Về quê!

Xếp ngăn nắp đồ đạc vào vali, đóng một thùng carton quà tết đơn giản mua từ các phiên chợ bình ổn giá, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nhờ người bạn cùng xóm trọ chở ra bến xe về quê ở H. Hương Sơn, Hà Tĩnh ăn tết.

Tạm gác những tất bật mưu sinh nơi đất khách, những người con xa xứ đang háo hức về quê ăn tết cùng gia đình.

Sau một năm làm việc vất vả, cuối năm đơn hàng không nhiều, không còn tăng ca như trước đây, công ty giải quyết cho nghỉ sớm để về bên gia đình. Thu nhập, lương thưởng không cao nhưng cũng đảm bảo cho chị một chuyến về quê, sắm sửa đơn giản để sum vầy bên người thân và hi vọng một năm mới với nhiều điều may mắn, mọi thứ tốt dần lên.

Trong khi đó, anh Trần Mai, công nhân của một công ty xây dựng tại Q. Cẩm Lệ, được chủ thầu trả lương tháng 1 và cho ứng một nửa lương tháng 2-2024 để về quê tận Quỳnh Lưu, Nghệ An. Thêm một năm kinh tế khó khăn khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cũng phải giật gấu vá vai, cắt giảm nhân sự, thu hẹp kinh doanh, thu nhập cũng bị ảnh hưởng nhưng có việc làm thường xuyên và tích lũy được một ít để lo cho gia đình, anh nghĩ mình vẫn còn may mắn. Cứ nghĩ đến cùng vợ con cùng đi sắm tết, mua cho con chiếc áo mới hay đôi giày, cùng bày biện mâm quả, bánh kẹo lên bàn thờ gia tiên trong những ngày cuối năm, anh thấy phấn chấn và quên hết mọi nhọc nhằn, lo âu thường ngày.

Những lo toan dịp cuối năm về tình hình lao động, việc làm, thu nhập rồi cũng qua, điều quý nhất của chị Oanh, anh Mai cũng như những người lao động làm ăn xa nhà giờ đây là những chuyến xe ấm áp, những ngày vui vẻ, sống chậm lại cùng cha mẹ, anh chị em, bạn bè trong những ngày tết.

4 năm qua có lẽ là quãng thời gian rất khó khăn đối với những người con làm ăn tha hương. Có những chuỗi ngày không việc làm, không giao tiếp, không đi lại, thui thủi trong những xóm trọ và đối mặt với hiểm nguy dịch bệnh. Có những ngày làn sóng về quê như một cuộc chạy trốn chốn thị thành vì áp lực thu nhập không đủ chi tiêu, làm việc không có của để dành, ốm đau một mình không có người thân thích. Lại có những ngày chi tiêu chắt bóp, thu nhập bấp bênh, cùng gồng gánh khó khăn với doanh nghiệp nơi mình làm việc, rồi thấp thỏm với nguy cơ thất nghiệp trong giai đoạn kinh tế chưa thể phục hồi. Nhưng rồi mọi thứ cũng dần qua, những ai định hình được cuộc sống mới ở quê hương cũng là một điều mừng, lượng lớn người lao động vẫn cần việc làm, cần thu nhập cho cuộc sống, tương lai của mình và bắt đầu trở lại nhà máy, công xưởng, các khu công nghiệp ở thành phố lớn. Những câu nói kiểu “về quê nuôi cá và trồng thêm rau” hay “khó khăn quá thì về đây với mẹ” ai cũng mong ước nhưng không hề là điều đơn giản. Những lo toan, những mưu cầu tối thiểu vẫn phải tiếp diễn, cuộc sống vẫn liên tục vận động theo chiều hướng tích cực hơn. Đi làm, xét cho cùng vẫn là trách nhiệm đối với bản thân, với gia đình và đất nước.

“Về quê ăn tết” là cụm từ ít nhiều mang theo nỗi lo toan đối với những người con mưu sinh tha hương. Nhưng sau tất cả, đó cũng là mong mỏi và là niềm hạnh phúc của tất cả mọi người. Có người nghỉ tết dăm ba ngày, có người kéo dài vài chục ngày, nhưng đã về với quê hương, với gia đình, đây là những tháng ngày quý giá mà nhiều thứ không thể đổi được. Những lo toan tất bật thường ngày, những áp lực mưu sinh nơi phố thị đều nhẹ nhàng đi dưới bóng quê nhà.

ĐÔNG A

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ve-que-post290594.html