Về với Trường Sa

Chuyến đi của đoàn kiều bào thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 cuối tháng 4 vừa qua có Đào Thị Thu Hằng, thành viên Ban Quản trị Tổng hội Người Việt Nam tại Bỉ (UGVB). Chị cảm nhận niềm vinh dự và trào dâng xúc động khi được tham gia hải trình đặc biệt này.

 Thu Hằng ở Trường Sa

Thu Hằng ở Trường Sa

Chuyến đi do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam tổ chức. Ngay khi Thu Hằng đăng ký tham gia chuyến đi ý nghĩa trên, UGVB đã phát động chương trình “Vì Trường Sa thân yêu” nhằm chung tay ủng hộ quân dân ngoài hải đảo xa xôi qua hình thức đóng góp bằng tiền mặt, hiện vật hoặc tinh thần.

Kiều bào có thể góp tiền mặt để hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, phương tiện, xây dựng các công trình thiết yếu tặng quân và dân các đảo, nhà giàn DK1; đóng góp bằng tinh thần thông qua hình thức viết thư, vẽ tranh, làm podcast...

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về dạy học, Thu Hằng rất tích cực với các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện, ưu tiên những dự án phát triển giáo dục và giúp đỡ trẻ em nghèo vùng cao.

Trước khi lên đường đi Trường Sa, chị tâm sự: “Ba tôi từng là người lính Trường Sơn. Qua lời ba kể, tôi càng thấu hiểu hơn về người lính và sự khó khăn cũng như thiếu thốn về nhiều phương diện của quân dân ngoài hải đảo. Những chuyến đi như thế này mang theo bao yêu thương của người dân đất liền gửi đến những người lính đảo xa xôi. Riêng tôi cảm thấy rất tự hào vì được vinh dự mang theo những tình cảm ấm áp của đồng bào sống xa Tổ quốc gửi tới các anh”.

Thu Hằng cho biết, đợt kêu gọi kiều bào ở Bỉ ủng hộ cho quân dân huyện đảo Trường Sa lần này tập trung quyên góp cho dự án đóng xuồng CQ (chủ quyền) để giúp các chiến sĩ có thêm phương tiện cứu nạn cứu hộ ngư dân ngoài khơi xa; cùng đó là tivi, hệ thống âm thanh ngoài trời, micro, máy ảnh, máy quay phim, đầu thu K+, đàn ghi ta, các loại trang thiết bị gia dụng cần thiết và cả ô tô điện chở người, xe máy, xe đạp, dụng cụ thể thao... Chương trình “Vì Trường Sa thân yêu” đã được kiều bào ở Bỉ hưởng ứng nhiệt tình.

Trở về từ Trường Sa, Thu Hằng chia sẻ: “Có quá nhiều chuyện xúc động tôi muốn kể. Đó là khi tàu ghé thăm các đảo, trước khi rời đi sẽ kéo 3 hồi còi tạm biệt. Các chiến sĩ trên đảo đứng vẫy cờ cho đến khi tàu khuất xa tầm mắt. Các đồng chí làm việc trên tàu đến từng phòng tạm biệt đoàn công tác. Đặc biệt xúc động là hình ảnh lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến ở đảo Gạc Ma... Những khoảnh khắc ấy thật khó cầm được nước mắt”. Hằng kể thêm, chị đã có dịp trò chuyện với một người lính quê Nghệ An trên đảo Trường Sa Lớn, rồi sau đó theo đoàn đi dâng hương ở đài tưởng niệm và nhiều hoạt động khác...

 Đào Thị Thu Hằng (kiều bào Bỉ) cùng những chiến sĩ ở Trường Sa

Đào Thị Thu Hằng (kiều bào Bỉ) cùng những chiến sĩ ở Trường Sa

“Chính trị viên thông báo trên loa rằng 10 giờ, toàn đoàn công tác sẽ tập trung ở cột mốc trên đảo Trường Sa Lớn để chụp hình lưu niệm. Thế mà giữa trời nắng 39-40°C, người lính trẻ ấy vẫn đứng đợi tôi để gửi lời nhắn đến gia đình rằng trên đảo, cậu luôn nhận được sự quan tâm đầy đủ, vẫn mạnh khỏe và công tác tốt. Cậu cũng nhờ chụp bức ảnh để khi về đất liền có sóng điện thoại và internet, tôi sẽ gửi ảnh, gọi điện cho gia đình người lính ấy”, Thu Hằng chia sẻ với sự xúc động.

Tại Bỉ, có thể nói, 2024 là năm Thu Hằng đặc biệt tích cực tham gia các hoạt động dành cho cộng đồng người Việt. Công việc chính của chị khi còn ở trong nước là kế toán - kiểm toán, nhưng nhiều đồng hương ở Bỉ lại biết đến chị qua gu thẩm mỹ tốt và đôi tay khéo léo tạo ra những tấm thiệp đẹp mắt, trang trí những góc Tết Việt ấm áp, đặc biệt là tinh thần vì cộng đồng trong các sự kiện ý nghĩa như ra mắt Tủ sách Việt tại Brussels, thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam thuộc UGVB, Tết Việt 2024 tại Bỉ...

Trong hơn 12 năm định cư tại Bỉ, Thu Hằng cần mẫn sáng tạo, sáng lập và tự điều hành nhãn hàng Bobette chuyên về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm nét văn hóa Việt. Bằng cách này hay cách khác, từ việc riêng đến việc chung, mỗi sự kiện Hằng tham gia đều với một mong muốn, đó là quảng bá và gìn giữ văn hóa Việt nhiều nhất có thể trong khả năng của mình.

KIM HƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ve-voi-truong-sa-post739426.html