Về phía bình minh

Bon làng đang từng ngày hướng về phía bình minh, bình minh của ấm no, bình minh của hạnh phúc.

Chân bước chầm chậm trên con đường dẫn vào bon, ông Thắng thấy lòng mình ngập tràn nỗi xúc động khó nói thành lời. Con đường này ngày xưa là đường đất nhỏ xíu, mùa nắng thì bụi đỏ quạch, mùa mưa bùn dẻo quánh ghì bàn chân không nhấc nổi, giờ đã được đổ bê tông phẳng lì, rộng rãi. Bon làng thay đổi nhiều nhưng ông vẫn nhận ra những điều quen thuộc, những điều đã hằn sâu trong ký ức ông mấy chục năm qua. Làm sao mà quên cho được những tháng ngày đầy khó khăn, vất vả mà vẫn thấm đượm ân tình ấy.

Ông bảo con dừng lại một chút để ông ngắm nhìn sự đổi thay của bon làng. Ngoài con đường đổ bê tông sạch đẹp, thuận tiện đi lại, nhà cộng đồng bon cũng được xây mới, khang trang. Thay đổi lớn nhất là những nếp nhà. Những căn nhà lụp xụp đã được thay bằng những ngôi nhà kiên cố, rộng rãi, khang trang. Một vài nhà trong bon đã có ô tô. Vậy là đời sống của bà con bon làng đã khấm khá hơn trước.

***

Mấy chục năm trước, ông còn là cậu thiếu úy trẻ mới tốt nghiệp Học viện An ninh, xung phong vào Tây Nguyên để bảo vệ bình yên cho các bon làng, cho tiếng chiêng ngân vang khắp núi đồi; bảo vệ những đêm bên bếp lửa nồng ấm, bà con ngồi nghe già làng hát kể sử thi, bảo vệ cuộc sống của bà con Nhân dân trước sự tàn ác của quân Fulro.

Cuộc sống khi ấy còn vất vả lắm, đường sá đi lại khó khăn, nhưng tấm lòng của bà con lúc nào cũng nồng ấm. Vừa cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất, ông vừa tranh thủ học tiếng của đồng bào để hiểu được tâm tư, tình cảm của bà con. Ông được bà con coi như người thân trong gia đình, giúp đỡ, che chở. Những năm tháng ấy, trong lòng ông lúc nào cũng nung nấu suy nghĩ, mong làm sao bình yên sớm trở lại với cao nguyên, để bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, để bọn trẻ được đến trường học tập những điều hay, lẽ phải...

Trong dịp về thăm lại bon làng lần này, lòng ông rộn ràng niềm vui sướng khi thấy ước mong của mình cùng đồng đội đã được thực hiện.

Chẳng riêng gì nơi này, trên quãng đường dài từ sân bay, qua các huyện, qua thành phố tới bon, ông nhìn qua cửa kính ô tô, thấy sự thay da đổi thịt của đời sống Nhân dân trong tỉnh. Năm nay cà phê được mùa nên đến giờ vẫn còn những hộ chưa thu hoạch xong. Lướt qua những mảnh rẫy cà phê chín đỏ, tíu tít tiếng cười nói, cậu tài xế xe dịch vụ hồ hởi như chính mình đang được thu hoạch những quả đỏ chín mọng ấy:

- Năm nay cà phê vừa được mùa lại được cả giá. Thấy bà con khấm khá cũng mừng. Nhiều nhà nhờ trồng trọt, chăn nuôi giỏi mà nuôi nấng con cái học hành thành đạt hết đấy các cô, các chú ạ.

Vui chuyện, cậu tài xế tâm sự chuyện nhà, chuyện công việc, chuyện học hành của con cái. Cậu bảo, đây đúng là nơi đất lành chim đậu. Bố mẹ cậu đi xây dựng kinh tế mới từ những năm tám mươi, không ngại nắng mưa, vất vả, giờ cũng có cơ ngơi là vài héc ta rẫy, các con đều được học hành tới nơi, tới chốn, có nghề nghiệp đàng hoàng cả. Họ hàng sau này cũng vào, quây quần bên nhau trong cùng một khu, thành ra giờ nơi này cũng đã trở thành quê hương thứ hai, sau nơi chôn nhau cắt rốn.

