Về quê ăn Tết

Những ngày cuối năm, nghe mọi người kháo nhau rủ đi Nha Trang, Đà Lạt hay Thái Lan, Nhật Bản… đón Tết thấy ham. Trong khi đó, tôi và các thành viên trong gia đình cứ quây quần bên nhau mãi với điệp khúc mùa xuân năm nào cũng vậy: Về quê ăn Tết!

Quê tôi không xa Sài Gòn lắm, khoảng 50 cây số. Thế nhưng, chừng ấy khoảng cách địa lý cũng đủ phân biệt đâu là quê đâu là phố thị. Nhớ lại những ngày giáp Tết lúc tuổi thơ, nằm ngủ đến gần sáng, tiếng ghe máy “tạch… tạch…” vọng từ sông Vàm Cỏ làm lòng những đứa trẻ như tôi cảm thấy nao nao.

Mấy bà cô đi bộ hàng cây số để tới chợ trung tâm, í ới gọi nhau khi trời chạng vạng sáng. Họ đi chợ để chọn cho gia đình vài ký thịt heo, dăm ba ký khổ qua về dồn thịt. Hồi tôi lên 10 tuổi, gần tới Tết là mừng lắm. Mừng vì được mẹ mua thêm cho vài ba bộ quần áo mới. Mừng vì được ngồi canh nồi bánh tét chiều 30 Tết. Và mừng vì được thoải mái ăn mấy dĩa mứt dừa hay thèo lèo đường tán ngay ngày đầu năm mới.

Chiều 30 Tết, mẹ tôi lôi từng “ông tướng” ra cái giếng phía hông nhà. Những gàu nước trong veo pha với nồi lá sả, lá bưởi thơm lừng rồi tự tay tắm rửa cho anh em chúng tôi để xua đi những điều không may mắn. Chiều tối, chúng tôi quây quần bên nồi bánh tét to đùng. Ngoại tôi cẩn trọng sắp từng đòn bánh vô nồi rồi nhẹ nhàng nhóm củi. Lát sau, ngọn than hồng đã cháy rực… Sáng mùng một Tết, những chiếc ghe máy gối đầu bên bờ sông Vàm tạm nghỉ, mấy bà mấy cô cũng thôi gọi nhau không đi chợ nữa, những con chim non đón ánh bình minh xuyên qua kẽ lá bắt đầu hót líu lo. Lũ trẻ chúng tôi nhảy lưng tưng: “Tết... tết... tết… đến rồi…”.

Thuyền hoa về bến sông

Xa quê lên thành phố học rồi chọn làm quê hương thứ hai sinh sống và làm việc và tuy đã gắn bó hơn nửa đời người nhưng mỗi lần gần đến Tết, nhất là khi thấy phố phường náo nhiệt, phố xá được trang hoàng đầy màu sắc, lòng tôi lại bắt đầu cái cảm giác nao nao. “Tết sắp đến rồi!”. Cố gắng hoàn thành nốt những công việc còn dang dở, tôi dọn dẹp bàn làm việc, những sấp hồ sơ thường ngày cũng được cho vào hộc tủ.

Làm gì thì làm, một năm bận rộn đầy tất bật, giờ cũng là lúc để mọi thứ ngày cuối năm được sạch đẹp, thơm tho. Có như thế, sang năm công việc mới hanh thông, không trì trệ nữa. Mấy đứa bạn cùng phòng gọi anh ơi, bạn ơi, năm nay về quê hay ghé nhà tui đón Xuân nha. Nghe cũng rộn ràng, nôn nao nhưng rồi khi tiếng chuông điện thoại đổ dồn, từ bên kia đầu dây là giọng của ngoại, của ba mẹ tôi hỏi khi nào về, lúc đó mọi sự tính toán trở về con số 0 tròn trĩnh. “Dạ, chiều 30 tụi con về nha…”.

Chiều 30 cuối cùng của năm, vợ chồng tôi lỉnh kỉnh đồ đạc quẳng lên xe. Chủ yếu là quà Tết với ít thực phẩm để dành nhâm nhi bên tách cùng hàng xóm láng giềng. Con đường về quê vốn đã thân quen nhưng nay sao nhộn nhịp, đông đúc lạ. Không giống như ngày xưa, hồi những chiếc xe đò cứ bóp kèn inh ỏi, mấy tay lơ xe đập thùng, miệng liên hồi xin được nhường đường. Lắm lúc gặp mấy cô gái gò lưng đạp xe lọc cọc bên đường, mấy gã huýt sáo chọc ghẹo rồi buông những tràng cười khanh khách… Những luồng xe giờ đi trong trật tự, với các tuyến xe buýt sạch sẽ sang trọng và văn hóa. Hình ảnh những chiếc xe đạp cũ cũng không còn. Những thứ thời chưa phát triển ngày nào giờ nhường lại cho xã hội thời văn minh hiện đại. Những tưởng mình đang ở một thế giới nào đó xa lạ, tôi chưa kịp trút hết nhịp thở dài thì bất chợt gặp mấy anh bạn cũng đang cùng gia đình rồng rắn về quê. - Ủa, sao nghe nói có kế hoạch đi chơi xa mà?

Mấy đứa chúng tôi gặp nhau đều hỏi thế, nhưng cuối cùng đứa nào cũng như tôi đều đưa ra đáp án. Thôi, về quê ăn Tết cho vui, chí ít còn có họ hàng, bà con lối xóm. Ăn Tết miền quê cũng là dịp để thư thả tâm hồn, còn đi chơi thì hồi nào đi chẳng được.

À, hóa ra không phải chỉ một mình tôi mà nhiều người, nhiều đứa bạn cùng trang lứa nhận ra: Tết không chỉ đơn thuần là khoảng thời gian nghỉ ngơi quý giá đầu năm, mà còn là dịp để về lại với cội nguồn, cùng nhau hội ngộ tình thân sau suốt cả năm trời quần quật với bao công việc.

Quỳnh Hương

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhip-song/ve-que-an-tet_158819.html