng kế theo hướng tối ưu hóa các nguồn tài chính; công tác tối ưu hóa chi phí ở công ty mẹ cũng được thực hiện theo hướng tiết giảm các chi phí không cần thiết và không đem lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, ông Ngô Văn Tuyển cũng thừa nhận, mảng máy nông nông nghiệp và sản xuất ô tô tiếp tục gặp khó khăn, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong đó có giá trị sản xuất công nghiệp của công ty mẹ chưa đạt kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu là Nhà máy ô tô VEAM tiêu thụ sản phẩm ô tô 2018 đối với sản phẩm có khí thải theo tiêu chuẩn Euro 2 không đạt kế hoạch trong khi sản phẩm mới tiêu chuẩn khí thải Euro 4 chưa xâm nhập được vào thị trường trong năm đầu tiên sản xuất. Cụ thể, Nhà máy ôtô VEAM tại Thanh Hóa có lượng hàng tồn kho lớn, khoảng 3.000 xe và vốn tồn trên 1.000 tỷ đồng. “Vì thế mục tiêu năm 2019 với nhà máy này là phải tìm mọi cách tiêu thụ tối đa 2.400 ôtô tiêu chuẩn khí thải Euro 2 đang tồn kho. Kế hoạch tạm thời sản xuất, kinh doanh của nhà máy đã được Ban lãnh đạo đưa ra từ đầu năm, và sau đại hội cổ đông kế hoạch chính thức sẽ được ban hành để thực hiện”- ông Ngô Văn Tuyển khẳng định.

Tập trung các giải pháp hướng tới mục tiêu tăng trưởng

Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, công ty mẹ VEAM đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hơn 6.400 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ; doanh thu tài chính trên 7.240 tỷ đồng. Dự báo tình hình năm 2019, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có khả năng tăng trưởng cao do cả yếu tố thị trường và đầu tư nâng cao năng lực đáp ứng. Lĩnh vực động cơ và máy nông nghiệp tiếp tục khó khăn khi công ty mẹ chưa có phương án đột phá...

Ông Bùi Quang Chuyện- Chủ tịch HĐQT VEAM phát biểu tại Đại hội cổ đông

Chia sẻ về vai trò của Ban lãnh đạo Công ty mà cụ thể là Ban Tổng giám đốc và Hội đồng quản trị (HĐQT), Ông Bùi Quang Chuyện- Chủ tịch HĐQT VEAM cho biết, năm 2018 HĐQT đã triển khai các nhiệm vụ bao gồm: Tiếp tục ban hành các quy chế, quy định nội bộ làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành các hoạt động của VEAM; Đã kiện toàn bộ máy tổ chức thành lập mới các Tiểu ban: Chiến lược, Nhân sự và Kiểm toán; thành lập phòng Nhân sự và Tiền lương; Thành lập Ban quan hệ với các nhà đầu tư; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của HĐQT; thực hiện giám sát đối với các chi nhánh và đơn vị 100% vốn VEAM… “Năm 2019, HĐQT sẽ tiếp tục sát sao các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm mới, hợp tác với các doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư, đặc biệt là đối với công tác quản lý vốn và tài sản. Công tác kiểm tra, giám sát cũng được triển khai đồng bộ hơn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và điều lệ VEAM”- ông Bùi Quang Chuyện nêu rõ.

Về thoái vốn Nhà nước theo quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, ông Bùi Quang Chuyện thông tin, VEAM thuộc đối tượng thoái phần vốn nhà nước với tỷ lệ 52,47%, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 36% và tới giờ đã chậm gần 2 năm. Song quá trình thực hiện, các đơn vị tư vấn tiến hành thẩm định, xác định giá bán khởi điểm. “Ban lãnh đạo VEAM đã gửi báo cáo lên Bộ Công Thương, song cơ quan sở hữu vốn yêu cầu bộ phận đại diện vốn Nhà nước làm rõ một số điểm còn vướng và sẽ báo cáo cổ đông đầy đủ việc thoái vốn Nhà nước khi được cấp có thẩm quyền thông qua”- ông Chuyện nói.

Ông Ngô Văn Tuyển- Quyền Tổng giám đốc VEAM chia sẻ với báo chí tại Đại hội cổ đông

Tại Đại hội, HĐQT VEAM đã trình cổ đông biểu quyết thông qua việc bãi nhiệm thành viên HĐQT với ông Trần Ngọc Hà, người bị bãi nhiệm tổng giám đốc hồi tháng 3/2019. Kết quả biểu quyết có 98,73% cổ đông tham dự đồng ý bãi nhiệm chức danh này với ông Trần Ngọc Hà. 0,91% không đồng ý và ý kiến khác là 0,35%. Trước đó, ngày 28/6, HĐQT Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam VEAM có quyết định bãi nhiệm chức danh Thành viên HĐQT với ông Trần Ngọc Hà. Như vậy, sau kết quả biểu quyết này ông Trần Ngọc Hà không còn là thành viên HĐQT VEAM.

HĐQT đã bầu bổ sung 1 thành viên độc lập nhiệm kỳ 2017-2022 và người được giới thiệu ứng cử là ông Nguyễn Tiến Vỵ, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Công nghiệp, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công Thương. Ông Vỵ nhận được 98,55% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội.

Theo báo cáo từ Ban lãnh đạo công ty, doanh thu tài chính năm 2019 dự kiến ở mức khá cao do cổ tức, lợi nhuận được chia từ kết quả hoạt động năm 2018 của các khoản đầu tư dài hạn. Dự kiến mức chia cổ tức VEA tiếp tục ở mức cao, trên 39%, tăng 11% so với năm 2018.

Thùy Linh- Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/veam-vung-vang-vuot-song-121757.html