Cậu cười hiền, ở đâu cũng thế các cô, các chú nhỉ. Cứ yêu đất thì sẽ nhận lại được những điều xứng đáng.

Cậu tài xế còn khá trẻ, cậu và những người bạn cùng trang lứa, những người đang sinh sống, làm việc tại đây sẽ tiếp tục xây dựng mảnh đất này đẹp đẽ hơn nữa. Ông Thắng tin thế.

***

Hùng - cậu con trai út đi cạnh bố, hào hứng giới thiệu cho bố những đổi thay của bon làng. Ở giữa bon là điểm trường mới được xây dựng và khánh thành ngay trước thềm năm học mới. Trong nắng, dãy lớp học với màu sơn trắng như bừng sáng. Ngày nghỉ nhưng đám trẻ trong bon vẫn tới lớp để chơi cầu trượt, xích đu. Những tiếng cười rộn rã vang lên trên mảnh sân nhỏ.

Hùng kể cho bố nghe, điểm trường này được xây dựng nhờ góp sức của Đoàn Thanh niên Công an tỉnh và bà con trong bon. Đoàn Thanh niên là đơn vị kết nghĩa cùng bon, thấy các em mầm non nhỏ xíu hàng ngày phải đi học xa đã bàn với người dân xin chủ trương mở điểm trường. Các hộ dân hiến đất, những gia đình khá giả góp thêm kinh phí vẫn còn thiếu một chút. Cán bộ, chiến sĩ đã ủng hộ mỗi người một ngày lương rồi kêu gọi, vận động thêm. Ngày điểm trường khánh thành, cả bon mở hội, vui như tết. Tiếng cồng chiêng, tiếng hát rộn ràng cả bon.

Ông Thắng nhìn con trìu mến. Như là duyên nợ với mảnh đất này, đứa con trai út nối nghiệp ông, sau khi tốt nghiệp được phân về công an xã. Tuần đầu nhận công tác, nó gọi điện về, hồ hởi khoe ông:

- Con đi xuống các bon, thôn ở trong xã để làm quen với người dân, gặp các cụ già, các cụ nhìn rồi hỏi con có phải con ông Thắng không. Ai cũng nhớ bố và kể cho con nghe nhiều kỷ niệm về bố lắm.

Lúc nghe Hùng nói, ông đã thoáng lặng đi trong một nỗi xúc động. Gắn bó với mảnh đất Nam Tây Nguyên này cả thời trai trẻ, cách đây gần chục năm, nhận quyết định về hưu, ông chuyển về quê để thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của người con trai cả trong gia đình, thực hiện trách nhiệm với dòng tộc. Ông ít khi có dịp vào lại thăm bà con đã từng đùm bọc, giúp đỡ ông. Nhưng ông biết, dẫu có đổi thay như thế nào, tình người trên mảnh đất cao nguyên này mãi còn nồng ấm như thế.

Hùng đưa bố đến một căn nhà khang trang, sạch đẹp, anh giới thiệu với bố:

- Đây là nhà Ama Quang mà bố hay nhắc đấy ạ.

Đúng là Ama Quang thật rồi. Đôi bạn già gặp nhau, tay bắt mặt mừng mà rưng rưng nước mắt. Ama Quang ngày xưa nổi tiếng là người đánh chiêng giỏi nhất Tây Nguyên, người có giọng hát hay nhất Tây Nguyên. Mỗi lần Ama Quang hát, suối ngừng chảy, chim chóc ngừng hót, rặng cây cũng đứng im phăng phắc để lắng nghe. Những năm Tây Nguyên ám ảnh bởi bóng ma Fulro, Ama Quang là một tuyên truyền viên. Ama Quang đeo đàn trên vai, đi vào những nơi mà Fulro canh giữ nghiêm ngặt, không một ai được phép đặt chân tới. Ama Quang chỉ đàn, hát mà lôi kéo được hàng mấy chục người theo Fulro trở về với bon làng.

Ama Quang rót ly trà cao an xoa, khoe trà thằng Y Quang, con trai lớn làm được. Từ cây an xoa mọc trong rừng, nó mang về ươm giống, trồng, nấu thành cao bán. Nó còn mở xưởng sản xuất, cho thanh niên trong xã vào làm rồi trả lương. Vừa rồi nó được tỉnh tuyên dương sản xuất kinh doanh giỏi. Cái nhà này thằng Y Quang mới xây cho bố mẹ.

