Về tả ngạn Con Cuông xem người dân trồng chè VietGAP, phát triển nông nghiệp hàng hóa

Với định hướng phát triển kinh tế xanh, trong đó lấy nông nghiệp an toàn sinh thái làm trọng tâm, huyện Con Cuông (Nghệ An) đang xây dựng thành công nhiều sản phẩm kinh tế chủ lực như chè, táo, cây có múi, kinh tế rừng… mang lại thu nhập cao cho người dân.

Vùng tả ngạn huyện Con Cuông bao gồm 5 xã Đôn Phục, Bình Chuẩn, Cam Lâm, Mậu Đức, Thạch Ngàn, với trên 4.000 hộ dân, gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, những năm qua, các địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Chè VietGAP lên hương

Một trong những cây trồng được các địa phương vùng tả ngạn Con Cuông chú trọng thúc đẩy là cây chè. Đơn cử như ở Thạch Ngàn đang là một trong những xã trồng chè trọng điểm, với tổng diện tích trên 50 ha, thu hút hàng chục hộ sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ.

Được sự định hướng của địa phương, đặc biệt là sự đồng hành của các HTX, tổ hợp tác, những năm qua, người dân xã Thạch Ngàn đã chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, chú trọng chất lượng hơn số lượng, chủ động thay thế diện tích chè đã già cỗi bằng những giống chè cho năng suất cao như LDP1, LDP2…

Chè đang là một trong những cây kinh tế chủ lực ở Con Cuông.

Sở hữu gần 1 ha chè LDP1, chị Lê Thị Mỹ, thành viên Tổ hợp tác chè hữu cơ xã Thạch Ngàn cho hay, để tạo ra sản phẩm sạch, việc sử dụng phân bón, các loại phân vô cơ (đạm, lân, kali…) được tính toán chuẩn về lượng và chỉ sử dụng vào thời điểm đầu sinh trưởng của vườn cây.

Khi cây chè trưởng thành, các loại phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai (được xử lý kỹ lưỡng bằng hợp chất vi sinh an toàn) sẽ được ưu tiên, qua đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo chè chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng, đáp ứng cả yêu cầu xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản...

Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, năng suất, chất lượng sản phẩm chè búp tươi và chè sau chế biến của Tổ hợp tác chè xã Thạch Ngàn nói riêng và trên toàn địa bàn xã nói chung đều tăng mạnh, thị trường ổn định, giá trị kinh tế bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Hiệu quả cây chè VietGAP cũng đang được khẳng định tại các xã còn lại ở vùng tả ngạn Con Cuông. Toàn vùng hiện có trên 30 cơ sở chế biến quy mô nhỏ và vừa. Nhờ sản xuất sạch, nhiều hộ gia đình trở thành đơn vị cung cấp nguyên liệu chè búp tươi, phục vụ chế biến chè đen, đem đi xuất khẩu.

Đến nay, người trồng chè ở Con Cuông nói chung và vùng tả ngạn nói riêng đã được tập huấn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè xanh bảo đảm chất lượng an toàn sinh thái, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, huyện thiết kế thành công bộ nhận diện thương hiệu và lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa chè Con Cuông.

Phát huy các thế mạnh

Theo thống kê, toàn huyện Con Cuông hiện có gần 400 ha chè kinh doanh, trong đó 300 ha đã cho thu hoạch. Bên cạnh các xã vùng tả ngạn, cây chè còn tập trung ở các xã Bồng Khê, Yên Khê, Chi Khê. Dù đang gặp khó về thị trường do Covid-19, song trong tương lai, cây chè vẫn là một trong những cây kinh tế chủ lực, nằm trong chiến lược xóa nghèo trên địa bàn huyện.

Trong thời gian tới, cùng với nỗ lực xây dựng chuỗi giá trị, để hoàn thành mục tiêu nâng giá trị sản xuất chè bình quân lên trên 120 triệu đồng/ha/năm, huyện sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, thành lập mới các tổ hợp tác, HTX, tổ sản xuất… nhằm liên kết người dân sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, thân thiện môi trường, tạo ra những sản phẩm sạch, giàu sức cạnh tranh hơn.

