Về với tết quê

Cuối năm, cảnh tượng quen thuộc ở các thành phố, đó là dòng người đổ về quê ăn tết. Dẫu có vất vả, tốn kém, về quê vẫn mang một nét văn hóa ngọt ngào và rất riêng của những người con xa quê mỗi độ tết đến, xuân về.

Đối với những người con xa quê mỗi khi tết đến lại háo hức về quê, bởi đây còn là dịp để con cháu gặp gỡ ông bà, họ hàng, mang đến cho mỗi người con mang dòng máu Lạc Hồng cảm nhận không khí đoàn viên trọn vẹn cho gia đình.

Gia đình chị Nguyễn Thị Trinh, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) háo hức về quê chúc tết cha mẹ. Ảnh: BÍCH THÙY.

Tết là dịp để các thành viên trong gia đình tụ hợp cũng là dịp để các cặp tình nhân gặp nhau sau thời gian yêu xa. Đối với anh Danh Đà Ra, ngụ ấp Xẻo Đước 3, xã Đông Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) tết năm nay niềm vui nhân lên gấp đôi khi được cùng người yêu và gia đình đón tết tại quê nhà. “Hơn 7 năm nay tôi và người yêu chưa có dịp gặp nhau. Đặc biệt tết là dịp để đôi lứa yêu nhau có dịp gặp nhau và du xuân nhưng vì mưu sinh nên tôi và người yêu chưa gặp được nhau. Tết năm nay tôi rất vui và hạnh phúc khi được ăn tết cùng gia đình và người yêu tại quê nhà. Cùng người yêu du xuân, đón giao thừa, viếng chùa và vào mùng 7 tết chúng tôi sẽ làm lễ đính hôn” anh Ra chia sẻ. Ảnh: DANH THÀNH.

Chị Huỳnh Thị Mỹ Huyền, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) chia sẻ: “Cảm giác về quê ăn tết thật là thích, nó bình yên đến lạ thường, được gặp ba mẹ sau những tháng ngày làm việc ở xứ người. Vườn nhà cây trái sum xuê được ba tôi trồng chỉ đợi chúng tôi về ăn”. Ảnh: ÚT CHUYỀN.

Tết quê là dịp con cái thể hiện lòng thành, trao cho cha mẹ bao lì xì kèm lời chúc tết chân thành đối với cha mẹ.Ảnh: TIỂU ĐIỀN.

“Trên Sài Gòn muốn ăn cái gì cũng phải mua, nhưng về quê ăn tết, tôm cua thỏa sức mà ăn không tốn đồng nào”, chị Huỳnh Trúc Linh, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) chia sẻ. Ảnh: DANH THÀNH.

Tết ở quê là dịp để gia đình đoàn viên, những người đi làm xa quê đến nhà người thân, bạn bè chúc tết, ngồi bên nhau thăm hỏi, chuyện trò. Ảnh: TIỂU ĐIỀN.

Tết đến là dịp mọi người trong gia đình, họ hàng gặp gỡ thể hiện qua hình ảnh quây quần trò chuyện. Chính những điều đó đã làm nên giá trị truyền thống trong văn hóa của người Việt, đưa mọi người lại gần nhau hơn, làm đậm đà tình cảm gia đình. Ảnh: ÚT CHUYỀN.

Thời điểm tết đến xuân về cũng là lúc nhiều người trẻ cùng gia đình quây quần và những trò chơi bầu cua là “món ăn tinh thần” không thể thiếu. “Khá lâu mới có dịp anh chị em chúng tôi họp mặt, đứa thì ở dưới quê, đứa thì theo ba mẹ đi làm ăn xa, có những năm không được đủ mặt, năm nay ai cũng về quê, nên tôi vui lắm”, anh Nguyễn Trọng nghĩa, Gò Quao (Kiên Giang) chia sẻ. Ảnh: BÍCH THÙY.

Dù đã lập gia đình hay độc thân, đi làm xa nhà, đi học…cả năm về nhà nhiều hay ít nhưng gia đình sum họp ngày tết là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mọi người dân Việt Nam. Về quê ăn tết còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa về sự đoàn viên, đầm ấm, về hương vị tết quê.

Có thể nói, về quê ăn tết ẩn chứa một giá trị văn hóa rất riêng không chỉ của mỗi con người Lạc Việt. Cứ thế, cứ thế, tết năm nào cũng có vẻ giống nhau nhưng kỳ thực lại không hề giống. Chính vì vậy, trong mỗi chúng ta ai cũng luôn có một tiềm thức như nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã từng phổ nhạc ca khúc Quê Hương:

"Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một Mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người" .

BÍCH THÙY - DANH THÀNH - ÚT CHUYỀN - TIỂU ĐIỀN thực hiện

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//doi-song/ve-voi-tet-que-12486.html