Những người lớn tuổi, niềm vui chỉ có con cháu. Ama Quang khoe đứa con trai thứ hai làm rẫy cũng khấm khá. Mấy năm nay huyện, tỉnh quan tâm cho đi tập huấn, áp dụng trồng các giống mới nên thu nhập của người nông dân tăng khá. Đứa con trai út thì cũng mới trở thành sĩ quan biên phòng, được phân về công tác tại một đồn biên phòng tỉnh nhà. Những câu chuyện hiện tại và quá khứ đan xen với nhau, Ama Quang nghẹn ngào:

- Chúng mình vậy là hạnh phúc rồi. Chỉ thương những anh em không về nữa. Mỗi lần đi qua bìa rừng, tao không dám bước mạnh. Chỗ đấy, thằng Tùng, thằng Thành đã nằm lại.

Phải! Dẫu có trải qua bao gian khổ nhưng ông Thắng vẫn thấy mình may mắn và hạnh phúc. Trong trận chiến với quân Fulro, đồng đội của ông đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại ở tuổi đôi mươi tràn căng sức trẻ.

Ly trà an xoa bốc khói tỏa hương thơm dịu. Ama Quang cố dằn nỗi xúc động, chuyển qua chuyện vui:

- Cháu Hùng đúng là con bố Thắng. Bà con ở đây quý mến cháu lắm. Biết cháu là con bố Thắng lại càng quý hơn. Cháu còn mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí buổi tối cho học sinh đấy.

Để cho bố được nói chuyện tự nhiên, Hùng đã ra ngoài giúp mí Quang buộc lại cái hàng rào ở vườn rau. Anh vừa sửa hàng rào vừa trò chuyện. Chẳng biết anh nói gì mà mí Quang cười vui vẻ. Ông Thắng nhìn con trai, không giấu nổi niềm tự hào trong ánh mắt. Cũng như ông, lúc nhận nhiệm vụ, Hùng vui vẻ sắp xếp lên đường. Các cuộc điện thoại về nhà, ông chưa từng nghe con than thở bất cứ điều gì. Hùng chỉ nhờ ông chỉ thêm kinh nghiệm để hiểu được bà con, để được bà con tin tưởng, kể cho ông nghe cuộc sống đổi thay từng ngày trên mảnh đất ông từng chiến đấu, gắn bó và góp sức xây dựng. Hùng bảo, con không bao giờ quên lời bố dặn lúc con lên đường nhận công tác, lúc nào cũng dựa vào Nhân dân, được Nhân dân tin yêu sẽ hoàn thành mọi nhiệm vụ dù có khó khăn, vất vả thế nào đi nữa.

Các cụ già trong bon nghe tin ông Thắng vào thăm đã lục tục kéo đến. Tiếng hỏi han, chuyện trò râm ran trong căn nhà còn thơm mùi gạch của Ama Quang. Ông Thắng cầm tay từng người, những bàn tay thân thương, trìu mến đã giúp đỡ ông từ lúc ông còn là một người lính trẻ. Đôi bàn tay mí Doen, người mẹ đã vào rừng tìm lá thuốc lúc ông bị ngã bệnh. Ama Thông, người đã dạy ông các phong tục của bon làng. Những người anh, người chị dù đã xa cách bao năm, nay ông trở về nhớ, vẫn thương ông như một thành viên trong gia đình. Những tấm lòng ấy, ông biết làm gì để đền đáp hết được.

Từ phía nhà cộng đồng bon, những tiếng chiêng đã ngân lên. Đội chiêng của bon đang tập luyện để tối nay phục vụ đêm lửa trại mừng hai mươi năm tái lập tỉnh, mừng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, mừng những điều an lành, hạnh phúc sẽ đến trong mùa xuân mới. Ama Quang cười giòn tan, hẹn ông Thắng tối nay cùng uống rượu cần đến nghiêng ngả mới thôi. Ông Thắng thấy những khuôn mặt thân quen bừng lên niềm vui sướng. Tiếng chiêng ngân, ngân mãi. Tiếng hát, tiếng cười rộn vang, cao vút.

Bon làng đang từng ngày hướng về phía bình minh, bình minh của ấm no, bình minh của hạnh phúc.

Đất trời cũng đang chuyển mình sang xuân.

Việt Thu

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/ve-phia-binh-minh-192678.html