Con Cuông đang định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, cộng đồng.

Đáng chú ý, quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng ở Con Cuông không chỉ tạo nên thành công cho cây chè, mà còn góp phần hình thành nhiều loại cây trồng thế mạnh khác, làm giàu cho nông dân như cây dược liệu, giảo cổ lam, cao hà thủ ô, rau quả tươi... Bên cạnh đó là các thương hiệu nổi tiếng như cá mát sông Giăng, rượu men lá, rượu cần, thổ cẩm, thịt chua, dưa ống nứa, mây tre đan... mang đậm yếu tố truyền thống.

Thực hiện Chương trình OCOP, giai đoạn 2019-2022, đến nay, huyện Con Cuông đã tập trung hỗ trợ, phát triển hoàn thiện và chuẩn hóa một số sản phẩm như mây, tre đan, dệt thổ cẩm, rượu men lá, các làng du lịch cộng đồng.

Tính đến đầu năm 2023, huyện đã được công nhận 7 sản phẩm được xếp hạng 4 sao OCOP như trà túi lọc cà gai leo, trà túi lọc dây thìa canh, trà túi lọc giảo cổ lam, cao cà gai leo, cao dây thìa canh, trà hòa tan cà gai leo, trà hòa tan dây thìa canh của Công ty Dược liệu Pù Mát.

Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm khác như rượu nếp cải khâu hin, rượu nếp men lá, viên hoàn dây thìa canh, du lịch cộng đồng bản Nưa, du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, rượu men lá Lê Đông, rượu men lá Châu Liên, rượu nếp cẩm Thảo My...

Hướng tới nông nghiệp sinh thái

Không chỉ phát triển nông nghiệp đơn thuần, để tạo nên giá trị bền vững, ngành nông nghiệp huyện Con Cuông đang định hướng phát triển kinh tế xanh, trong đó nông nghiệp sinh thái là trọng tâm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành hàng trăm mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.

Điển hình như sản phẩm du lịch cộng đồng bản Xiềng (xã Môn Sơn) được hình thành từ năm 2012, vận hành theo hình thức tổ dịch vụ. Tham gia OCOP, HTX Nông nghiệp – Du lịch cộng đồng xã Môn Sơn đã ra đời thực hiện điều hành, kinh doanh, cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng tại bản Xiềng.

Ông Vi Văn Tư, Giám đốc HTX, chia sẻ khi HTX đứng ra điều phối thì hoạt động du lịch tại đây trở nên bài bản và mang tính chuyên nghiệp hơn, các dịch vụ tour, tuyến cũng đã được kết nối nhiều hơn.

Hiện, HTX đang triển khai các gói dịch vụ ẩm thực (các món ăn truyền thống của đồng bào Thái); lưu trú (dịch vụ ngủ nghỉ nhà sàn qua đêm) trải nghiệm đi thuyền trên sông Giăng, dệt thổ cẩm, giao lưu văn nghệ, uống rượu cần…

Các dịch vụ trên được tổ chức dựa trên những yếu tố bản sắc truyền thống kết hợp với yếu tố du lịch có trách nhiệm, sáng tạo. Chất lượng phục vụ du khách ngày càng được nâng cao nên du lịch cộng đồng bản Xiềng đã thu hút 1.000-2.000 khách mỗi năm. Qua đó, đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình trong bản.

Có thể thấy, nông nghiệp huyện Con Cuông những năm qua đang có sự thay đổi toàn diện, từ đó thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Theo thống kê, đến đầu năm 2023, toàn huyện còn 3.651 hộ nghèo (tỷ lệ 19,94%), thu nhập bình quân đầu người liên tục được nâng lên.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/ve-ta-ngan-con-cuong-xem-nguoi-dan-trong-che-vietgap-phat-trien-nong-nghiep-hang-hoa-1097322.html