VEAM tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024

Sáng ngày 18/1 vừa qua, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 tại Hà Nội…

Ông Nguyễn Khắc Hải – Chủ tịch HĐQT VEAM phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; đại diện các đơn vị Bộ Công Thương: ông Lê Việt Long - Chánh Thanh tra Bộ; ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính và đại diện các Cục/Vụ và đơn vị báo chí trực thuộc Bộ Công Thương; Ban lãnh đạo Tổng Công ty VEAM và lãnh đạo các đơn vị thành viên; Giám đốc, Chủ tịch công đoàn các Chi nhánh của Tổng công ty.

Tại Hội nghị, Tổng giám đốc Phan Phạm Hà trình bày Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của VEAM. Mặc dù phải đối mặt với khó khăn chung của toàn nền kinh tế trong nước và thế giới, nhưng nhờ có sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, mở rộng hợp tác quốc tế, Công ty mẹ và các công ty có vốn góp của VEAM đã rất nỗ lực để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2023 và đạt được một số kết quả quan trọng.

Cụ thể, về kết quả sản xuất tổng hợp chung: giá trị sản xuất công nghiệp ước 3.335,0 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch và bằng 82% năm 2022; doanh thu ước 4.399,6 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch năm và bằng 84% năm trước; lợi nhuận trước thuế ước 7.717,0 tỷ, vượt 29% kế hoạch và tăng 23% so với năm trước.

Đáng chú ý, VEAM ghi nhận sự tăng trưởng cao từ hoạt động đầu tư tài chính dài hạn cũng như ngắn hạn. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 ước đạt 7.045 tỷ đồng, tăng 25% so với 2022 và vượt 24% kế hoạch năm.

Ông Phan Phạm Hà - Tổng giám đốc VEAM trình bày Báo cáo tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 tại Hội nghị.

Với nhận định năm 2024 vẫn tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức, Công ty mẹ VEAM và công ty con, công ty liên kết xây dựng kế hoạch với mục tiêu duy trì hoạt động ổn định, bền vững.

Giá trị sản xuất công nghiệp dự kiến tăng 7% so với thực hiện năm 2023; tổng doanh thu tăng 6% so với thực hiện năm 2023; Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ ở mức 5.375 tỷ đồng, bằng 76% so với thực hiện năm 2023; giá trị xuất khẩu tương đương với năm 2023.

Một số nhiệm vụ trọng tâm được VEAM đề ra như sau:

Tiếp tục tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại của nhiều năm trước, cụ thể: tiêu thụ hàng tồn kho, các vấn đề vướng mắc pháp lý để đảm bảo đúng quy định của pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của VEAM.

Tiếp tục nỗ lực thu hồi công nợ quá hạn, khó đòi và trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi khi đủ điều kiện.

Tiếp tục triển khai xây dựng phương án tái cơ cấu các đơn vị thành viên có hoạt động kém hiệu quả không nằm trong định hướng phát triển tổng thể của VEAM để tạo tiền đề cho phát triển bền vững.

Đẩy mạnh công tác hợp tác sản xuất nội bộ, nghiên cứu sản phẩm mới, xúc tiến phát triển thị trường mới để tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả, công tác giám sát tài chính đối với các đơn vị thành viên.

Tiếp tục kiện toàn công tác nhân sự, tiền lương, đào tạo nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn của người lao động.

Tham dự Hội nghị với vai trò là Đại diện chủ sở hữu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2024, VEAM cần thực hiện những giải pháp như: Đẩy mạnh toàn diện các mặt hoạt động và công tác theo định hướng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm giai đoạn 2021-2025 mà VEAM đã xây dựng; Hoàn thiện đề án tái cơ cấu VEAM với mục tiêu thoái vốn ở các đơn vị có vốn góp của VEAM nhưng đang hoạt động không hiệu quả và có ngành nghề hoạt động không tập trung vào định hướng phát triển của VEAM trong tương lai, khắc phục sở hữu chéo giữa các đơn vị có vốn góp VEAM, tập trung nguồn lực vào các công ty có ngành nghề kinh doanh phù hợp với VEAM; Nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; Triển khai các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, giải quyết tồn tại, vướng mắc từ những năm trước, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ các quy định của pháp luật; Tiếp tục thực hiện công tác quyết toán cổ phần hóa của VEAM.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Khắc Hải, Chủ tịch , HĐQT VEAM khẳng định Tổng Công ty sẽ tiếp tục khắc phục những khó khăn, tồn tại trong năm 2024 và quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cũng như các giải pháp căn cơ để Tổng công ty hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong năm 2024, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Ông Nguyễn Khắc Hải tin rằng với tinh thần đoàn kết, thống nhất và quyết tâm trong nội bộ từ Ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên Công ty mẹ đến từng đơn vị thành viên sẽ giúp Tổng công ty tiếp tục phát triển bền vững trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Thu Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/veam-to-chuc-hoi-nghi-tong-ket-hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-nam-2023-va-phuong-huong-nhiem-vu-nam-2024.htm